Mới đây, cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch đầu tiên của Yen Farm chính thức khai trương ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM). Bà Bùi Thị Thanh Yến, CEO công ty, cho biết đây là bước thử nghiệm cho hơn 20 cửa hàng khác đã được lên kế hoạch xây dựng từ nay đến hết năm sau.
Sau 3 năm nghiên cứu và phát triển, doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 60 tỷ đồng cho 10 ha trang trại, chưa kể chi phí mua đất, và trên dưới 2 tỷ đồng cho cửa hàng đầu tiên. Dự kiến trong năm sau tổng diện tích trang trại sẽ được nâng lên 80 ha, và nguồn vốn dành cho chuỗi cửa hàng bán lẻ tiếp tục được nhân lên.
"Đây không phải một lĩnh vực mới, thậm chí đã có nhiều đơn vị đầu tư trang trại và chuỗi cửa hàng ở quy mô lớn. Nhưng chúng tôi là một trong những sự kết hợp hiếm hoi tự vận hành cả trang trại lẫn cửa hàng, lại ra mắt ở thời điểm sau đại dịch khi người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe nên có vẻ 'bắt đúng trend'", bà Thanh Yến nói.
Theo bà Yến, nhu cầu về nông sản sạch ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được đáp ứng đủ. "Miếng bánh" thị trường ngày càng lớn hơn bởi người tiêu dùng không còn nhạy cảm với giá cả mà với chất lượng.
Ngay từ những đợt bùng phát dịch đầu tiên, đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica cũng đã nhìn ra sự thay đổi này. "Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các thực phẩm sạch, an toàn, không dư lượng và tốt cho sức khỏe. Bởi dịch bệnh chưa có thuốc chữa, chỉ có cách phòng tránh và tăng cường sức đề kháng", bà Nguyễn Thị Hoài Trang - quản lý chuỗi cửa hàng Organica nói với Zing.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ ông Bruno Jousselin, Tổng giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam. Trích dẫn số liệu từ FMCG Gurus hồi tháng 7/2020, ông cho biết 60% người tiêu dùng khi đó bày tỏ sự quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần trong 12 tháng tới. Họ chủ động tiếp cận các loại thực phẩm dinh dưỡng chức năng và những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên.
Đó là lý do MM Mega Market đang đẩy mạnh thương hiệu thực phẩm tươi sống "We are Fresh" - chiến lược kinh doanh theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn - đối với các dòng sản phẩm rau củ quả, trái cây, thịt heo và thủy hải sản.
Thực tế, chiến lược này đã được doanh nghiệp triển khai từ năm 2005, đến năm 2017 phát triển các trạm trung chuyển hàng hóa, và hiện tại là thời điểm chính thức ra mắt với người tiêu dùng.
"Mô hình này không chỉ giúp chúng tôi kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn chủ động trong quản lý hiệu quả nguồn cung. Từ đó, khách hàng có thể tiếp cận nguồn sản phẩm dồi dào, đa dạng ở mức giá tốt nhất. Mặt khác, người nông dân luôn được đảm bảo đầu ra ổn định, giúp họ gắn bó với nghề, tự tin phát triển trang trại, đem lại thu nhập và cuộc sống sung túc hơn", ông Bruno Jousselin nhấn mạnh.
Trước đó, ở lĩnh vực thức uống tươi đóng chai, liên doanh Vinamilk và Kido - Công ty Vibev - cũng vừa ra mắt thương hiệu Oh Fresh. Các sản phẩm được làm nên từ nguồn nông sản tươi tự nhiên trong quy trình sản xuất tự động khép kín.
Với những dự đoán tươi sáng về thị trường, Vibev cho biết đang tiếp tục nghiên cứu các dòng sản phẩm mới, hướng đến mục tiêu dẫn đầu thị phần ngành nước tươi với sản lượng 150 triệu chai/năm, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng, sau 5 năm vận hành. Đến nay, Vinamilk và Kido đã góp tổng cộng 400 tỷ đồng, với tỷ lệ 51:49%.
Chia sẻ với Zing, bà Thanh Yến nhìn nhận kinh doanh thực phẩm sạch là một cuộc chiến dài hơi với số vốn đầu tư lớn: "Ngay cả khi chưa có cây rau nào lớn lên thì chi phí bỏ ra đã rất nhiều". Do đó, bà cho rằng hầu hết đơn vị phát triển cả mảng sản xuất lẫn phân phối đều đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường và nội tại của doanh nghiệp.
"Mặc dù dịch bệnh tạo nên cơ hội có một không hai, nhưng đây chắc chắn là sự đầu tư nghiêm túc chứ không phải 'ăn xổi ở thì' theo Covid-19", bà Yến khẳng định.
Kido bắt tay Vinamilk gia nhập ngành hàng 'nước tươi'
Hợp tác giữa Kido và Vinamilk đã cho ra đời Công ty TNHH Liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev với tổng vốn đầu tư ban đầu 400 tỷ đồng.
Giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh
Giá xuất khẩu bình quân 10 tháng của cao su đạt 1.680 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; chè đạt 1.666 USD/tấn, tăng 28,7%; cà phê đạt 1.902 USD/tấn, tăng 9,7%.
Bản đồ trái cây Việt Nam dự hội chợ lớn nhất châu Âu
Bản đồ trái cây được kỳ vọng có thể hỗ trợ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam, qua đó kết nối giao thương và gia tăng giá trị xuất khẩu.