Apple đã thuê nhiếp ảnh gia riêng chụp ảnh cho các buổi demo của Vision Pro. Ảnh: Apple. |
Dự kiến mở bán chính thức ở thị trường Mỹ vào ngày 2/2, Vision Pro là một trong những sản phẩm công nghệ được quan tâm nhất những ngày qua. Bộ kính thông minh đầu tiên của Apple rất được cánh nhà báo và chuyên gia công nghệ quan tâm, săn đón với hàng loạt bài viết đánh giá trên tay đăng tải.
Song, rất nhiều người né tránh một vấn đề quan trọng. Đó là bộ pin cồng kềnh đi kèm.
Nhược điểm của kính VR mà Apple cũng không thể giải quyết
Giống với thiết bị đeo Quest Pro của Meta, bộ kính Apple Vision Pro che phủ hoàn toàn mắt và trán người dùng. Người đeo vẫn có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài dù đang đeo kính hoặc nhìn thấy hình ảnh 2D, 3D của các ứng dụng với độ sâu rất thật.
Nhưng Vision Pro của Apple có một điểm khác biệt rất lớn so với Meta Quest. Nó luôn đi kèm với bộ pin nhôm ở bên ngoài. Cục pin này được kết nối với bộ kính qua dây cáp. Điều đó đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải mang theo bộ pin cồng kềnh trong túi hoặc đặt nó bên cạnh khi ngồi.
Nhưng trong tất cả ảnh chụp và bài đánh giá, Táo khuyết đều cố giấu giếm điều này. Bộ pin đi kèm hầu như không xuất hiện trên trang giới thiệu sản phẩm của Apple, mà chỉ hiển thị ở cuối thư viện ảnh ngay cuối trang.
Trong cả những buổi demo với nhà báo, Apple cũng yêu cầu không được phép chụp ảnh hay quay video về phần cứng. Quy định này rất bất thường đối với một cuộc họp báo.
Thay vào đó, hãng đã thuê nhiếp ảnh gia riêng chụp ảnh cho các buổi demo của Vision Pro. Vì vậy, mọi bức ảnh ban nhìn thấy trong các bài đánh giá đều do Apple chụp.
Các ảnh demo đều không để lộ viên pin. Ảnh: Engadget, The Verge, Wall Street Journal, Wired. |
Điều đáng nói là bộ pin “tàng hình” trong tất cả ảnh chụp. Một người tham dự buổi demo cho biết họ phải luồn sợi cáp kết nối phía sau áo len để không lộ ra.
Trong hình trải nghiệm sản phẩm The Verge, bạn có thể thấy rõ sợi cáp nhưng ảnh được cắt để tránh xuất hiện bộ pin. Cây bút của Wired cũng có trải nghiệm tương tự. Anh đặt bộ pin của Vision Pro trên đệm ghế bên cạnh khi dùng. Nhưng trong bức ảnh Apple gửi lại bộ pin đã bị cắt khỏi khung hình.
Quả thật, bộ pin là yếu tố lạc loài nhất trong một sản phẩm không tì vết như Vision Pro. Thay vì đặt pin vào trong và tăng trọng lượng, hãng đã chọn cách sử dụng bộ pin rời. Cách làm này là giúp bộ kính nhẹ hơn và nhường chỗ cho các cảm biến cao cấp như theo dõi cử chỉ tay, lập bản đồ môi trường… nhưng đổi lại là sự cồng kềnh, bất tiện.
Dễ thấy, vị trí đặt viên pin là bài toán khó cho các sản phẩm thực tế ảo mà ngay cả Apple cũng không thể giải quyết.
Điều bạn phải đánh đổi khi sử dụng Vision Pro
“Ai cũng muốn một bộ kính gọn nhẹ mà không cần mang theo bộ pin bên người. Nhưng bạn không thể có mọi thứ trong một. Bạn không thể có chuyển động mắt và ngón tay như thật nếu không trang bị những cảm biến đó. Dùng kính VR/AR luôn phải đi kèm với sự đánh đổi”, Jeremy Bailenson - giám đốc sáng lập Phòng thí nghiệm Tương tác ảo của Đại học Stanford - nhận định.
Càng che giấu, bộ pin Vision Pro càng gây chú ý. Nó đặt ra hai vấn đề lớn. Một là Apple hình dung người dùng sử dụng thiết bị này như thế nào. Hai là việc sử dụng bộ pin đi kèm có ảnh hưởng nghiêm trọng với trải nghiệm cơ bản hay không.
Tất cả dấu hiệu đều cho thấy Apple tin rằng Vision Pro nên được sử dụng khi ngồi như lúc làm việc, xem phim, lướt ảnh và thậm chí cả gọi FaceTime. Apple gọi nó là “không gian làm việc tối ưu” và “một khung hình rộng vô hạn cho các tác vụ đa nhiệm và cộng tác”. Hầu hết bản demo của Vision Pro đều dành cho tư thế ngồi.
Trong khi đó, các trải nghiệm với Meta Quest đều liên quan đến việc đứng như chơi trò chơi nhiều người chơi, tập thể thao trực tuyến, xem bản đồ ảo và phóng to một địa điểm bất kỳ…
Bởi khác với Meta Quest Pro có tay cầm điều khiển, headset Vision Pro sử dụng công nghệ điều khiển bằng cử chỉ, giúp giải phóng bàn tay của người dùng.
Các hãng khác gắn pin vào thắt lưng hoặc tích hợp trong chính bộ kính. Ảnh: Magic Leap, Bloomberg. |
Nếu chỉ sử dụng khi ngồi, bộ pin bên ngoài bộ kính Apple có thể không ảnh hưởng mấy. Tuy nhiên, đây lại là điều bất thường với Táo khuyết - một hãng công nghệ luôn tạo ra các sản phẩm gọn nhẹ, tính di động cao để mang theo bên mình.
Nhận xét về thiết kế này, một số chuyên gia cho rằng pin rời là không cần thiết vì bộ kính chỉ nên được sử dụng trong một thời gian ngắn. “Sau 30 phút, đã đến lúc bạn nên tháo bộ kính ra và tiếp tục công việc trong ngày của mình, chạm tay vào bức tường và uống nước. Tôi cho rằng không cần phải có bộ pin bên ngoài bởi hầu hết trải nghiệm đều diễn ra rất nhanh”, Jeremy Bailenson tại Đại học Stanford nhận định.
Không chỉ Vision Pro, các sản phẩm đi trước cũng gặp vấn đề tương tự. Đơn cử như bộ kính Magic Leap AR chọn cách thiết kế bộ pin gắn vào thắt lưng, trong khi Microsoft HoloLens lại tích hợp tất cả vào bộ kính, mang lại cảm giác như đeo cả một chiếc PC trên đầu. Song, cả hai sản phẩm đều không thành công bởi vị trí đặt pin vẫn còn gây tranh cãi.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn