Từ ngày 1/12, công dân Trung Quốc sẽ phải quét khuôn mặt khi mua điện thoại hoặc đăng ký dịch vụ internet mới từ các nhà mạng viễn thông.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết, quy định này nhằm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong không gian mạng đồng thời ngăn chặn các hành vi lừa đảo.
Trước khi áp dụng cho các dịch vụ công nghệ, Trung Quốc từng sử dụng nhận dạng khuôn mặt để khảo sát dân số. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc chính quyền Trung Quốc liên tục đưa công nghệ nhận diện xuất hiện rộng rãi trên toàn quốc đã gây ra tranh luận.
Video quảng cáo loại kính thông minh nhận dạng khuôn mặt LLVision trong cuộc biểu tình tại một văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28/2/2018. Ảnh: Reuters. |
Thêm vào đó, luật mới cũng sẽ cấm công dân chuyển số điện thoại di động cho người khác. Theo Quartz, Trung Quốc dường như là quốc gia đầu tiên yêu cầu người dùng quét khuôn mặt khi đăng ký dịch vụ di động và internet.
Hồi tháng 9 khi các quy định được công bố, trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, hàng trăm người dùng đã lên tiếng lo ngại về việc chính phủ ngày càng tăng cường thu thập dữ liệu người dùng.
“Mọi người đang ngày càng bị theo dõi chặt chẽ hơn. Họ (chính phủ) đang lo sợ điều gì thế?”, một người dùng trên Sina Weibo bày tỏ quan ngại.
“Trước đây, kẻ xấu chỉ có thể biết tên bạn là gì. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng sẽ biết bạn trông như thế nào”, bình luận nhận được hơn
1.000 lượt yêu thích cho biết.
Trung Quốc đang ngày càng giám sát công dân nước này chặt chẽ hơn. Trong năm 2017, Trung Quốc đã có 170 triệu camera quan sát trên toàn quốc và dự định đến năm 2020 sẽ lắp đặt khoảng 400 triệu chiếc mới.
South China Morning Post cho biết, chính quyền Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống điểm tín dụng xã hội để thu thập và phân tích dữ liệu đánh giá các cá nhân trong độ tuổi 18-45 trong một cơ sở dữ liệu khổng lồ.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, mọi công dân Trung Quốc sẽ được đăng ký vào một cơ sở dữ liệu quốc gia rộng lớn nhằm tổng hợp thông tin tài chính và cho ra “điểm xếp hạng” của mỗi người.