Những năm đầu 2000, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, hoàn thành khóa học thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Mỹ, đúng lúc thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phát triển. Ông quyết định đưa Alphanam thành công ty cổ phần, từng bước niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch
"Nhưng 10 năm sau, khi các con tôi trở về, gia đình chúng tôi có nhiều thay đổi, chúng tôi quyết định thay đổi mục tiêu: Từ một công ty đại chúng với suy nghĩ đời mình phải làm được một cái gì đó cho đất nước, cho xã hội, thành một công ty gia đình để chuyển giao cho các con", ông chia sẻ.
Thời điểm đó, 80% hoạt động cốt lõi của công ty phải thay đổi để thích ứng với mô hình quản trị mới. "Sự điều chỉnh này dẫn đến rất nhiều việc phải làm, kéo dài 10 năm mới hoàn thiện. Niêm yết được đã khó, xuống sàn còn khó hơn nhiều", ông Nguyễn Tuấn Hải nhớ lại.
Ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Sau 2 lần chuyển đổi, Alphanam từ một công ty chuyên sản xuất thiết bị, vật liệu điện trở thành một tập đoàn đa ngành, sở hữu 40 công ty con ở 3 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính.
Giữa lúc hoạt động kinh doanh dần đi vào ổn định, Covid-19 ập đến. "Hầu như những người ở thế hệ của tôi đều chủ trương phòng thủ, bảo toàn những gì mình đang có. Nhưng suy nghĩ của thế hệ trẻ bây giờ thì khác, các con tôi lựa chọn tấn công. Điều kỳ diệu là trong giai đoạn Covid-19, Alphanam tăng trưởng 400%", ông nhấn mạnh.
Bởi lẽ đó, ông cho rằng sự ứng biến còn tùy thuộc vào tuổi tác của người lãnh đạo. Nhưng dù ở thế hệ nào, cốt lõi của mọi sự ứng biến phải là một triết lý kinh doanh nhất quán thì mới đạt được hiệu quả.
Cùng chung quan điểm này, bà Vưu Lệ Quyên - CEO Biti's - khẳng định: "Nếu không có mục tiêu đúng đắn, chúng tôi không thể nào nâng niu bàn chân Việt qua nhiều thế hệ như vậy".
Không phải đợi đến Covid-19, mà từ trước đó khi nhận ra những thay đổi của thị trường và các vấn đề của doanh nghiệp, bà Vưu Lệ Quyên đã chủ trương đổi mới Biti's.
Nữ lãnh đạo 8X này không có thư ký, trợ lý, cũng không có văn phòng làm việc riêng. Nhờ đó, bà hiểu rõ nhân sự và các phòng ban. Đến nay, thương hiệu giày dép Việt Nam này tạo được dấu ấn với các chiến dịch marketing độc đáo, chuỗi cung ứng với sự phối hợp sâu giữa bộ phận sản xuất và kinh doanh cũng được cải thiện hiệu quả.
"Năm 2020, chúng tôi tiết kiệm được 300 tỷ tiền hàng nhờ việc dự đoán nhu cầu thị trường tốt, dòng tiền do đó tốt hơn cả năm 2019", bà Vưu Lệ Quyên chia sẻ.
Đột phá nhờ sản phẩm mới
Trong khi đó, tại Công ty gốm sứ Minh Long 1, ông Lý Huy Sáng - phó tổng giám đốc - cho biết đã quen với việc ứng biến mỗi ngày, do đặc thù ngành gốm sứ vốn phụ thuộc nguyên liệu tự nhiên.
Những năm gần đây, doanh nghiệp lựa chọn cải tiến bằng cách thay đổi quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm theo hướng linh hoạt hơn. Nếu trước đây, một sản phẩm trước khi ra thị trường cần đến 4-5 năm, thì hiện nay, công nghệ kỹ thuật số đã rút ngắn thời gian còn 5-6 tháng.
"Nhờ đó, chúng tôi đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Mức độ linh hoạt cũng được cải thiện khi dây chuyền của chúng tôi có sự kết hợp giữa thủ công và tự động hóa, cho phép sự can thiệp của con người để sẵn sàng ứng biến trong nhiều trường hợp khác nhau", ông Lý Huy Sáng chia sẻ.
Các doanh nhân trao đổi về kinh nghiệm tại Diễn đàn "Lãnh đạo tạo đột phá - Ứng biến để vươn mình". Ảnh: HAWEE. |
Bên cạnh đó, giữa cơn bão Covid-19, ngành du lịch và F&B chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, Minh Long cũng nhanh chóng chuyển đổi phân khúc trọng tâm sang dòng sản phẩm khác là sứ dưỡng sinh.
Chia sẻ với Zing, ông Lý Huy Sáng cho hay sản phẩm này đã được triển khai từ năm 2018 nhưng chưa để lại dấu ấn trên thị trường. Đến nay, sau đại dịch, người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe hơn, các sản phẩm làm từ sứ dưỡng sinh của Minh Long mới ghi nhận đà tăng trưởng tốt.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc TalentNet, đồng thời là Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) cũng cho biết, một trong những hoạt động ứng biến tốt của giới doanh nhân trong năm qua là việc sáng tạo, linh động để cho ra đời những sản phẩm mới, đặc biệt là với giá thành rẻ, tiếp kiệm phù hợp với khách hàng.
Trong một khảo sát với 103 doanh nghiệp của HAWEE, tỷ lệ doanh nghiệp duy trì và tăng trưởng trong năm 2020 so với năm 2019 đạt 54%. Có 86% doanh nghiệp trong nhóm này có "phản ứng tốt" với Covid-19. Đó là những doanh nghiệp mang đến sản phẩm mới hoặc mở rộng thị trường mới, tìm thị trường ngách, tái kiến thiết văn hóa doanh nghiệp theo xu hướng linh hoạt, tinh gọn hơn, đặt tính hiệu quả lên hàng đầu.
Đồng thời, tại các doanh nghiệp có ứng biến tốt, các lãnh đạo cũng tập trung tạo năng lượng tích cực, tạo dựng niềm tin đối với nhân viên, khách hàng và trao quyền cho cấp dưới và khơi gợi tinh thần, trách nhiệm của nhân viên nhiều hơn.
“Ứng biến khác với thích nghi. Sự thích nghi có sự chủ động thì gọi là ứng biến, tạo đột phá để vươn mình thì sang một chủ đề cao hơn nữa. Chủ động làm thế nào vượt qua được những thách thức, vượt qua những rào cản, thậm chí vượt qua những thực trạng để vươn lên thì đòi hỏi bản lĩnh, ý chí và đặc biệt là môi trường”, ông Nguyễn Tuấn Hải nhìn nhận.