Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao sếp ngân hàng liên tiếp dính tin đồn lao lý?

Xuất hiện sau vụ án bầu Kiên, chỉ liên quan đến các lãnh đạo ngân hàng, loạt tin đồn bắt giữ, quản thúc của nhóm sếp này khiến thị trường chứng khoán Việt không ít lần chao đảo.

Vì sao sếp ngân hàng liên tiếp dính tin đồn lao lý?

Xuất hiện sau vụ án bầu Kiên, chỉ liên quan đến các lãnh đạo ngân hàng, loạt tin đồn bắt giữ, quản thúc của nhóm sếp này khiến thị trường chứng khoán Việt không ít lần chao đảo.

Trong gần 1 năm qua, thị trường tài chính Việt Nam liên tục xuất hiện những tin đồn lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giam, khởi tố, trong đó có tới 5 người là sếp của các ngân hàng. Điều đặc biệt là tất cả những tin đồn này đều đến sau vụ án bắt giữ, khởi tố hình sự ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB).

Là cổ đông ngân hàng, từng giữ chức trong hội đồng sáng lập của một trong những ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam, lại là ông bầu bóng đá, rất nhiều lãnh đạo ngân hàng có mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp tới bầu Kiên. Thực tế, trong những tin đồn về Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng, hay cả những người ít xuất hiện trên truyền thông như đại gia Trầm Bê - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, người ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó mối liên hệ với ông bầu tóc bạc nổi tiếng một thời.

Thị trường chứng khoán luôn biến động bất thường sau mỗi tin đồn về sếp ngân hàng, và những kẻ trục lợi có thể kiếm được cả trăm tỷ đồng từ sự hoảng loạn của các nhà đầu tư.

Người đầu tiên dính tin đồn bị bắt trong hơn 1 năm gần đây là ông Trầm Bê, Phó chủ tịch Ngân hàng Sacombank. Là một trong những đại gia Việt kín tiếng, ông Trầm Bê rất ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ảnh hưởng của vị này chỉ rõ ràng trong nghi án thâu tóm  Sacombank, khi ông là một trong những đại diện từ ngân hàng Phương Nam sang nắm quyền tại Sacombank. Tin đồn về việc ACB, Sacombank và Eximbank có thể về cùng một nhà trước đó là một trong những nguyên nhân khiến vị đại gia này rơi vào tầm ngắm của những người tung tin.

Được cho là người có niềm đam mê bóng đá giống như bầu Kiên và thường có mặt trên khán đài mỗi lần đội bóng của ông bầu tóc bạc này ra sân, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng dính tin đồn bắt giữ tương tự. Trong khi đó, ông Lê Hùng Dũng, người bị đồn đang chịu sự quản thúc, cũng có mối liên hệ với ông Nguyễn Đức Kiên khi vừa là Chủ tịch HĐQT Eximbank, vừa là Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Bốn sự kiện liên tiếp dính tới lãnh đạo các ngân hàng đã khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam vừa vượt qua cú sốc về vụ án bầu Kiên lại một lần nữa nổi sóng.

Chỉ trong 5 phiên, chỉ số sàn TP.HCM đã mất tới 50 điểm, là một trong những chuỗi giảm điểm tồi tệ nhất của HOSE trong năm 2012. Chịu ảnh hưởng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi ACB mất 20% thị giá chỉ sau 3 phiên, EIB, STB, ACB bị các công ty chứng khoán cắt dịch vụ cho vay ký quỹ, giảm tỷ lệ giải ngân. Từ đây bắt đầu thời kỳ dài rơi vào trầm lắng của thị trường chứng khoán Việt Nam, với việc chỉ số sàn Hà Nội rơi xuống mức điểm thấp nhất lịch sử kể từ khi ra đời vào năm 2005, còn Vn-Index liên tục dưới ngưỡng 400 điểm trong suốt quý cuối năm 2012.

Mới đây nhất, sự việc của Chủ tịch Trần Bắc Hà xảy ra đúng vào lúc thị trường đã có những dấu hiệu giảm nhiệt sau một thời gian dài tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, khác với những tin đồn vào thời điểm cuối tháng 8, tin tức về vụ bắt giữ ông Trần Bắc Hà lại nằm ngoài mối liên kết với sự kiện bầu Kiên, không chỉ bởi thời gian diễn ra tin đồn cách khá xa, mà còn vì bản thân vị này và ngân hàng BIDV hầu như không có mối liên hệ trực tiếp nào với bầu Kiên và sự kiện ACB, SacomBank, Eximbank.

Tròn 6 tháng sau sự kiện bầu Kiên, chỉ trong một tiếng rưỡi, tin đồn về vụ bắt giam chủ tịch BIDV đã khiến thị trường có phiên điều chỉnh mạnh nhất kể từ 21/8. Sàn TP.HCM giảm tới 18,1 điểm, khớp lệnh 121 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, không giống với những phiên giao dịch sau tin đồn trước, hầu hết lượng cổ phiếu đăng ký bán đều được mua gần hết. Giá trị giao dịch và lượng khớp lệnh của phiên này đạt cao nhất trong vòng 10 tháng, đánh dấu một trong những phiên chuyển nhượng hưng phấn nhất của sàn chứng khoán Việt trong vòng 2 năm trở lại đây.

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Kinh Luân, sở dĩ tin đồn về sếp ngân hàng tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên thị trường là do cổ phiếu của ngành này luôn giữ vị thế là blue-chips. "Ngân hàng vốn đã là một tổ chức có hoạt động đặc thù và ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, do đó, tin đồn liên quan đến ngân hàng cũng dễ khiến thị trường tạo sóng hơn".

Nhanh như khi xuất hiện, ngay vào chiều ngày 21/2, tin đồn bị bác bỏ khi Chủ tịch BIDV đích thân lên tiếng với báo chí và Bộ Công an ngay lập tức nhảy vào cuộc điều tra. Nói về nguyên nhân của tin đồn lần này nhắm vào cá nhân mình, Chủ tịch Trần Bắc Hà cho rằng, có khả năng một số người tung tin để thu lợi, mà diễn biến từ về vụ bầu Kiên và những lùm xùm liên quan đến các lãnh đạo ngân hàng thời gian gần đây khiến nhiều người có tư tưởng trục lợi kiểu này.

Thị trường chứng khoán được cho là đã mất khoảng 1,7 tỷ USD sau sự kiện bầu Kiên và những tin đồn diễn ra trong nửa cuối tháng 8/2012. Một lượng tiền tương tự cũng được dự báo đã rời khỏi các sàn giao dịch khi có những tin tức đồn thổi về Chủ tịch BIDV. Chính ông Hà cũng cho rằng, riêng trong ngày 21/2 vừa qua, "những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính".

Hạ Minh

Theo Infonet

Hạ Minh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm