Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đế chế đa ngành của các tỷ phú Việt Nam

"Các tỷ phú Việt Nam là tỷ phú tự thân. Họ đi lên bằng trí tuệ và công sức. Đó là một điều rất đáng tự hào", Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven nhận xét.

ty phu Viet Nam anh 1

Trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019 của Vietnam Report, Vingroup đứng ở vị trí thứ 6. Đây là doanh nghiệp tư nhân duy nhất lọt vào top 10.

Vị trí đầu bảng thuộc về Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Những cái tên còn lại trong top 10 đều là các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh như EVN, PVN, Viettel, Petrolimex, Agribank, BIDV.

“Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư trong nước để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Quá trình phát triển kinh tế cần nhiều tập đoàn lớn hơn nữa”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói với Zing.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn thiếu những tập đoàn tư nhân lớn, các doanh nghiệp của những tỷ phú Việt Nam như Vingroup, Sovico - Vietjet - HDBank, Thaco, Masan - Techcombank, Hòa Phát là điển hình cho việc phát triển các đế chế đa ngành, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Bán chuỗi siêu thị vì giấc mơ ôtô

Vingroup trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam với trụ cột ban đầu là bất động sản. Vinhomes, Vincom, Vinpearl trở thành những thương hiệu quen thuộc với người Việt, đem về hàng tỷ USD mỗi năm cho Vingroup.

Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư trong nước để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Quá trình phát triển kinh tế cần nhiều tập đoàn lớn hơn nữa

Nhưng tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không dừng lại ở đó. Tháng 9/2017, Vingroup khởi công nhà máy sản xuất ôtô thương hiệu Việt Nam đầu tiên - VinFast. Sau chưa đầy 2 năm, nhà máy VinFast tại huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng) khánh thành, những chiếc ôtô đầu tiên do Vingroup sản xuất chính thức lăn bánh. Song song đó, tập đoàn này phát triển thương hiệu điện thoại Vsmart.

Xác định lĩnh vực sản xuất công nghiệp - công nghệ là cốt lõi, Vingroup chấp nhận tái cấu trúc, dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart, giải thể các công ty con không thuộc nhóm ưu tiên. Tập đoàn của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng từ bỏ chuỗi bán lẻ Vinmart, lĩnh vực đem lại doanh thu lớn thứ hai trong hệ thống; giải thể chuỗi điện máy VinPro, dừng dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.

Tài sản theo bộ phận của Vingroup
Tính đến thời điểm 30/6/2020
NhãnChuyển nhượng bất động sảnCho thuê bất động sảnKhách sạn, du lịchY tếGiáo dụcSản xuấtKhác
Tổng tài sản tỷ đồng 1503925087050377926670481031386981

Đến cuối tháng 6 vừa qua, VinFast lỗ gần 6.600 tỷ đồng, nhiều hơn mức lỗ của cả năm 2019 là 5.700 tỷ đồng. Trong lần trả lời Bloomberg cuối năm 2019, ông Vượng cho rằng VinFast sẽ không có lãi trong vòng 5 năm khi hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu xe điện sang Mỹ, châu Âu và Nga chứ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước.

Trong thời gian cần bù lỗ cho VinFast, bất động sản tiếp tục là mảng kinh doanh quan trọng nhất của Vingroup. Năm nay, Vinhomes đặt kế hoạch lợi nhuận 31.000 tỷ đồng, con số kỷ lục lịch sử của một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Từ nước tương, mì gói đến vonfram

Với quyết tâm mở rộng hệ sinh thái từ sản xuất hàng tiêu dùng sang bán lẻ, Masan nhận chuyển nhượng hệ thống bán lẻ VinCommerce từ tay Vingroup.

Không chỉ đặt tham vọng trở thành 'kỳ lân' ngành tiêu dùng - bán lẻ với 30.000 cửa hàng vào năm 2025, Masan còn muốn xây dựng mô hình một điểm đến phục vụ tích hợp nhu cầu tài chính, viễn thông. Lợi thế của Masan trong chiến lược tích hợp này là sự cộng hưởng của ngân hàng tư nhân đứng đầu về lợi nhuận Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh trong hệ sinh thái.

Masan tăng vọt doanh thu nhưng phải gánh lỗ của VinCommerce
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Masan sau khi nhận sáp nhập VinCommerce
Nhãn6T 20196T 2020
Doanh thu thuần tỷ đồng 1741135404
Lợi nhuận sau thuế
2192-162

Ngoài lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan đã có một thập kỷ đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản với công ty Masan High-Tech Materials (trước đó là Masan Resources) với việc mua lại mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên. Đây là mỏ vonfram có trữ lượng lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Sau khi hoàn tất thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của Tập đoàn Đức H.C.S trị giá hơn 40 triệu USD, Masan đang sở hữu nhiều trung tâm sản xuất tiên tiến ở EU, Bắc Mỹ, châu Á nhằm chuyển đổi thành doanh nghiệp chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Tập đoàn này cũng vừa mở rộng sang mảng sản xuất, chế biến thịt gia cầm khi chi hơn 600 tỷ để nắm quyền chi phối công ty 3F Việt. Trước đó, Masan cũng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực chế biến thịt mát, sản xuất thức ăn chăn nuôi với công ty con Masan MeatLife.

Hai tỷ phú sản xuất cùng làm nông nghiệp

Thaco cũng làm nông nghiệp với bước khởi đầu là nhà máy sản xuất thiết bị nông cụ lớn nhất cả nước khánh thành vào tháng 2/2018. 6 tháng sau, Thaco chính thức tham gia mảng trồng trọt thông qua sự hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai. Đến đầu năm 2020, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương tiếp tục nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi khi trở thành đối tác của Thủy sản Hùng Vương.

Đặc điểm chung của Hoàng Anh Gia Lai và Hùng Vương là cả hai công ty đều thua lỗ, gặp khó về dòng tiền trước khi bắt tay Thaco. Bằng việc rót vốn, hỗ trợ tái cấu trúc tài chính, quản trị, Thaco đang giúp hai doanh nghiệp trên chuyển mình. Riêng thương vụ đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai, Thaco mua cổ phần, cho vay, nhận nợ thay với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD.

Thaco xác định nông nghiệp công nghệ cao cùng đầu tư - xây dựng là hai lĩnh vực chính trong chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với ô tô - cơ khí là cốt lõi. Trong mảng bất động sản, 2 dự án nổi bật nhất của tập đoàn này là Khu đô thị Sala ở Quận 2, TP.HCM và khu phức hợp Myanmar Centre tại Yangon, Myanmar nhận chuyển nhượng của Hoàng Anh Gia Lai.

ty phu Viet Nam anh 2

Khu đô thị Sala tại TP.HCM do Đại Quang Minh, công ty con của Thaco làm chủ đầu tư. Ảnh: Quỳnh Danh.

Với lĩnh vực cốt lõi là ôtô, Thaco vẫn giữ vững vị thế nhà sản xuất, lắp ráp xe lớn nhất trong nước với doanh số hơn 90.000 chiếc/năm. Công ty cũng bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu ôtô, linh kiện sang các nước ASEAN từ cuối năm 2019.

Tổng nguồn vốn của khối tư nhân đến cuối năm 2018 là 22,3 triệu tỷ đồng, chiếm 57% tổng nguồn vốn doanh nghiệp trên cả nước

Tỷ phú còn lại trong ngành sản xuất của Việt Nam là Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cũng đầu tư vào nông nghiệp. Sau vài năm triển khai, "vua thép" bắt đầu hái quả từ các sản phẩm trứng gia cầm, thịt bò Úc. Mảng nông nghiệp dự kiến đem về tới 10.000 tỷ doanh thu và 1.200 tỷ lợi nhuận trong năm nay, chỉ đứng sau lĩnh vực truyền thống sản xuất thép.

Với mảng kinh doanh chính, Hòa Phát cũng đang hiện thực hóa tham vọng vượt mặt Formosa để trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất tại Việt Nam khi 4 lò cao tại dự án Dung Quất hoạt động đồng bộ vào năm 2021. Tại Dung Quất, doanh nghiệp của ông Long tự xây dựng cảng biển nước sâu có thể đón tàu 200.000 tấn để giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh.

Nữ tỷ phú hàng không đầu tiên

Là nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chọn tham gia một lĩnh vực khó nhằn là hàng không.

Trước khi Vietjet Air cất cánh lần đầu vào năm 2011, các hãng hàng không tư nhân tại Việt Nam đều “gãy cánh”, phải giải thể sau thời gian ngắn hoạt động. Nhưng sau gần 10 năm trên bầu trời, Vietjet xây chắc vị trí đứng đầu về thị phần trong nước, là động lực để nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường hàng không.

Bà Thảo từng chia sẻ Vietjet muốn mở rộng tới bất kỳ thị trường nào trong bán kính 2.500 km, bao phủ khu vực chiếm một nửa dân số thế giới. Tuy nhiên, chiến lược này có thể sẽ cần thêm thời gian dài để trở thành hiện thực khi dịch Covid-19 khiến mọi hãng hàng không trên thế giới lao đao, xoay xở tìm cách hồi phục.

Được biết đến nhiều nhất với vai trò Tổng giám đốc Vietjet nhưng bà Thảo cùng Tập đoàn Sovico của mình còn tham gia đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực gồm ngân hàng (HDBank), bất động sản (Phú Long), nghỉ dưỡng (Furama Resort, Ariyana, Ana Mandara), năng lượng - thủy điện (Bắc Hà, Bình Điền, Daksrong).

Khối tư nhân ở đâu trong nền kinh tế?

Các tập đoàn đa ngành của các tỷ phú Việt Nam là những điển hình cho sự phát triển, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân với nền kinh tế Việt Nam.

Theo Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 610.600 doanh nghiệp công bố kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2018.

Cơ cấu doanh nghiệp theo loại hình
Số liệu tại thời điểm 31/12/2018
NhãnDoanh nghiệp Nhà nướcDoanh nghiệp tư nhânDoanh nghiệp FDI
số lượng doanh nghiệp
226059149916878

Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 96,9% tổng số lượng doanh nghiệp với 591.500 đơn vị. Gần 50.000 doanh nghiệp tư nhân thành lập trong năm 2018, nhiều nhất cả về số lượng tuyệt đối lẫn tăng trưởng tương đối.

Tổng nguồn vốn của khối tư nhân đến cuối năm 2018 là 22,3 triệu tỷ đồng, chiếm 57% tổng nguồn vốn doanh nghiệp trên cả nước. Tổng doanh thu thuần của nhóm doanh nghiệp tư nhân năm 2018 là 13,4 triệu tỷ đồng, cao nhất trong 3 nhóm doanh nghiệp.

Tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp phân theo loại hình
Số liệu tại thời điểm 31/12/2018
NhãnDoanh nghiệp Nhà nướcDoanh nghiệp tư nhânDoanh nghiệp FDI
Nguồn vốn triệu tỷ đồng 9.6522.257.02

Tổng lợi nhuận trước thuế của khối tư nhân là 323.600 tỷ đồng, xếp phía sau khối doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân là nhóm duy nhất có mức tăng trưởng lợi nhuận dương (11%) trong năm 2018 và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao vượt trội trong giai đoạn 2011-2018.

Khu vực tư nhân tạo việc làm cho 9 triệu lao động với thu nhập bình quân 7,9 triệu đồng/tháng. Dù có mức thu nhập bình quân thấp hơn khối doanh nghiệp vốn Nhà nước và FDI, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động trong khối doanh nghiệp tư nhân cao nhất với mức 47% trong giai đoạn 2011-2018.

Khi nói đến quá trình lột xác ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm, trao đổi với Zing, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital nhắc đến vai trò của các tỷ phú và tập đoàn tư nhân lớn.

"Không thể không kể đến sự phát triển của tầng lớp tinh hoa. Các tỷ phú USD của Việt Nam là những tỷ phú tự thân đi lên bằng trí tuệ và công sức. Đó là một điều rất đáng tự hào", ông Dominic Scriven, vị chủ tịch quỹ đầu tư người Anh đã sống và làm việc tại Việt Nam gần 30 năm, nhận xét.

Việt Đức - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm