Ngày 2/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Mỹ Thuận, cho biết từ ngày 27 đến 30/6, BQLDA Mỹ Thuận đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) đợt 3 đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Các địa phương nhận bàn giao đợt này là Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (phương án 3). |
Với việc hoàn thành đợt 3, BQLDA Mỹ Thuận đã bàn giao cọc mốc GPMB đạt 100% trên toàn tuyến của dự án này.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025) có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe hạn chế; mặt cắt ngang 17 m; tổng chiều dài khoảng 110 km; tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án tại Km 15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Dự án gồm 2 dự án thành phần: Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài gần 37 km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài gần 73 km, vốn 17.485 tỷ đồng.
Dự án có diện tích đất bị thu hồi khoảng 445 ha. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 226 ha; đoạn Hậu Giang - Cà Mau 219 ha. Dự án dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025.
Hậu Giang là nơi dự án đi qua dài nhất với hơn 63 km, chiếm hơn 57% tổng chiều dài toàn dự án. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang cho hay sau khi nhận bàn giao xong cọc mốc GPMB đợt 3, trung tâm khẩn trương triển khai di dân và tiến hành kiểm đếm, dự kiến hoàn thành kiểm đếm trước ngày 31/8. Trước đó, đơn vị đã hoàn thành công tác kiểm đếm đợt 1 và đợt 2 sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.
Hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 2 dự án thành phần đã phê duyệt xong, đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương thu hồi đất trồng lúa và lập thủ tục để phê duyệt dự án.