Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đầu tư thế nào vào cổ phiếu 'vua'

Cổ phiếu ngân hàng một thời mệnh danh là cổ phiếu “vua”, nhưng hiện nay các nhà đầu tư còn đang cân nhắc có nên đầu tư vào lĩnh vực này nữa hay không.

Đầu tư thế nào vào cổ phiếu 'vua'

Cổ phiếu ngân hàng một thời mệnh danh là cổ phiếu “vua”, nhưng hiện nay các nhà đầu tư còn đang cân nhắc có nên đầu tư vào lĩnh vực này nữa hay không.

Hầu như cổ phiếu (CP) của ngành ngân hàng từ trên sàn đến ngoài sàn giao dịch (OTC) đều từng đạt mức cao ngất ngưởng, gấp 20-30 lần mệnh giá. Nhưng hiện giờ, giá CP ngân hàng lại rớt thê thảm, tương đương với con số mà nó đã từng tăng. CP ngân hàng Á Châu (ACB) đã có lúc đạt gần 300.000 đồng/CP, hiện nay chỉ còn 15.800 đồng/CP. Ngân hàng Eximbank (EIB) từng được giao dịch ở giá 160.000 đồng/CP trên thị trường OTC nay ở mức 14.300 đồng/CP. Những ngân hàng chưa niêm yết như An Bình có đỉnh gần 100.000 đồng/CP nhưng nay chỉ xoay quanh 6.500 đồng/CP... Tất nhiên các CP này đã nhiều lần chia tách, giá cả thăng trầm theo thị trường nhưng mốc giá hiện tại cũng phần nào cho thấy CP “vua” ngày nào không còn là sự quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng không đưa CP ngân hàng vào danh mục đầu tư của mình.

 
Ngân hàng là lĩnh vực một thời luôn được các nhà đầu tư săn đuổi.

Chọn mặt gửi vàng

Trong báo cáo phân tích mới đây, công ty chứng khoán Phương Nam nhận định bức tranh lợi nhuận năm 2013 của ngành ngân hàng sẽ không khả quan lắm. Nợ xấu sẽ là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến lợi nhuận vì hiện nay doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, hàng tồn kho vẫn chưa giải quyết được sẽ khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn.

Tuy nhiên khi lãi suất tiết kiệm đang thấp thì việc đầu tư dài hạn vào CP ngân hàng cũng là một lựa chọn không đến nỗi nào. TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh - đại học Ngân hàng TP.HCM nhận xét, nhiều ngân hàng vẫn chưa hoàn thành việc tái cơ cấu từ hệ thống quản trị đến nhân sự, chất lượng nguồn vốn, chất lượng nợ... Hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung cũng chưa xong quá trình tái cơ cấu. Nhiều ngân hàng nhỏ, yếu vẫn chưa thực sự được “lột xác”. Vì vậy bản thân các nhà đầu tư phải thận trọng để “chọn mặt gửi vàng” khi đầu tư vào CP ngân hàng ở thời điểm này.

CP "vua" đã thực sự hết thời? Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cho rằng: "thời" hay "thế" là chuyện của những năm thị trường chứng khoán sôi sục tăng trước đây. Giờ là lúc đầu tư đi vào thực chất. Ngành ngân hàng luôn là "hàn thử biểu" của nền kinh tế, khi nền kinh tế khó khăn, CP ngân hàng sẽ giảm giá mạnh, nhưng khi nền kinh tế ổn định và tăng trưởng, giá CP ngân hàng sẽ lại tăng nhanh. Dù hiện tại tự thân các ngân hàng còn nhiều vấn đề nhưng tựu trung, ngân hàng vẫn là ngành được nhà nước quản lý đặc biệt, tỷ lệ rủi ro thấp.

Hiện có 8 ngân hàng đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán gồm: ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), ngân hàng Sài Gòn Thương tín (STB), ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng Quân đội (MBB), ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG), ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và ngân hàng Nam Việt (NVB). Năm 2012, ngoại trừ MBB và VCB duy trì được lợi nhuận tăng trưởng nhẹ, các ngân hàng khác đều giảm lợi nhuận so với năm 2011.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm