Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng thị trường xây dựng và vật liệu nước này đang bùng nổ, một phần sau kế hoạch phục hồi kinh tế của chính phủ.
Cụ thể, tổng đơn vị nhà ở được điều chỉnh theo mùa đã tăng 18,6% lên 51.055 căn nhà. Các dự án xây dựng nhà ở tư nhân mới khởi công tăng 26,6% lên 33.761 căn nhà, còn các dự án nhà ở khác của khu vực tư nhân cũng tăng 4,1% lên 16.049 công trình. Tổng giá trị các công trình đã hoàn thành tăng 0,1% lên 29,4 tỷ AUD (tức hơn 22,7 tỷ USD).
Do đó, trong bối cảnh người Australia đổ xô mua nhà, dự báo tiếp theo sẽ là các hoạt động sửa chữa, trang trí, hoàn thiện nhà cửa, Thương vụ Việt Nam tại Australia tuần qua đã làm việc với các doanh nghiệp và hiệp hội để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng, đồ trang trí, đồ nội thất, ngoại thất, sân vườn.
Các nhà mua hàng quốc tế tìm hiểu sản phẩm nội thất Việt Nam tại Furniture Sourcing Day 2021. Ảnh: HAWA. |
Đến nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng liên quan từ Việt Nam sang Australia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, như gỗ và sản phẩm gỗ tăng 34,4%; dây, điện và dây cáp điện tăng 207,9%; sản phẩm từ sắt thép tăng 12,15%; sắt thép các loại tăng 78,14%; gốm sứ tăng 37,96%...
Năm 2021, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức Triển lãm quốc tế Nguồn hàng Việt Nam ngành vật liệu xây dựng và trang trí nhà ở tại Australia để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Đồng thời, trên ứng dụng Viet-Aus trade (Mô hình Thương vụ 4.0), Thương vụ cũng cung cấp cơ sở dữ liệu về các nhà nhập khẩu, hỗ trợ tra cứu dòng thuế và điều kiện nhập khẩu, bên cạnh việc xây dựng kênh tự quảng cáo cho các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, nội ngoại thất, trang trí nhà ở.
Quý I, xuất khẩu sắt thép các loại đạt hơn 2,9 triệu USD, trị giá 2,04 tỷ USD, tăng 44,7% về lượng và 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, kim ngạch cả năm 2020 đạt 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỷ USD, tăng 47,9% về lượng nhưng giảm 15,5% về giá so với cùng kỳ. Năm 2021, ngành thép đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất 4-6%.
Trong khi đó, ngành gỗ và nội thất cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực bất kể Covid-19. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm.
CSIL thống kê Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Italy và chỉ đứng sau Trung Quốc trong danh sách các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Mục tiêu năm nay của ngành là đạt kim ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD.
Vừa qua, Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng được Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến từ ngày 12-19/4 với kỳ vọng giải quyết điểm thắt giao thương của thị trường nội thất thế giới vốn đang bị cản trở bởi Covid-19.
“Chúng tôi hy vọng khi các công tác kết nối kinh doanh phát huy hiệu quả, tăng trưởng doanh số xuất khẩu của ngành nội thất Việt Nam trong năm nay sẽ không chỉ giữ vững ở mức 2 con số mà còn có thể tạo nên những thành quả lớn hơn, như việc trụ vững ở ngôi á quân toàn cầu hiện nay chẳng hạn”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký HAWA chia sẻ.