Trong trận đấu thuộc vòng knock-out của ASIAD 2018 môn bóng đá nam diễn ra chiều 24/8, tuyển Olympic Trung Quốc gục ngã với tỷ số 3-4 trước đối thủ Olympic Saudi Arabia. Kết quả này khiến thầy trò Massimiliano Maddaloni phải sớm nói lời tạm biệt với giải đấu.
Thất bại của tuyển Olympic Trung Quốc thật sự đáng tiếc. Từ đầu giải, họ chơi rất hay khi toàn thắng cả 3 trận, ghi 11 bàn và chỉ để thủng lưới 1 bàn. Bước vào cuộc chạm trán với Olympic Saudi Arabia, các cầu thủ trẻ Trung Quốc liên tiếp phải nhận gáo nước lạnh, thua 4 bàn chỉ sau 1 giờ thi đấu.
Tuyển Olympic Saudi Arabia có chiến thắng 4-3 trước Olympic Trung Quốc ở vòng 1/8 của ASIAD 2018. |
Việc đội tuyển Olympic Trung Quốc dừng bước sớm ở ASIAD 2018 cho thấy thành quả từ quá trình đào tạo trẻ vẫn chưa đi tới đâu. Hồi đầu năm, tuyển U23 Trung Quốc bị loại ngay từ vòng bảng của giải đấu U23 châu Á, nơi họ là chủ nhà. Khi ấy, các cầu thủ trẻ của Trung Quốc chỉ thắng được 1 trận.
Sau thất bại ấy, tạp chí kinh tế Forbes bình luận cách đầu tư của bóng đá Trung Quốc dù tốn kém, nhưng vẫn không có được sự hiệu quả như Việt Nam. Bằng chứng là chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho công tác đào tạo trẻ, như xây dựng học viện, đào tạo huấn luyện viên.
Cuối cùng, trái ngọt vẫn chưa tới. Ngoài việc đầu tư nhiều tiền, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc còn ban hành nhiều điều luật mới để hỗ trợ các cầu thủ trẻ phát triển. Theo Independent, các CLB tại giải vô địch quốc gia Trung Quốc từ tháng 3 được yêu cầu phải sử dụng những cầu thủ trong độ tuổi U23 nước này ngang với quân số ngoại binh có mặt trên sân trong một trận đấu.
"Ba trận đấu ở Thường Châu cho thấy các cầu thủ trẻ Trung Quốc vẫn giữ được khát khao chiến thắng mãnh liệt, nhưng kỹ thuật và khả năng chơi bóng của họ vẫn kém xa những đội tuyển ở châu Á khác. Xem ra bóng đá trẻ Trung Quốc vẫn còn chặng đường rất xa phải chinh phục mới khẳng định được vị thế của mình", hãng tin Tân Hoa Xã bình luận.
Nhận được sự đầu tư lớn, song bóng đá trẻ Trung Quốc vẫn chưa thấy trái ngọt. |
Từ năm 2010, Trung Quốc rất chịu khó thay đổi tư duy phát triển bóng đá trẻ. Trải qua ba kỳ ASIAD, lứa cầu thủ trẻ ở quốc gia này vẫn giậm chân tại chỗ. Hết lần này đến lần khác, đội tuyển Olympic Trung Quốc đều phải nhận thất bại ở vòng 1/8 của ASIAD. Năm 2010, họ thua Hàn Quốc và bốn năm sau là gục ngã khi gặp Thái Lan.
Nhìn sang Việt Nam, lứa cầu thủ trẻ như Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải liên tục cho thấy sự trưởng thành và thi đấu ngày càng tiến bộ gần đây. Tại ASIAD 2018, "Những ngôi sao vàng" (biệt danh tuyển Việt Nam) đã vào đến tứ kết. Trên hành trình của giải, tuyển Olympic Việt Nam đánh bại cả đối thủ mạnh Nhật Bản.
Đó chưa kể hồi đầu năm, ngay tại Thường Châu, tuyển U23 Việt Nam tạo nên tiếng vang lớn khi giành ngôi Á quân. Chứng kiến bước phát triển của Việt Nam, tạp chí Forbes mô tả "bóng đá trẻ của quốc gia hình chữ S cực kỳ triển vọng". Trong khi đó, bóng đá trẻ của Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu khả quan, dù được bơm tiền đầu tư nhiều hơn.