Quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trở thành điểm nóng tại hội trường Quốc hội khi các đại biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.
Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương là người đầu tiên nhắc đến vấn đề này. Bà cho biết Quốc hội khóa XIV có chủ trương dừng thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2016. Thế nhưng gần 14 năm qua, các vấn đề về quy hoạch làm ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Người dân mòn mỏi chờ đợi
Nữ đại biểu nhắc lại nội dung trong Nghị quyết 31 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, Chính phủ được giao giải quyết 3 vấn đề như phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; ban hành chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, quy hoạch lại sản xuất, đời sống người dân...
Theo nữ đại biểu, còn quá nhiều việc cần làm mà Thủ tướng dù đã giao các bộ, ngành giải quyết, đến nay vẫn chưa có kết quả.
Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương. Ảnh: Minh Quân. |
Bà Hương phản ánh đề án ổn định lại đời sống người dân, phát triển khu dân cư ở các vị trí được quy hoạch để xây nhà máy điện hạt nhân trước đây vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt, do vấn đề quy hoạch chưa được giải quyết.
Từ đó, người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi không được đầu tư đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng…
“Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn, bức xúc”, bà Hương phản ánh.
Dẫn báo cáo giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho tới khi cấp có thẩm quyền có ý kiến chính thức, bà Hương cho rằng việc này khiến người dân ở vùng dự án lo lắng vì kéo dài quy hoạch, nhà đầu tư chiến lược của tỉnh cũng rất lo ngại.
Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời sớm giải quyết vướng mắc để tỉnh tiếp tục thu hút vốn đầu tư, phát triển bền vững.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội giải quyết dứt điểm việc này, xóa bỏ quy hoạch dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Dự án treo cả chục năm, nhà cửa xuống cấp, công trình hạ tầng công cộng hư hỏng nhưng người dân không được sửa chữa. Ảnh: Xuân Hoát. |
“Quốc hội nhiệm kỳ trước đã cân nhắc rất kỹ việc dừng dự án này. Bước tiếp theo phải tập trung giải quyết quyền lợi của người dân, cán bộ, kỹ sư đã được đào tạo”, ông Nghĩa nhắc còn rất nhiều chuyện phải làm.
Vị đại biểu đồng thời đề nghị tạo quy hoạch mới để Ninh Thuận trở thành vùng, trung tâm phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Trước đề nghị tạm giữ quy hoạch vị trí làm nhà máy điện hạt nhân, ông Nghĩa quả quyết nêu quan điểm muốn xóa quy hoạch. “10-20 năm tới, nếu chúng ta làm điện hạt nhân thì làm quy hoạch mới, và khi đó sẽ tính toán nếu làm thì đặt ở đâu. Còn giờ, việc cấp bách là rốt ráo, triệt để quyền lợi cho bà con, không nên luyến tiếc nữa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông nhìn nhận năng lực tự chủ về điện hạt nhân, quản lý rủi ro về điện hạt nhân của Việt Nam vẫn rất thấp và lệ thuộc nước ngoài.
Tạm dừng chứ không hủy bỏ
Giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhắc lại việc cấp có thẩm quyền đã có chủ trương và Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết tạm dừng điện hạt nhân Ninh Thuận.
“Nghị quyết của chúng ta là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ, nên không có cơ sở bỏ địa điểm xây dựng điện hạt nhân. Mặt khác, địa điểm này đã được đối tác của chúng ta cùng các ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân”, ông Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Minh Quân. |
Theo vị bộ trưởng, điện hạt nhân chỉ có cấp có thẩm quyền mới quyết định được, nhưng các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ và các lãnh đạo cấp cao rằng thế giới hiện nay cũng phải quay lại để phát triển điện hạt nhân.
Đặc biệt, những gì các quốc gia cam kết ở COP26 là phải khai thác năng lượng sạch, theo đó khai thác năng lượng điện mặt trời hoặc điện gió. Để khai thác được nguồn năng lượng này, nhất thiết phải có điện nền ổn định, và điện nền chỉ có thể là nhiệt điện than hay thủy điện.
Ông Diên nêu thực tế điện than đã không còn điều kiện phát triển, thủy điện cũng đã hết dư địa, nên tương lai nếu buộc phải thực hiện những cam kết ở COP26, chúng ta phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo, tính đến điện hạt nhân.
Người đứng đầu ngành công thương dẫn chứng 2 quốc gia Mỹ và Đức 3 năm qua đã giảm điện hạt nhân nhưng đến nay đã phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn loại hình này, làm cơ sở khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Diên vì vậy khẳng định quy hoạch địa điểm phát triển điện hạt nhân ở Ninh Thuận “chưa nên xem xét đến”, chờ đến khi nào cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục hay không mới tính, và "vẫn không có nơi nào phù hợp hơn Ninh Thuận".
Năm 2009, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được Quốc hội thông qua với tổng công suất 4.000 MW.
Tuy nhiên, đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này có hiệu lực từ ngày 22/11/2016. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần là khoảng 2.307 tỷ đồng.
Theo giải thích của Chính phủ, việc dừng triển khai dự án điện hạt nhân không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta.