Nuôi dạy con cái trong một gia đình hòa thuận, đầy tình thương, sẽ giúp con phát triển toàn diện. Ảnh: M&C. |
Trong cuốn Angela’s Ashes, Frank McCourt đã mô tả rất sinh động những rắc rối mà một đứa trẻ có thể vướng phải khi hỏi những câu hỏi mà người lớn không muốn trả lời vào những năm 1960. Frank hồi nhỏ đã sớm nhận ra rằng trong nhiều trường hợp tuy người lớn không thể trả lời được câu hỏi nhưng họ cũng không thể thừa nhận điều đó.
Họ sẽ đưa ra những lời ám chỉ mập mờ kiểu: “Cháu sẽ hiểu khi lớn lên. Giờ thì ra ngoài đi chơi đi”, hoặc họ chỉ đơn giản quát cậu im lặng rồi quay lại với công việc đang làm.
Ngày nay mọi thứ đã thay đổi. Việc suy nghĩ độc lập và ham học hỏi đã ít nguy hiểm hơn trước. Chúng ta không thể bắt những đứa trẻ ra ngoài chơi và bỏ mặc chúng với bao thắc mắc về xung quanh nữa. Những đứa trẻ lớn hơn có quyền truy cập thông tin gần như vô hạn qua Internet, từ đó cho chúng khả năng tự lập trong việc tìm hiểu thông tin và khám phá mọi thứ.
Khi còn nhỏ, tôi cũng phải học cách ngậm miệng và ngừng hỏi “Tại sao?”, đa số người lớn mà tôi biết họ sẽ lảng tránh. Sau đó, tôi đã cố gắng tự mình trả lời những câu hỏi đó, và qua đó khám phá ra những điều răn tối cao xuyên suốt quá trình nuôi dưỡng và giáo dục của chúng ta: “Ngươi chớ lưu tâm đến những điều người khác đã làm với mình hoặc nhữg việc mình đã gây ra với người khác.”
Tôi chợt nhận ra rằng trong hàng nghìn năm, những điều răn này đã ngăn cản chúng ta phân biệt thiện ác, nhận ra những điều sai trái đã phải chịu khi còn nhỏ và giúp con cháu sau này không phải trải qua những điều đó nữa.
Trong tất cả các cuốn sách của mình, tôi đã cố gắng chỉ ra rằng nguyên nhân và hậu quả của những hành vi đối xử tàn nhẫn đối với trẻ em là như nhau: Nếu phủ nhận những tổn thương mà mình đã phải trải qua, chúng ta rồi sẽ gây ra những tổn thương y như vậy cho thế hệ sau. Trừ khi chúng ta đưa ra quyết định ủng hộ cho tri thức và những phương pháp giáo dục mới.
Không sớm thì muộn, xã hội sẽ hình thành quan niệm vững chắc rằng nếu chúng ta đánh đòn con cái, tức là chúng ta đang làm hại chúng và không thể hiện tình yêu dành cho chúng. Nếu còn cố chấp đi theo con đường ấy, chúng ta sẽ tạo ra chính thứ độc ác mà mình đang muốn loại bỏ khỏi con cháu. Đánh đập chỉ gây ra sợ hãi, làm đứa trẻ tê liệt và sự suy tư về tinh thần sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi nhận thức của nó vì hoảng loạn.
Nhiều người lớn lên trong môi trường sư phạm độc hại nên vẫn ở trong trạng thái tê liệt ấy suốt cả đời, lúc nào cũng sợ hãi vì những hình phạt sắp tới. Những trải nghiệm và thông tin mới không có ảnh hưởng đến những nỗi sợ hãi đã tích tụ trong cơ thể đứa trẻ từ khi còn nhỏ hay những rào cản do chúng tạo ra trong tâm trí.
Trong một số trường hợp nhất định, vì những trận đòn mà chúng không thể thực sự trưởng thành hay chịu trách nhiệm về lời nói, hành động của mình. Và vì thế, cả đời chúng sẽ bị tê liệt về tình cảm, mãi là những đứa trẻ không thể nhận ra bản chất của cái ác chứ đừng nói đến chuyện hành động để ngăn cản cái ác ấy.
Giống như Frank McCourt, ngày nay không ít người nói: “Tuổi thơ của tôi thật tồi tệ, nhưng cũng có những khoảnh khắc tươi đẹp, quan trọng là tôi đã sống sót qua tất cả để có thể viết, kể về nó. Đó là cách thế giới này vận hành.”
[...]
Đối với một đứa trẻ, việc có một người cha thất nghiệp (như cha của McCourt) tiêu cả núi tiền vào rượu bia là một điều không may, nó không thể nào thoát ra khỏi hiện thực bi thảm đó và phải đối mặt với thực tế ảm đạm đó.
Trẻ con vẫn có thể mơ hồ nhận ra rằng bố mẹ không coi mình là con người thật sự, rằng bố mẹ cần mình làm vật thế thân nhưng tâm trí chúng không hiểu được sự thật đó. Cơ thể của một đứa trẻ có thể ghi nhận rằng nó đang bị bỏ đói tình cảm, nhưng chúng lại không biết giải thích như thế nào về chuyện đó cho chính mình.
Chúng chọn cách nương náu trong lòng trắc ẩn đối với cha mẹ, và cảm giác được yêu thương này sẽ giúp chúng giữ được chút phẩm giá nào đó bất chấp việc bị ngược đãi.
Bình luận