Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Advances in Microbiology, do nhóm 11 nhà khoa học từ nhiều quốc gia công bố, cho biết phân tích hình ảnh chụp bề mặt Sao Hỏa cho thấy "những vật thể màu trắng không có hình hài cố định". Chúng thay đổi hình dạng, địa điểm và sau đó biến mất trong 3 ngày.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra dấu hiệu hàng nghìn vật thể có hình như mạng nhện màu đen phát triển vào mùa xuân nhưng sau đó biến mất vào mùa đông.
"Hiện tượng này lặp lại liên tục vào mùa xuân, có thể là nơi phát triển của tảo, địa y, nấm mốc, các loài tạo ra khí methan và khử lưu huỳnh. Các mẫu vật giống như nấm mốc màu đen cũng xuất hiện phía trên các xe thăm dò", nghiên cứu cho biết.
Hình ảnh được cho là sự phát triển của các loại nấm trên Sao Hỏa. Ảnh: SCMP. |
"Sự phát triển, di chuyển, thay đổi hình dạng và địa điểm (của những vật thể) cấu thành hành vi của chúng và ủng hộ giả thuyết tồn tại sự sống trên Sao Hỏa", nhóm tác giả kết luận.
Tuy nhiên, kết luận của nhóm tác giả cũng vấp phải ý kiến hoài nghi từ một số nhà khoa học về sinh vật học vũ trụ.
Jonathan Clarke, Chủ tịch Hiệp hội Sao Hỏa Australia, cho biết nghiên cứu chỉ là phỏng đoán và những bằng chứng được đưa ra chưa đủ để khẳng định tồn tại sự sống trên hành tinh đỏ.
"Giải thích về sự tồn tại của nấm trên Sao Hỏa không thực sự hợp lý. Điều kiện trên Sao Hỏa cực kỳ khắc nghiệt, đến mức chúng ta sẽ không thể thấy nấm hay bất cứ dạng sống nào phát triển ở tốc độ như vậy, dưới cái lạnh và áp suất không khí thấp. Sự sống khó có thể tồn tại, chứ đừng nói là phát triển", ông Clarke nói.
Ông Clarke cho rằng những vật thể hình cầu được nghiên cứu nhắc đến thực chất là các khối đất đá hình tròn có kích thước như hạt tiêu, sót lại khi những tảng đá lớn trên Sao Hỏa bị phá hủy