Theo The Guardian, Qiu Rui - một cảnh sát ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc - lập tức đi thực hiện nhiệm vụ vì nhận được thông báo từ hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Hệ thống này cảnh báo rằng nhiều khả năng một người đàn ông xuất hiện tại quảng trường là nghi phạm trong vụ án giết người xảy ra vào năm 2002.
Hệ thống camera giám sát tại thành phố này liên tục quét đặc điểm khuôn mặt của người dân trên đường phố, từ các khung hình của video theo thời gian thực và tạo ra một bản đồ ảo khuôn mặt của họ.
Sau đó, hệ thống này sẽ khớp thông tin thu thập được với khuôn mặt của nghi phạm có sẵn trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát. Nếu mức trùng khớp vượt quá 60%, nó sẽ đưa ra cảnh báo cho các sĩ quan.
Thành phố Trùng Khánh được trang bị gần 2,6 triệu camera giám sát. Ảnh: AP. |
Có camera giám sát nhiều nhất thế giới
Theo The Guardian, ba ngày sau, cảnh sát Trùng Khánh đã bắt được người đàn ông này. Người đó cuối cùng cũng thừa nhận hắn ta là nghi phạm đã bỏ trốn nhiều năm trước.
Không chỉ riêng Trùng Khánh, hệ thống nhận dạng khuôn mặt được sử dụng tại nhiều thành phố ở khu vực tây nam Trung Quốc để hỗ trợ cảnh sát địa phương phá các vụ án.
Theo Comparitech, một công ty phân tích có trụ sở tại Anh, Trùng Khánh là nơi có nhiều camera giám sát hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới, vượt qua cả Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Nơi đây được trang bị 2,58 triệu camera để theo dõi khoảng 15,35 triệu người, tương đương mỗi camera sẽ giám sát 6 công dân.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng 8 trong số 10 thành phố bị giám sát nhiều nhất thế giới là ở Trung Quốc. London, Anh đứng vị trí thứ 6 với 727.707 camera theo dõi khoảng 9 triệu dân. Thứ 10 là Atlanta, Mỹ với khoảng 7.800 camera giám sát hơn 500.000 người.
Trung Khánh, thành phố đông dân nhất tại Trung Quốc cũng là một trong những nơi thí điểm hệ thống Sharp Eyes (theo dõi người dân bằng camera) để giải quyết các vấn đề về tội phạm và xếp hạng tín dụng của công dân.
Ở Trùng Khánh có tới 2,58 triệu camera giám sát. Ảnh: SCMP. |
Những người ủng hộ công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho rằng nó giúp thúc đẩy sự thay đổi, cân bằng xã hội và khiến người dân có trách nhiệm hơn. “Nếu được sử dụng hợp lý bởi các cơ quan thực thi pháp luật, chúng có thể hỗ trợ giảm thiểu tội phạm”, Stuart Greenfield từ tờ Facewatch nhận định.
Bảo vệ pháp luật hay vi phạm quyền riêng tư?
Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều cho rằng sự giám sát chặt chẽ này vi phạm các quyền riêng tư của người dân.
“Những gì chúng tôi nhận thấy là sự vi phạm nghiêm trọng về quyền riêng tư của các cơ quan cảnh sát ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đang giám sát công dân của họ theo cách thức chưa từng có”, Maya Wang, chuyên gia tại tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nhận định
Tại một số thành phố lớn khác, công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng bắt đầu được chính phủ sử dụng để theo dõi tội phạm. Giữa tháng 8, tờ Financial Times đưa tin camera tại khu vực nhà ga King Cross ở thủ đô London (Anh) đã được sử dụng để theo dõi người dân một cách kín đáo.
Điều này gây ra nhiều tranh cãi về quyền riêng tư do người dân cũng không nhận được sự cảnh báo nào trước về việc này.
Hệ thống nhận dạng khuôn mặt được Trung Quốc sử dụng để đánh giá tín dụng công dân. Ảnh: Wired. |
“Chúng tôi ngày càng thấy có nhiều camera theo dõi giống như tại Trung Quốc. Với sự gia tăng nhanh chóng của công nghệ nhận dạng khuôn mặt, chúng ta cần những điều luật mới để quyết định đâu giới hạn của việc sử dụng công nghệ này”, Paul Wiles, ủy viên Hội đồng Sinh trắc học của Anh, nói.
Trái ngược với Anh và Trung Quốc, nhiều nơi khác trên thế giới lại quay lưng với công nghệ này. Tháng 5, San Francisco trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ cấm việc sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Không lâu sau, các thành phố khác như Massachusetts, Oakland và Berkeley cũng thông qua một đạo luật tương tự.
“Tôi nghĩ rằng các thành phố ở Anh cũng nên làm theo Mỹ, cấm việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, hoặc ít nhất kêu gọi tạm dừng cho đến khi chúng ta có những điều luật quản lý cụ thể”, ông Wiles nói.