Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm 2021. Trong khi đó, GDP Ấn Độ có thể leo dốc 12,5%. Theo Bloomberg, sự tăng trưởng thần tốc của các nền kinh tế châu Á đem đến vô số cơ hội đầu tư.
Các nhà quản lý quỹ có nhiều câu trả lời khác nhau khi được hỏi nên đổ 100.000 USD vào lĩnh vực nào. Bà Inbok Song - quản lý tại Matthews Pacific Tiger Fund - cho rằng trong quá khứ, tăng trưởng của châu Á được thúc đẩy bởi đầu tư tài sản cố định. Còn ở tương lai, ngày càng nhiều công ty muốn chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và đào tạo nhân tài.
Doanh nghiệp cần cải thiện năng suất để tăng khả năng cạnh tranh. Điều đó có thể thúc đẩy sự phát triển của các công ty phần mềm tại châu Á, nhất là những công ty dựa trên đám mây.
Các chuyên gia đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau khi được hỏi nên đầu tư 100.000 USD vào lĩnh vực nào. Ảnh: Reuters. |
Cổ phiếu giá trị của châu Á
Tại các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng Internet và di động sẽ mới và nhanh hơn. Khi chi phí lao động gia tăng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp muốn mua thêm phần mềm để cải thiện năng suất và mở rộng thị trường.
Ngoài ra, theo bà Song, thị trường quảng cáo trực tuyến cũng phát triển nhanh chóng và đang trở thành một công cụ kiếm tiền hiệu quả của các công ty phần mềm.
Nắm rõ thông lệ kinh doanh địa phương là thế mạnh trong lĩnh vực phần mềm. Đó là một trong những thế mạnh của các công ty châu Á so với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở châu Á. "Các vị có thể tìm thấy cơ hội đầu tư tốt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á", bà Song bình luận.
Các vị có thể tìm thấy cơ hội đầu tư tốt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á
- Bà Inbok Song, quản lý tại Matthews Pacific Tiger Fund
Còn theo ông Jason Hsu - Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư Rayliant Global Advisors, trong năm 2020, cổ phiếu giá trị (cổ phiếu được giao dịch ở mức giá thấp hơn các yếu tố cơ bản) của Trung Quốc đã hoạt động kém hơn cổ phiếu tăng trưởng (cổ phiếu của công ty được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể so với thị trường).
Câu hỏi đặt ra là xu hướng đó sẽ tiếp tục hay đảo ngược trong năm 2021. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu giá trị của Trung Quốc đã vượt trội so với cổ phiếu tăng trưởng.
Các cổ phiếu giá trị của Trung Quốc thuộc ngành tài chính, chuỗi nhà hàng và công ty sản xuất thiết bị. Những cổ phiếu này hưởng lợi từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc.
Dĩ nhiên, khi các hộ gia đình tại Trung Quốc giàu có hơn, nhiều tiền sẽ chảy vào thị trường chứng khoán và cổ phiếu tăng trưởng. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng chi tiêu và sử dụng các dịch vụ tài chính nhiều hơn, theo ông Hsu.
Tín dụng tư nhân, fintech và công nghệ bền vững
Trong khi đó, ông Prabhat Ojha - Giám đốc điều hành tại Cambridge Associates - nhận định tín dụng tư nhân ở châu Á sẽ là một khoản đầu tư hấp dẫn.
Ông Ojha ưa thích các quỹ tín dụng tư nhân tập trung vào những cơ hội ở Australia, Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc đang tiếp tục siết chặt các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ" đối với lĩnh vực bất động sản. Nhiều doanh nghiệp quốc doanh tại Trung Quốc đã vỡ nợ hoặc phải tái cấu trúc trong thời gian qua. Điều đó gia tăng niềm tin của giới đầu tư và tạo ra cơ hội khi biến động giảm xuống.
Trong khi đó, các ngân hàng ở Ấn Độ hoạt động tương đối kém hiệu quả ngay cả trước đại dịch. Những khó khăn trong lĩnh vực tài chính phi ngân hàng dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung tín dụng ngay cả với những người vay lành mạnh.
Lĩnh vực tín dụng tư nhân ở châu Á đã thu được số vốn đáng kể, nhưng vẫn thua xa châu Âu và Mỹ. "Nói rộng hơn, thị trường tín dụng châu Á tương đối kém phát triển và đã bị ngó lơ. Chúng tôi tin rằng sẽ có một cơ hội dài hạn đối với tín dụng tư nhân tại đây", ông Ojha khẳng định.
Thị trường tín dụng châu Á tương đối kém phát triển và đã bị ngó lơ. Chúng tôi tin rằng sẽ có một cơ hội dài hạn đối với tín dụng tư nhân tại đây
- Ông Prabhat Ojha, Giám đốc điều hành tại Cambridge Associates
Còn theo ông Nikhil Kamath - nhà đồng sáng lập kiêm CIO True Beacon, cơ hội trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) của Ấn Độ rất lớn. "Hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây cũng là một 'mỏ vàng'", ông khẳng định.
Các công ty fintech mang lại cơ hội lớn khi thị trường chứng khoán phát triển tại Ấn Độ. Theo ông Kamath, chính phủ Ấn Độ muốn đẩy mạnh tài chính toàn diện (mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tiếp cận những sản phẩm và dịch vụ tài chính), nhiều người sử dụng ngân hàng hơn nữa.
"Họ không muốn người dân dùng tiền để mua vàng hoặc bất động sản. Họ muốn người dân mua các công cụ tài chính, bởi nó dễ quản lý và giúp tăng doanh thu thuế", ông nói thêm.
Chỉ khoảng 1,5% trên tổng số 1,3 tỷ người dân của Ấn Độ tham gia vào thị trường tài chính. Không khó khăn để khẳng định con số sẽ tăng lên. Ở phương Tây, tỷ lệ là 50-60%.
Công nghệ năng lượng mặt trời, gió và xe điện của Trung Quốc là những lĩnh vực nổi bật nhất trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ảnh: Getty Images. |
Trong khi đó, ông Toh Tat Wai - Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư tại RBC Wealth Management - nhận định các công ty đi đầu trong việc phát triển những giải pháp công nghệ bền vững sẽ mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Quỹ của ông đặt niềm tin vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm công nghệ xanh, công nghệ thực phẩm và nông nghiệp, fintech, công nghệ y tế và thành phố thông minh.
Là một phần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Trung Quốc cam kết không phát thải carbon vào năm 2060. Cam kết công nghệ bền vững cũng được thể hiện qua sự phát triển của 5G, thành phố thông minh và xe điện.
"Với khoản đầu tư 15.000 tỷ USD trong 40 năm, chúng tôi nhận thấy công nghệ năng lượng mặt trời, gió và xe điện của Trung Quốc là những lĩnh vực nổi bật nhất trong quá trình chuyển đổi và là cơ hội đầu tư hàng đầu", ông khẳng định.