Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đại biểu Quốc hội: 'Cần cấp bách cứu nền kinh tế'

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài, một cách tổng thể để cứu nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, liên tục trong gần như cả 3 năm qua”, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Thư ký Bí thư Thành ủy TP.HCM, chia sẻ với Zing bên lề hành lang Quốc hội.

Ông đánh giá doanh nghiệp bắt đầu khó khăn khi có đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021. Sang năm 2022, gặp phải xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Sau đó là ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhân đạo… Vì vậy, bản chất năm 2022, doanh nghiệp phục hồi nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của thế giới, nên chỉ phục hồi trong nửa đầu năm, đến quý III/2022 đến nay bắt đầu chậm lại.

“Bây giờ phải rất bình tĩnh để giải quyết một cách căn cơ các bài toán một cách tổng thể. Không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác. Chúng ta phải vừa có giải pháp cấp bách ngắn hạn vừa phải có giải pháp dài hạn để cứu nền kinh tế”, ông nói.

Đề xuất gói hỗ trợ người dân để tăng tổng cầu

PGS Trần Hoàng Ngân cho rằng muốn có được sự hỗ trợ tổng thể tới doanh nghiệp thì phải hiểu doanh nghiệp đang khó khăn về vấn đề gì. Ông nhấn mạnh nhiều đến hai khó khăn chính là thị trường và vốn.

Với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, hiện tại khó khăn nhất là về thị trường. Thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Theo ông, nếu thị trường quốc tế khó khăn kéo dài thì phải tính đến thị trường trong nước 100 triệu dân.

Ông cho biết ở các nước, những quốc gia có dân số từ vài chục triệu người đến trên 100 triệu dân, thì thường phải kiểm soát độ mở kinh tế một cách vừa phải. Bình quân các nước trên thế giới có độ trung bình khoảng 55-60%. Những nước có dân số đông như Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia… đều kiểm soát độ mở một cách vừa phải.

Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Nhãn 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023

% 5.96 4.94 4.68 5.54 6.25 5.49 5.17 7.78 7.09 3.21 4.92 5.05 3.32

Trong khi đó, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP. Ông đánh giá đây là một yếu tố “nguy hiểm” và “rủi ro”. Độ mở lớn thì chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài là rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu đạt tới 90% GDP nhưng giá trị gia tăng vẫn rất thấp, chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu và bán thành phẩm. Là một quốc gia nông nghiệp những Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD hàng nông sản.

Độ mở lớn sẽ khiến chúng ta phải chao đảo với biến động với thế giới. Cần đặt ra bài toán nghiêm túc để kiểm soát độ mở nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

“Thế giới bên ngoài có nhiều yếu tố bất định. Độ mở lớn sẽ khiến chúng ta phải chao đảo với biến động với thế giới. Cần đặt ra bài toán nghiêm túc để kiểm soát độ mở nếu muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ”, ông nói.

Tuy nhiên, nếu phụ thuộc vào thị trường trong nước thì lại phụ thuộc vào sức cầu của nền kinh tế. Những tháng vừa qua cho thấy sức mua ngày càng yếu. Người dân đã bị thiệt hại nhiều sau 2 năm dịch Covid-19. Ông Ngân đề xuất ngay lập tức có thể xây dựng một gói hỗ trợ an sinh xã hội nữa với nhiều mục đích khác nhau. Gói này vừa giúp giảm khó khăn cho những người lao động bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách… Hơn nữa, gói sẽ giúp kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

“Quốc hội với mô hình hoạt động ngày càng năng động có thể sẵn sàng làm việc, có thể họp trực tuyến, họp bất thường để quyết những vấn đề cấp bách có thể cứu nền kinh tế”, ông nói.

Ông biện pháp tăng tổng cầu cũng được ông đánh giá cao là việc điều chỉnh tiền lương từ 1/7 sắp tới. “Quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ tăng sức khỏe cho người dân, có nguồn lực tài chính cho các hộ gia đình”, ông nói.

doanh nghiep kho khan anh 1

Khó khăn về thị trường đang bủa vây cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Việt Linh.

Cần có quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng cái khó thứ hai của doanh nghiệp là việc tiếp cận vốn. Ngân hàng hiện nay vẫn cho doanh nghiệp vay nhưng điều kiện cho vay là tương đối khó khăn. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó xử về việc liệu có vay được vốn hay không. Ông đánh giá hiện nay dư nợ tín dụng rất thấp cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là có.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp khó khăn cũng không thể tiếp cận được các điều kiện ngặt nghèo từ ngân hàng. Ngân hàng thì không dám cho vay dưới chuẩn vì phải đảm bảo an toàn. Mặt khác, ngân hàng cũng rất muốn cho vay, bởi nếu để đọng vốn càng nhiều trong ngân hàng thì giống như “cầm hòn than đang cháy trên tay”, vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền.

doanh nghiep kho khan anh 2

Hầu hết doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Ảnh: Việt Linh.

Giải pháp được ông Ngân đề xuất là cần khôi phục, củng cố và phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này được thành lập từ ngân sách, thu từ thuế mà các doanh nghiệp đóng khi hoạt động tốt. Việc này giống như dùng mô hình của quỹ để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông cũng cho rằng cần có chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng kiểm soát chất lượng tín dụng, không cho vay dưới chuẩn. Nếu cho vay dưới chuẩn thì có thể giải quyết vấn đề tăng trưởng nhưng có thể gây ra khủng hoảng tài chính ngân hàng.

Với khó khăn về lãi vay, ông đánh giá đang có xu hướng giảm. Ông tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành kéo giảm tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cần cho vay hướng vào các doanh nghiệp chuyển đổi hiện đại hóa, chuyển sang kinh tế xanh, chuyển sang kinh tế số. Đây là ưu tiên các khoản vay mang tính đầu tư vào năng suất lao động, thay đổi mô hình phát triển.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Nói thêm, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại của thị trường tài chính, xây dựng một thị trường phát triển lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn trên thị trường, chứ không chỉ phụ thuộc ngân hàng.

Gói hỗ trợ lãi suất theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần tính toán thêm, xem xét lại điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, gói này mới giải ngân được khoảng 2% so với tổng nguồn lực do doanh nghiệp khó tiếp cận. Ông đề xuất thay vì hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, hỗ trợ đại trà thì ưu đãi một cách có chọn lọc.

“Cần cho vay hướng vào các doanh nghiệp chuyển đổi hiện đại hóa, chuyển sang kinh tế xanh, chuyển sang kinh tế số. Đây là ưu tiên các khoản vay mang tính đầu tư vào năng suất lao động, thay đổi mô hình phát triển”, ông nói.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm