Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đây không phải là đội tuyển Pháp'

Hãy tưởng tượng về một bức ảnh lớn của Ribery và các đồng đội, đang trong trạng thái thất thần sau khi để thua Ukraine, phía dưới là một tiêu đề: “Đây không phải đội tuyển Pháp”.

Danh họa siêu thực người Bỉ - Rene Magritte có một bức tranh cực kỳ nổi tiếng, mang tên là “Đây không phải là một chiếc tẩu”. Bức tranh rất đơn giản, trong đó Magritte vẽ một chiếc tẩu và chú thích ở dưới bằng tiếng Pháp: “Đây không phải là một chiếc tẩu”.

Ribery và HLV Deschamps
1. Bức tranh mang tính triết lý. Tại sao vẽ tẩu mà ghi đó không phải là tẩu? Bởi vì đó là hình ảnh của một cái tẩu, bức vẽ một cái tẩu, chứ không phải là một cái tẩu. Ví dụ như nếu bạn chỉ vào một ai đó trong trang báo này và nói rằng: “Đây là Ribery” thì nghe xuôi tai đấy, nhưng đó không phải sự thật. Đó là ảnh chụp đen trắng của Ribery chứ không phải là Ribery.

Tầng sâu triết lý mà Rene Magritte muốn truyền tải thì không thể phân tích hết ở đây. Nhưng có thể hiểu một cách hết sức đại khái, rằng ngay cả hình ảnh của sự vật cũng không phản ánh được bản chất của nó. Đằng sau hình ảnh ấy là gì, người ta phải nghĩ.

Tư tưởng ấy rất nổi tiếng. Hồi tháng 6, nhái theo Rene Magritte, báo Le Monde trứ danh của Pháp còn vẽ một bức biếm chính trị, trong đó có vẽ một lá phiếu bầu và câu chú thích: “Đây không phải là một lá phiếu”. Lá phiếu không phải là lá phiếu, và đằng sau hình ảnh của lá phiếu là gì, bản chất của lá phiếu là gì thì các cử tri hãy ngẫm ngợi.

Ai bảo đây là đội tuyển Pháp? Đây chỉ là hình ảnh của một vài công dân Pháp mặc áo thi đấu của đội tuyển Pháp.

2. Hãy tưởng tượng về một bức ảnh lớn của Ribery và các đồng đội, đang trong trạng thái thất thần sau khi để thua Ukraine , phía dưới là một tiêu đề: “Đây không phải đội tuyển Pháp”.

Đó chỉ là ảnh chụp của đội tuyển Pháp. Cụ thể hơn nữa, thì đó là hình ảnh của một vài công dân Pháp mặc áo thi đấu của đội tuyển Pháp. Ai bảo đó là đội tuyển Pháp?

Bởi vì khái niệm “đội tuyển Pháp” trong tiềm thức của những người yêu bóng đá là đội tuyển của thế hệ Zidane và Vieira, đội tuyển thống trị thế giới bằng một thứ bóng đá mềm mại nhưng không thiếu tính kỷ luật. Đó là đội tuyển đại diện cho tinh thần hòa hợp dân tộc của nước Pháp, với những cầu thủ mang gốc gác từ khắp nơi trên thế giới, theo đạo Hồi hay đạo Thiên chúa, da đen hay da trắng, nhưng thi đấu với một tinh thần đoàn kết tuyệt đối. Đó là hình mẫu mà cả châu Âu phải noi theo: có ít nhất 2 cường quốc bóng đá đã xây một trung tâm Clairefontaine “phảy” của riêng họ để “làm bóng đá kiểu Pháp”, là Anh và Tây Ban Nha.

Đội tuyển ấy bây giờ có còn tồn tại không, hay những kẻ đang thi đấu với Ukraine chỉ là một nhóm công dân ĐT Pháp mặc một chiếc áo thể thao do Nike sản xuất chạy trên sân? Hơi giống như câu chuyện của chiếc tẩu: chúng ta có thể đã nhìn vào hình ảnh đó và gọi họ là “đội tuyển Pháp” theo thói quen.

Hình ảnh trong trận đấu giữa Pháp và Ukraine

3. Tinh thần hòa hợp dân tộc không còn, thậm chí nhiều người tin rằng trong lòng Liên đoàn bóng đá Pháp đang có những kẻ kỳ thị chủng tộc tìm cách hạn chế người Ả-rập và người da đen. Sự đoàn kết biến mất với scandal trò chửi thày ở World Cup 2010. Triết lý bóng đá nền tảng cũng đã đánh mất với những ông HLV bốc đồng. Các lò đào tạo vẫn sản sinh ra những tài năng, nhưng chỉ để làm cho nước Pháp thất vọng vì kỳ vọng quá nhiều, khi các tài năng ấy được chắp vá thành một đội bóng không hề xứng đáng là đội tuyển Pháp.

Những hình ảnh trong trang báo này, không phải là đội tuyển Pháp. Chúng thậm chí không phải là ảnh chụp đội tuyển Pháp, mà chỉ là ảnh của những cá nhân rời rạc nhuốm đầy sự bất lực.

Theo Bóng đá Plus

Bạn có thể quan tâm