Ngày 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm.
Trăn trở về đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế đất nước, đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng cần cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn và dài hạn trong việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội.
Cần có khuyến cáo để doanh nghiệp chủ động hạn chế đầu tư
Dẫn chứng từ một báo cáo mới đây, đại biểu cho rằng khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt là vấn đề đơn hàng chiếm gần 70%, sau đó là khó khăn trong tiếp cận vốn vay chiếm 50,1%. Còn những khó khăn về thủ tục hành chính chiếm 45,3%.
"Tổng cầu thế giới đang ở mức rất thấp, đơn hàng giảm mạnh buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và chi phí thuê nhân công. Thu nhập của các hộ gia đình từ đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng", vị đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu Đặng Xuân Phương đánh giá điều đáng lo ngại với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là các đơn hàng thiết yếu và phi thiết yếu đang giảm mạnh. "Qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%", vị đại biểu cho biết.
Đại biểu Đặng Xuân Phương kiến nghị trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo đó, vị đại biểu kiến nghị trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động.
Đặc biệt, xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn. "Cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm...", ông Phương đề xuất.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cấp doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương theo lộ trình và mục tiêu có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tự phát đẩy mạnh việc đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm. Đồng thời, quan tâm hơn đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết hợp đầu tư mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu của các khu vực có quy mô liên xã.
Đặc biệt, quan tâm thực thi chính sách thúc đẩy học tập suốt đời để tạo ra cơ hội sáng tạo việc làm mới cho người dân, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức cho các nước đang phát triển.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có khả thi?
Băn khoăn về gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho vay xây, mua nhà ở xã hội, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết từ năm 2015 đến 2022, Chính phủ đã có nhiều gói tín dụng hỗ trợ xây dựng và mua nhà ở xã hội.
Chẳng hạn gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp, 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, gói giảm lãi suất 2% mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đều vào cuối năm 2023. Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không?", đại biểu băn khoăn.
Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Theo đại biểu, các nhà trọ trong dân được ưa chuộng hơn ký túc xá ở khu công nghiệp nhờ mức giá rẻ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh vấn đề tín dụng, đại biểu Trần Thị Vân cho biết hiện nay các nhà trọ trong dân được ưa chuộng hơn ký túc xá ở khu công nghiệp nhờ mức giá rẻ, các điều kiện về thời gian sinh hoạt thoải mái hơn, các nhu cầu, dịch vụ thiết yếu như chợ, chỗ gửi con, phòng khám, trạm y tế gần hơn.
“Qua khảo sát, chúng tôi thấy các hộ gia đình cá nhân, những người tự bỏ tiền ra xây nhà trọ cho công nhân thuê, đang giải quyết chỗ ở cho hàng triệu người lao động trên địa bàn cả nước. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ đối tượng này”, đại biểu Vân chia sẻ.
Về vấn đề vay vốn của doanh nghiệp, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho biết hiện nay doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay dù Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành.
"Theo đó, đề nghị NHNN phải quy định trần room tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp NHNN kiểm soát lạm phát", đại biểu nói.
Do đó, theo vị đại biểu cho rằng chỉ cần NHNN sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo, sẽ giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng.
"Liên quan đến chính sách giảm thuế VAT, đề xuất Quốc hội giảm sắc thuế này ở mức 3-4% và kéo dài hết năm 2024 để khuyến khích tăng sức mua, vực dậy doanh nghiệp", nữ đại biểu đề xuất.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.