Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Ảnh: HH. |
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Trong đó, vấn đề tháo gỡ dòng tiền được coi là quan trọng để giúp doanh nghiệp phục hồi và vượt qua khó khăn.
Bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, GS TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, cho rằng lúc này, cần có sự đồng hành của ngân hàng để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về vốn.
Ông cho rằng vốn tín dụng từ ngân hàng vẫn là kênh quan trọng. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp đang khó tiếp cận bởi các điều kiện vay ngặt nghèo.
Ngân hàng không thể ngồi yên khi doanh nghiệp khó khăn
“Vấn đề hiện nay là một số doanh nghiệp có thể vay được ngân hàng thì không muốn vay, trong khi rất nhiều doanh nghiệp cần vay vốn thì không thể vay ngân hàng. Câu chuyện hạ thêm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, còn điều kiện để vay được mới quan trọng”, ông Cường nhận định.
Theo Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay phân hóa làm 2 nhóm doanh nghiệp. Nhóm một là những doanh nghiệp gần như “ngắc ngoải”, hay còn gọi là “xác chết”. Với nhóm này, ngân hàng cần phải tính toán thận trọng, bản thân doanh nghiệp cũng phải cân nhắc lại trong việc tái cấu trúc.
GS TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: HC. |
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp rất cần vay, nhưng đối chiếu theo những tiêu chuẩn, điều kiện về kiểm soát tín dụng truyền thống thì không thể vay được. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này vay được và có khả năng phục hồi được.
“Tôi lấy ví dụ khi nợ cũ của họ không còn tài sản bảo đảm, không có tài sản thế chấp, như vậy, đúng ra điều kiện cho vay có thể không vay được. Nhưng họ có dự án rất khả thi, có khả năng thu hồi rất cao”, ông dẫn chứng.
Các cán bộ tín dụng phải lăn lộn cùng doanh nghiệp thì mới tháo gỡ được khó khăn. Chứ ngân hàng chỉ ngồi một chỗ, yêu cầu doanh nghiệp mang tài sản lên đây, mang các điều kiện đến đây... thì không bao giờ bắt tay được ngân hàng với doanh nghiệp.
GS Hoàng Văn Cường
Theo đại biểu, trong trường hợp này, ngân hàng phải cho vay theo dòng tiền và phải kiểm soát dòng tiền của mình song hành với quá trình phát triển của doanh nghiệp và dự án. Lúc này, ngân hàng không nên câu nệ vào lịch sử vay, doanh nghiệp còn tài sản thế chấp hay nợ xấu hay không...
Ngân hàng có thể tham gia trực tiếp giải ngân cho nhà cung cấp đầu vào của doanh nghiệp như nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị... Ngân hàng nên song hành kiểm tra giám sát theo tiến độ của dự án, có đúng với cam kết hay không, hay việc chuyển nguyên vật liệu máy móc có đúng địa chỉ không.
“Ngân hàng biết hợp đồng bán cho ai, qua đó nắm được dòng tiền, như vậy thì không thể thất thoát. Dòng tiền bơm đúng vào nơi cần và giúp được doanh nghiệp. Điều này rõ ràng ngân hàng phải bỏ công, bỏ sức, lăn lộn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông nói.
Ông cũng nói thêm: “Các cán bộ tín dụng phải lăn lộn cùng doanh nghiệp thì mới tháo gỡ được khó khăn. Chứ ngân hàng chỉ ngồi một chỗ, yêu cầu doanh nghiệp mang tài sản lên đây, mang các điều kiện đến đây... thì không bao giờ bắt tay được ngân hàng với doanh nghiệp. Anh chỉ ngồi gác cổng, có qua thì cho anh vào thì không được. Rõ ràng phải lăn lộn, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Nên cấp thêm room cho ngân hàng làm ăn hiệu quả
Vị đại biểu cũng cho rằng thực tế hiện nay, doanh nghiệp và ngân hàng không khó để đồng hành cùng nhau. Với lợi ích của chuyển đổi số, ngân hàng có thể tham gia giám sát, đồng hành cùng hoạt động của doanh nghiệp qua các nền tảng trực tuyến. Ví dụ như doanh nghiệp ký hợp đồng với ai, đối tác nào, nguyên liệu máy móc là gì, sản phẩm bán ra ở đâu... hoàn toàn có thể cập nhật trên các nền tảng số.
“Đồng hành không cần xuống tận nơi, hoàn toàn có thể kiểm soát được khi ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần vốn cũng phải công khai minh bạch, phải tạo niềm tin cho ngân hàng”, ông nói.
Đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp cần vốn cũng phải công khai minh bạch, phải tạo niềm tin cho ngân hàng. Ảnh: Việt Linh. |
GS Hoàng Văn Cường cũng đánh giá việc cấp room tín dụng thường được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá theo nhiều tiêu chí, chẳng hạn khả năng an toàn của hệ thống, các chỉ số huy động cho vay... Ông đề xuất NHNN nên đánh giá ngân hàng nào làm tốt, năng động, đảm bảo các điều kiện về an toàn thì xem xét cấp thêm tín dụng.
Ngân hàng nào cho vay lãi suất thấp sẽ nới room để họ cho vay nhiều hơn, tạo lợi ích cho nền kinh tế, tốt cho xã hội.
GS Hoàng Văn Cường
“Chúng ta nên đánh giá nếu ngân hàng có các chỉ số an toàn tốt, việc cho vay rất năng động, sản phẩm cho vay được kiểm soát tốt, không có dư nợ xấu, không có sản phẩm báo động... thì những ngân hàng này cần được nới room cao hơn”, ông chia sẻ.
Đại biểu cho rằng theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng mới 2,5% thì ngân hàng hoàn toàn có nhiều dư địa để cho vay, không thể có lý do cho việc hết room tín dụng ở một số nơi.
Ông nhắc lại vừa qua Thống đốc có tuyên bố NHNN hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng hạ lãi suất huy động và cho vay. Những ngân hàng nào không giảm thì sẽ xem xét lại điều tiết room tín dụng.
“Ngân hàng nào cho vay lãi suất thấp sẽ nới room để họ cho vay nhiều hơn, tạo lợi ích cho nền kinh tế, tốt cho xã hội”, ông chia sẻ.