Ông Bùi Ngọc Huyên bên cạnh chiếc xe "Made in Vietnam". Ảnh: VnReview. |
Từ một doanh nghiệp đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hoá, Vinaxuki rơi vào tình cảnh sống dở chết dở. Chủ tịch công ty Bùi Văn Huyên đệ đơn kêu cứu lên Thủ tướng và các bộ ngành để vay vốn, tái cơ cấu sản xuất.
Nhìn cảnh nhà máy bị hoen gỉ, ngưng hoạt động, không ít người có mong muốn nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp của ông Huyên vượt qua giai đoạn khó khăn để tạo nên thương hiệu ôtô Việt Nam. Mặt khác, nhiều độc giả cũng nhận định dự án của Vinaxuki khó thành công, "Nhà nước có đầu tư cũng vô ích".
‘Mong nhà nước đầu tư vốn cho doanh nghiệp’
Khâm phục tài năng của ông Bùi Văn Huyên, bạn Thanh Nguyên nói: “Cháu còn trẻ, chưa lập nghiệp cũng chưa có kinh nghiệm, nhưng cháu luôn muốn bản thân làm thứ gì đó mang thương hiệu Việt Nam. Cháu hy vọng bác sớm vượt qua. Dù thành công hay thất bại, tinh thần của bác vẫn là điều cháu muốn học hỏi, noi theo”.
Công ty sản xuất ôtô Vinaxuki từng phát triển vào khoảng năm 2006 đến đầu năm 2009. Tuy nhiên đến năm 2012, doanh nghiệp này bị khủng hoảng nặng nề về tài chính, các ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động. Theo ông Huyên, vốn không có, ông phải bán nhà để trang trải nợ nần. Mọi hoạt động của Vinaxuki cũng ngưng trệ từ đó.
Công nhận tài năng và ý chí của ông Huyên, bạn Trà Thanh bình luận: “Tôi rất khâm phục, bởi bác là người đầu tiên sản xuất ôtô trong nước. Nếu thành công, bác sẽ thành một huyền thoại. Ôtô sản xuất ra không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ai cũng có lúc thất thế, nhà nước ta sao không đứng ra giúp bác ấy?".
“Bác là người có tài, có khả năng, dám nghĩ, dám làm. Vì khủng hoảng kinh tế mà thua lỗ và ngưng hoạt động công ty. Hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách giúp đỡ doanh nghiệp trong nước. Nếu dự án trên thành công, nhất định tôi sẽ mua một chiếc bởi xe nội địa sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu”, bạn Thuỳ Linh chia sẻ.
Bạn đọc Phạm Minh Thuận bày tỏ sự thương cảm với Chủ tịch công ty Vinaxuki. Anh cho rằng nếu nhà nước quan tâm và ngân hàng đồng ý cho vay, có lẽ bây giờ nhiều gia đình sẽ có xe riêng để đi.
Cùng suy nghĩ trên, độc giả Thanh Thanh nhận định: “Nếu chính phủ đầu tư thêm vốn cho công ty bác Huyên, chắc chắn nước ta sẽ có thương hiệu xe ôtô riêng.
Mình luôn ủng hộ doanh nghiệp Việt. Mong nhà nước tạo điều kiện để bác có thể tiếp tục duy trì hoạt động, phát triển công ty. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm cho người dân, làm giàu cho đất nước”.
‘Đầu tư vào doanh nghiệp này chỉ vô ích’
Song bên cạnh số ít sự đồng tình, khâm phục, nhiều độc giả cũng thẳng thắn đưa ra nhận định cho rằng ý tưởng của ông Huyên không khả thi. Việc đầu tư vào doanh nghiệp Vinaxuki hoàn toàn không hiệu quả.
Thành viên Thanh Lâm than thở rằng xe tải của Vinaxuki khiến người sử dụng không hài lòng, bởi khi hỏng không có phụ tùng để thay thế, muốn bán đi cũng không ai mua.
“Chú tôi từng mua một chiếc tải nhỏ của Vinaxuki để chở rau, củ, quả thuê. Giá thành xe này cũng không rẻ hơn xe tải nhập khẩu là mấy. Từ khi hỏng chú vẫn chưa kiếm được phụ tùng thay thế. Giờ thay không được, bán cũng không xong, bỏ đi thì phí quá!”, bạn này viết.
Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Vinaxuki ở Thanh Hóa hoang hóa vì ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Trước đây, trong một lần trả lời báo chí, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng sau bao năm đặt mục tiêu nội địa hoá, ngành công nghiệp ôtô ở nước ta vẫn chưa thực sự tiến triển.
Theo ông, do tâm lý chuộng đồ ngoại của người Việt nên việc nhập khẩu ôtô nguyên chiếc ngày càng tăng. Trong khi đó, ngành lắp ráp ôtô trong nước không tạo ra được sự khác biệt đáng kể về mặt chi phí.
Ngoài ra, việc nhập nguyên liệu về lắp ráp cộng cùng chi phí lao động bỏ ra không đáng để mất thời gian tiếp tục phát triển chiến lược ngành ôtô theo hướng này.
Quan trọng hơn, với hiện trạng phát triển kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước chưa thể sản xuất ôtô đủ sức cạnh tranh với thị trường bên ngoài.
Đó cũng là suy nghĩ của thành viên Ngọc Duy: “Bác có tâm nhưng chiến lược kinh doanh quá sai lầm! Bác chỉ tập trung đầu tư nghiên cứu động cơ, sản xuất xe tải và công nghiệp phụ trợ, cung cấp cho các hãng khác là được rồi. Đằng này bác lại đem tiền bỏ vô đầu tư khung thân vỏ, mà các hãng xe nó thay đổi mẫu mã liên tục, cạnh tranh sao được".
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Bình An cũng nhận định: "Chưa kể xe của bác mẫu mã không đẹp, dàn đồng ọp ẹp.... Nhà nước có cho vay thì thị trường cũng khó mà ủng hộ bác. Nhiều thương hiệu lớn như Ssangyong, Luxgen còn đang đình trệ việc bán ra. Xe của bác còn nhiều thiếu xót như vậy, ít người yên tâm mua lắm”.