Trong khi tương lai phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn xa vời, các hệ quả về kinh tế và đầu tư có thể xuất hiện sớm hơn sau thượng đỉnh 12/6 tại Singapore, theo South China Morning Post .
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhấn mạnh mong muốn hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên. Tuy nhiên, ông không thể một mình hiện thực hóa điều này. Bình Nhưỡng sẽ cần đến viện trợ và đầu tư từ nước ngoài.
Cơ hội cho các nhà đầu tư
Trong tương lai, một khi cấm vận kinh tế được nới lỏng, các khoản viện trợ chính thức có thể được Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và cả các nước phương Tây rót cho Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, dòng đầu tư tư nhân sẽ phải tìm đường vòng để vào được quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Các quỹ đầu tư bước đầu có thể tiến vào Triều Tiên thông qua các kênh gián tiếp, ví dụ như đầu tư vào cổ phiếu của những công ty có tiềm năng kinh doanh với Triều Tiên trong tương lai. Theo SCMP, Triều Tiên có thể học tập Trung Quốc xây dựng các đặc khu dành cho đầu tư nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/6. Ảnh: Straits Times. |
Tập đoàn Hyundai và nhiều chaebol khác của Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong những tuần tới. Bên cạnh đó, những gã khổng lồ của Nhật Bản như Mitsubishi và Komatsu cũng sẽ có cơ hội. Đó là chưa kể đến những tập đoàn của Trung Quốc, chỗ dựa kinh tế của Triều Tiên suốt nhiều thập niên qua.
Cơ hội cho các nhà đầu tư khi đổ vốn vào Triều Tiên rất đa dạng. Đất nước bị bao vây bởi cấm vận nhiều thập niên đang cần cải tạo hệ thống hạ tầng quốc gia, từ giao thông năng lượng đến mạng lưới liên lạc viễn thông.
Bên cạnh đó, các dãy núi của Triều Tiên còn có trữ lượng khoáng sản dồi dào, từ vàng, graphite đến các quặng sắt, đồng và kẽm. Một số quặng được ước đoán có trữ lượng lớn hàng đầu thế giới, với tổng giá trị có thể hơn 10.000 tỷ USD.
Công nhân Triều Tiên tại một nhà máy trong khu công nghiệp liên Triều Kaesong năm 2013. Ảnh: Reuters. |
Số tiền thu về từ khai thác khoáng sản có thể đáp ứng được mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên mà ông Kim Jong Un đang theo đuổi. Việc khai thác trữ lượng khoáng sản dồi dào này chắc chắn sẽ cần đến hỗ trợ công nghệ và tài chính từ nước ngoài.
"Khi Triều Tiên từng bước thoát khỏi tình trạng bị cô lập nhiều thập niên, tiềm năng khổng lồ sẽ mở ra cho các nhà đầu tư", Jesper Koll, lãnh đạo quỹ đầu tư WisdomTree ở Tokyo, nhận định.
Hàn Quốc sẽ cần đến Trung Quốc
Hàn Quốc sẽ không thể một mình gồng gánh hỗ trợ Triều Tiên hiện đại hóa nền kinh tế như cách Tây Đức đã làm khi nước Đức thống nhất sau Chiến tranh Lạnh, ông Koll nhận định.
Quá trình hiện đại hóa Đông Đức đã tiêu tốn của Tây Đức 2.000 tỷ USD viện trợ công và 3.000 tỷ USD đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, con số này trong trường hợp Triều Tiên có thể lên đến 10.000 tỷ USD và vượt ngoài khả năng của Hàn Quốc, ông Koll nhận định.
Cầu hữu nghị Trung - Triều, nối giữa hai thành phố Đan Đông, Trung Quốc và Sinuiju, Triều Tiên. Ảnh: New York Times. |
Quy mô đầu tư lớn này sẽ dễ dàng được đáp ứng nếu như Hàn Quốc có được sự hợp tác của các nền kinh tế lớn trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phát đi nhiều tín hiệu rõ rệt muốn nối lại đầu tư vào Triều Tiên, theo New York Times. Hãng hàng không Air China ngày 6/6 chính thức nối lại đường bay Bắc Kinh – Bình Nhưỡng sau hơn 8 tháng ngưng hoạt động vì nhu cầu sử dụng quá thấp.
Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đón tiếp đoàn các lãnh đạo cấp địa phương của Triều Tiên. Phái đoàn này còn được tham quan Bắc Kinh, Thượng Hải, tỉnh Thiểm Tây quê nhà của ông Tập và nghe giới thiệu về những chính sách phát triển đô thị và công nghiệp của Trung Quốc.
Trong cuộc gặp ở Đại Liên đầu tháng 5, ông Tập và ông Kim cũng thảo luận về phát triển kinh tế. Trung Quốc có thể giúp trùng tu các bến cảng và tuyến đường xuống cấp tại nước láng giềng. Những khoản viện trợ cơ sở hạ tầng khổng lồ này sẽ là một phần của đại chiến lược “Sáng kiến Vành đai và Con đường” mà Bắc Kinh đang theo đuổi.