Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Kim - Trump và tháng 6 đổ lửa ở Singapore

Hai người đàn ông kỳ lạ lần đầu gặp gỡ nhau, 3.000 nhà báo đổ đến để theo dõi, Singapore của mùa hè đổ lửa năm 2018 có thể sẽ mở ra chương mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Trump Kim o Singapore do lua anh 1

Phóng viên Zing.vn đã tác nghiệp cùng 3.000 nhà báo quốc tế đến Singapore đưa tin về thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đó là những ngày đánh dấu trang sử mới cho bán đảo Triều Tiên.

Một buổi chiều tại Bugis Junction, khu trung tâm mua sắm hạng trung của Singapore, đám đông phát cuồng đuổi theo hai người có vẻ ngoài giống Kim Jong Un và Donald Trump để chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội. 

Howard X, người đóng giả lãnh đạo Triều Tiên, đưa tay lau từng giọt mồ hôi, trong khi Dennis Alan mải mê làm động tác chỉ tay vào ống kính phóng viên, hệt như cách mà tổng thống Mỹ gây ấn tượng với truyền thông. 

Tiếp nối trò vui, bộ đôi Trump - Kim giả khoác tay nhau thắm thiết. Phóng viên vây quanh, bản tin nhanh chóng xuất hiện lên các báo, xen lẫn với hình ảnh hai người che dù cho nhau ở Marina Bay buổi sáng.

Trump Kim o Singapore do lua anh 2
Bộ đôi Trump - Kim giả đã dự đoán đúng kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: Duy Tín. 

Khi chụp lại tất cả những cảnh thắm thiết ấy, tôi thấy thật hoang đường để ông Trump và ông Kim cũng làm như vậy khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra.

Dưới cái nóng 33 độ C và bầu không khí đầy oi nồng lúc đó, không ai đủ lạc quan để nghĩ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo từng lời qua tiếng lại sẽ thành công mỹ mãn.

Ông Trump đi từ nơi lạnh 11 độ C để đến với một nước nhiệt đới đang nóng hừng hực trên đường phố và trong chính cơn khát của truyền thông đang nung nấu từng giờ.

Người Triều Tiên đóng vai kép chính

- Ông Kim sẽ ra cổng nào?- phóng viên Zing.vn hỏi một quay phim của đài Asahi, Nhật Bản.

- Bên kia. Tôi nghĩ vậy. Hôm qua xe chở ông ấy ra từ đó. 

- Vậy sao anh lại ở đây? 

- Tôi muốn quay được lúc ông Kim Jong Un xuất hiện, hoặc vào xe. 

Đó chỉ là một trong hàng trăm phóng viên đang canh chừng trước cửa khách sạn St Regis, nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên ở trong những ngày thượng đỉnh. Hình ảnh ông Kim Jong Un là một thứ "chiến công" quý giá cho cánh săn tin, và bất kỳ gương mặt sậm màu đậm nét Triều Tiên nào cũng sẽ là tư liệu đắt giá.

Cách đó chỉ 800 m, tại khách sạn Shangri-La, nơi ông Trump đang nghỉ, chỉ lác đác vài chục tay máy. Những nữ MC của MediaCorp, CCTV... vội vàng hiện dẫn, sau đó lên xe di chuyển sang khách sạn của ông Kim Jong Un. 

Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, chính phái đoàn của "Rocket man" (người tên lửa) mới tạo ra sức nóng ở Singapore, chứ không phải mái tóc vàng rực của tổng thống Mỹ.

"You can check out any time you like. But you can never leave!".

Lời bài hát của Hotel California cứ ám ảnh trong đầu tôi hôm ấy. Nó miêu tả chính xác những gì mà hàng trăm phóng viên đang đội nắng, ngày đêm "săn người Triều Tiên" cảm nhận: bạn có thể rời "trận địa" bất cứ khi nào nếu mệt, nhưng đầu óc sẽ luôn ám ảnh về việc có chụp, quay được người Triều Tiên nào hay không. 

Để làm được điều đó, Asahi, Straits Times, BBC, Reuters, NHK và nhiều cơ quan thông tấn khác cử hàng chục phóng viên bủa vây nơi ở của ông Kim Jong Un. Họ thay phiên nhau trực theo giờ, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Reuters thậm chí có đến 6 phóng viên đặt phòng sẵn từ trước bên trong khách sạn, để "nằm vùng" nghe ngóng thông tin.

Bạn có thể rời "trận địa" bất cứ khi nào nếu mệt, nhưng đầu óc sẽ luôn ám ảnh về việc có chụp, quay được người Triều Tiên nào hay không. 

Cửa bên hông của khách sạn này được dùng làm lối ra vào cho những du khách đến đây, nhưng vẫn có ít nhất 2 đặc vụ người Triều Tiên. Chúng tôi dễ dàng nhận ra họ nhờ vào huy hiệu trên ngực áo. Chúng in hình cố chủ tịch Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong Il.

Tôi rút máy ảnh ra và tranh thủ chụp, gửi về cho toà soạn. Cô bạn đồng nghiệp của tôi tiến sát lại gần để tìm kiếm một cơ hội rõ rệt hơn. 

Cô ấy không phải phóng viên ảnh, và rất muốn đưa ra một vài câu hỏi với những người Triều Tiên, như "Anh có thích Donald Trump không?" hoặc đơn giản là "Anh thấy Singapore thế nào, trời có nóng lắm không?".

Nhưng người đặc vụ Triều Tiên ấy không trả lời chúng tôi. Anh ấy nhìn thẳng vào ống kính, ánh mắt nói lên sự không hài lòng dù chẳng hé nửa lời. 

Sự hờ hững của người Singapore

"N

gười đang sống trong St. Regis ấy hả? Một lãnh đạo gì đó của Trung Quốc phải không?", James Quan, một designer, dừng chân ven đường hỏi chúng tôi. "À, là lãnh đạo Triều Tiên sao? Tôi biết vị đấy, tôi thích mái tóc của ông ấy", James bày tỏ. 

Thái độ của James như "mẫu số chung" của người dân Singapore trước một sự kiện lịch sử. Họ có thể lấy làm lạ, đưa smartphone lên quay chụp, nhưng vội vã rời đi. Chẳng ai đứng đó lâu, gào thét hay hô vang biểu ngữ.

Nhưng chính sự thờ ơ đó lại được cho là điều kiện tuyệt vời để thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra. Cánh báo chí có thể thất vọng vì người dân không đổ ra đường, nhưng lực lượng an ninh thích điều này.

Khu mua sắm trên đường Orchard, nằm giữa St Regis và Shangri-La, vẫn nhộn nhịp như ngày thường. Dù lực lượng an ninh của Singapore lập các chốt chặn, ảnh hưởng của điều này đến giao thông là rất ít. 

Nếu 15 phút trước, khu "mũi tàu" giao giữa 3 con đường Tanglin, Orchard và Orange Grove đông người qua lại, thì lúc này, cả con phố yên ắng một cách đáng sợ. Phóng viên đứng chen kín cùng một vài người dân, khách du lịch bên đường. Những chiếc máy ảnh và smartphone hướng về phía St Regis, nơi đoàn xe của ông Kim Jong Un đã lấp ló ở cửa hầm. 

Tôi không dám thở mạnh. Mồ hôi lăn đầy trên mặt. Tôi phục kích ông Kim ở "mũi tàu" này để có bức ảnh trọn vẹn đoàn xe, trong khi đồng nghiệp của tôi chờ sẵn ở chỗ các phóng viên truyền hình, sẵn sàng bấm máy ghi lại cảnh những cận vệ chạy bộ bên chiếc xe ông Kim.

Và rồi chuyện gì đến cũng đã đến. Chiếc Mercedes S600 chống đạn, kính đen, treo cờ Triều Tiên nhanh chóng lướt qua chúng tôi để đến thẳng Sentosa gặp ông Trump, giữa một rừng phương tiện hộ tống. 

Rồi sau đó, người Singapore đường ai nấy đi, chỉ còn những phóng viên ở lại.

Trà sữa, đồ ăn, ổ điện và sự lạc quan của báo chí 

Ngày ông Trump gặp ông Kim ở Sentosa, chỉ có khoảng hơn 20 phóng viên cự phách từ những tên tuổi lớn như Straits Times, AP, Bloomberg, Reuters, AFP... và KCNA, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên có đặc quyền đưa tin trực tiếp sự kiện. 

Trung tâm Báo chí Quốc tế IMC phục vụ hội nghị thượng đỉnh là nơi mát mẻ hơn. Chính phủ Singapore "bù đắp" cho gần 3.000 nhà báo, phần lớn số đó không thể tiếp cận trực tiếp cuộc gặp, bằng một nơi làm việc chỉn chu, đủ đầy. 

Nếu bạn không thể tận mắt chứng kiến Kim và Trump gặp gỡ, ít ra bạn có thể vừa ăn snack vừa trao đổi với các đồng nghiệp, cùng ngóng lên màn hình phía trên để nhìn 2 nhà lãnh đạo đi dạo trong vườn ở Sentosa. Bạn có thể vừa lướt phím gõ tin, vừa cùng cười ồ lên vào khoảnh khắc tổng thống Mỹ cho nhà lãnh đạo Triều Tiên xem chiếc xe "Quái thú" của ông. 

Nếu có cuộc cạnh tranh nào phô bày rõ rệt nhất trong trung tâm báo chí, đó là cuộc đua giành bàn làm việc và những chiếc ổ điện. Đôi khi cảm giác tuyệt vọng vì không săn được cảnh chiếc xe có gắn cờ Triều Tiên đi ngang qua không sánh bằng cảm giác nhìn tất cả những chiếc bàn ở trung tâm báo chí đều được phóng viên dán băng keo "xí chỗ" bằng các dòng chữ AP, AFP, Nikkei, BBC, FUJI...

Trong hàng nghìn con người đang quay, dựng, hiện dẫn và gõ phím, đôi khi bạn sẽ gặp một vài nhà báo lâu năm đến từ mọi nơi trên thế giới. Họ đã sống cùng những năm tháng thăng trầm trên bán đảo Triều Tiên, những lần hy vọng phi hạt nhân hóa trỗi dậy rồi lại vụt tắt.

Tim Shorrock, một nhà báo 67 tuổi đến từ Washington D.C. tự nhận "có mối liên hệ mật thiết với Hàn Quốc", nói rằng ông biết hòa bình là rất quan trọng. 

"Tôi nghĩ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là điều khả dĩ. Trump rất khó đoán, nhưng nhiều người đã nỗ lực về việc này. Người từ hai phía, cả Mỹ lẫn Triều Tiên, đều rất nghiêm túc về một thỏa thuận. Tôi khá là lạc quan về triển vọng đó, ông nói.

Nếu có ai ra về sau cuộc gặp thượng đỉnh như cổ động viên của một đội bóng thua trận, đó hẳn là một số phóng viên Nhật Bản. Họ đã đến để kỳ vọng việc Tổng thống Trump sẽ đề cập vấn đề người Nhật bị bắt cóc với ông Kim, Trump nói ông đã làm thế, nhưng vấn đề không xuất hiện trong tuyên bố chung cũng như phần phát biểu mở đầu trong họp báo của ông.

Kenichi Asano thì ngược lại. Ông già 69 tuổi, cựu phóng viên Kyodo, sẽ tặng bạn một cuốn tiểu luận. Ông nói về thời gian mình làm việc tại Đông Nam Á, về việc ông chỉ trích chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã dấy lên lại vấn đề người Nhật bị bắt cóc như một lá bài chính trị, hơn là lợi ích quốc gia.

"Tôi ghét Trump, nhưng điều ông ấy làm được hôm nay là tuyệt vời. Hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử", ông nói.

Tháng 6 của Trump và Kim sẽ đi đến đâu?

Tôi nhớ lúc mình cầm trên tay tờ Straits Times, báo lớn nhất Singapore. Số ra ngày 11/6 dành trang nhất để vẽ hình bộ đôi Kim - Trump nắm tay nhau đi về phía Sentosa. Ở trang cuối, Zakir Hussain, một cây viết kỳ cựu, đặt dòng tít "Những điều dối trá gì sẽ đến sau 12/6". Đó là một thái độ rất rõ ràng: không tô hồng, không phán xét.

Nhưng sau khi cuộc gặp lịch sử diễn ra, các nhà báo trong trung tâm báo chí ý thức rằng hòa bình là một con đường dài và nhiều gió (a long and winding road), nhưng họ cũng không kiềm chế bản thân một phút cao hứng quá mức.

Cuộc gặp Trump - Kim đã kéo bầu không khí đi từ nghi ngờ đến chỗ hy vọng ngập tràn. Người Singapore nổi tiếng “thờ ơ và tẻ nhạt” cố gắng không tỏ ra quá cảm xúc. Họ chỉ làm công việc của mình một cách không thể tốt hơn, cho Kim, cho Trump và cho những người đến đây để chứng kiến lịch sử được viết lại.

"Cảm ơn những người Singapore đã cho thế giới thấy những gì chúng ta có thể làm được. Cảm ơn tất cả các bạn", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trên kênh truyền hình quốc gia, khép lại một mùa thượng đỉnh chia đều chiến thắng cho (gần hết) các bên.

Những món ngon ở trung tâm báo chí như lời của người Singapore muốn nói "chúng tôi rất tiếc không thể mang tất cả các bạn đến đảo Sentosa, nhưng vào buổi sáng 12/6, ít ra các bạn có thể đứng đây tại trung tâm báo chí, ăn bánh mì phết bơ Kaya Toast truyền thống của Singapore, uống một ngụm trà sữa và theo dõi cuộc gặp qua những chiếc màn hình của chúng tôi, chứng kiến trang sử mới của hoà bình".

"Tháng 6 này, lịch sử được viết lại ngay trong thành phố các bạn đang đứng. Rất gần thôi, chỉ 2 chuyến xe buýt và 10 phút đi bộ". 

Trump Kim o Singapore do lua anh 17
Khoảnh khắc làm nên lịch sử. Ảnh: Bloomberg.

Buổi tối hôm đó, trong khi 2 nhà lãnh đạo lên máy bay về nước, các phóng viên cũng bắt đầu thu dọn đồ đạc để rời "chiến trường".

Nhiều năm sau, chúng ta có thể nhắc về tháng 6 này như một mùa hè đã mang thêm hòa bình cho thế giới không, hay lại là một nỗ lực rơi vào thinh không của lịch sử vốn nhiều khổ đau trên bán đảo Triều Tiên?

Chính chúng tôi cũng không biết nữa, nhưng chỉ ít giờ sau khi 2 nhà lãnh đạo rời đi, Singapore "đổ lửa" được phủ kín bằng một trận mưa rào.

Giây phút Trump - Kim ký Tuyên bố chung lịch sử Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cùng ký kết tuyên bố chung Mỹ - Triều. Hai bên đưa ra 4 cam kết hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Phương Thảo - Duy Tín

Bạn có thể quan tâm