Bên hành lang Quốc hội, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nêu quan điểm liên quan đến phát triển đặc khu tại Việt Nam.
Nơi thử nghiệm thể chế
- Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về dự luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), có ý kiến khuyến nghị xây dựng đặc khu kinh tế tại TP.HCM và Hà Nội để làm hai “đầu tàu” kéo nền kinh tế thay vì làm tại Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong như dự thảo luật đề ra hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Mô hình khu kinh tế thì ta đã có nhiều rồi và thậm chí cũng có thể gọi là các đặc khu vì những khu đó cũng có những chính sách kinh tế tương đối đặc biệt. Nhưng lần này chúng ta đề xuất làm 3 đặc khu hành chính - kinh tế, nghĩa là có cả sự đặc biệt về thể chế hành chính, mô hình tổ chức hành chính khác biệt và đi kèm với nó là những chính sách kinh tế đặc thù.
PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trao đổi với báo chí. Ảnh: Tr. Ngọc. |
Muốn xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế thì bản thân nó phải là nơi tương đối trọn vẹn, độc lập về tổ chức hành chính. Hà Nội, TP.HCM có những khu công nghệ cao có thể hình thành các đặc khu kinh tế nhưng xây dựng thành đặc khu hành chính - kinh tế ở đây không phù hợp vì đó không phải là những khu vực tương đối độc lập về mặt hành chính.
Phú Quốc, Vân Đồn là các huyện đảo thể hiện rất rõ đặc điểm này. Bắc Vân Phong không là một huyện nhưng bản thân khu vực này gần như một bán đảo, cũng có thể tách biệt để làm nền một khu hành chính độc lập được.
Vậy nên tôi cho rằng việc lựa chọn 3 địa điểm trên để xây dựng thành các đặc khu hành chính - kinh tế như thế là phù hợp.
- Ông nhấn mạnh mô hình hành chính đặc biệt cho đặc khu thế nhưng khác với dự thảo ban đầu với mô hình trưởng đặc khu, thì giờ đây mô hình được đưa ra không quá khác biệt. Có thể hình dung hiệu quả mang lại của phép thử nghiệm sẽ thế nào, theo ông?
- Mục tiêu lựa chọn các đặc khu không phải chỉ để tạo ưu đãi phát triển riêng cho các khu này mà quan trọng hơn là đưa ra thử nghiệm mô hình thể chế hành chính để làm thế nào khắc phục các vấn đề tồn tại hiện nay như bộ máy cồng kềnh, thủ tục hành chính rườm ra, phức tạp, tiền lương trả cho cán bộ công chức không tương xứng với vị trí việc làm và hiệu suất công việc của cán bộ.
Những tồn tại này ta đã nói nhiều nhưng chúng ta chưa có mô hình nào để thay đổi. Thử nghiệm thành công ở đặc khu hành chính - kinh tế thì chính sự thay đổi bộ máy hành chính này hoàn toàn có thể áp dụng ra ngoài, thực hiện trên cả nước.
Đó cũng là một trong các là lý do để lựa chọn bộ máy hành chính như đề xuất trong dự thảo hiện nay có ưu việt hơn mô hình tổ chức ban đầu chúng ta đặt vấn đề. Trước đây, chúng ta muốn xây dựng bộ máy đặc khu không có HĐND, UBND mà chỉ có đặc khu trưởng. Mô hình này dù có thành công ở đặc khu thì về mặt tổ chức, bộ máy chính quyền đó không thể phù hợp với toàn quốc được, chỉ có thể thực hiện trong giới hạn đặc khu.
Sẽ không có chuyện doanh nghiệp tự xoay sở, chạy đi chạy lại chuẩn bị hồ sơ giấy tờ còn cơ quan Nhà nước chỉ ngồi chờ xét cấp.
PGS.TS. Hoàng Văn Cường
Việc chốt lại mô hình chính quyền như dự thảo hiện nay, có thể còn có băn khoăn là không thể hiện được những điểm thực sự đột phá nhưng lại phù hợp để thử nghiệm mô hình bộ máy hành chính Nhà nước được tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả và rất rõ trách nhiệm cá nhân. Mô hình này để có thể áp dụng chung, rộng rãi trên toàn quốc sau này. Đó là một thử nghiệm rất tốt.
Cần huy động nhà đầu tư
- Vậy theo ông dự thảo luật liệu đã có những yếu tố cần thiết để đáp ứng điều kiện "một thể chế vượt trội" như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong phần giải trình trước Quốc hội?
- Có ba yếu tố quyết định đến sức hút các nhà đầu tư đến với các đặc khu: ưu đãi về thuế, sự vượt trội về thể chế hành chính và sự tiện lợi của hệ thống hạ tầng.
Theo tôi, thể chế là yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công của đặc khu. Đó là điều đầu tiên mở đường mời gọi doanh nghiệp vào tiếp cận các cơ hội đầu tư, để người ta nhìn thấy những điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai hoạt động kinh doanh tại đặc khu.
Nhà đầu tư sẽ xem xét các thể chế hành chính xem có sự cam kết của chính quyền trong việc đáp ứng được yêu cầu hoạt động một cách kịp thời hay lại bị cản trở về mặt thủ tục, kéo dài về thời gian, sự ổn định, rõ ràng minh bạch, ổn định của chính sách và sự đảm bảo an toàn cho các tài sản đầu tư.
Nếu những yêu cầu để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp mà chính quyền không có cam kết đáp ứng được thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ e ngại.
Theo nguyên lý đó, ở các đặc khu thành công bộ máy hành chính Nhà nước không còn là cơ quan sinh ra để quản lý doanh nghiệp mà trở thành cơ quan phục vụ các dịch vụ công, theo sát doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần gì, đòi hỏi gì để phục vụ cho hoạt động kinh doanh thuận lợi thì cơ quan hành chính phải đáp ứng kịp thời các yêu cầu đó.
Ví dụ khi cần một giấy chứng nhận hàng hoá, xuất xứ sản phẩm… để xuất khẩu hàng hoá thì chính quyền phải cùng doanh nghiệp tìm cách đáp ứng một cách nhanh nhất. Sẽ không có chuyện doanh nghiệp tự xoay sở, chạy đi chạy lại chuẩn bị hồ sơ giấy tờ còn cơ quan Nhà nước chỉ ngồi chờ xét cấp.
Yếu tố quan trọng thứ hai mà các đặc khu đều phải đảm bảo đáp ứng cho nhà đầu tư là kết nối hạ tầng. Không có nhà đầu tư nào lại vào một đặc khu mà không có kết nối giao thông tốt vì mục tiêu đầu tư vào đặc khu là để khả năng sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, giao lưu hàng hoá dịch vụ thuận lợi.
Nếu không có hạ tầng thì có ưu đãi bao nhiêu đi nữa nhà đầu tư cũng không thể, không dám vào.
PGS.TS. Hoàng Văn Cường
Việt Nam có một ưu thế rõ rệt là độ mở của nền kinh tế rất cao, có mối quan hệ thương mại với rất nhiều nước, vị trí thuận lợi để thông thương quốc tế, hàng hoá có thể lưu chuyển đi bất cứ nơi đâu.
Tuy nhiên, các địa bàn xây dựng đặc khu của chúng ta, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đầu tư hạ tầng cho các đặc khu, chắc chắn Nhà nước không thể có đủ lực để làm mọi việc mà cần huy động nguồn lực của các nhà đầu tư. Như vậy thì trong các hoạt động đầu tư cần xác định ưu đãi, thì đứng vị trí số một phải là đầu tư hạ tầng.
- Vậy những bước chuẩn bị của các địa phương thời gian qua đã tương thích với yêu cầu đặt ra chưa khi Phú Quốc, Vân Đồn cũng đã có thời gian 5-10 năm nỗ lực xây dựng thể chế, đã thu hút được những nhà đầu tư chiến lược vào xây sân bay, làm đường cao tốc…?
- Hướng đầu tư như vậy tôi cho là rất đúng. Tôi cũng cho rằng không thể quá cầu toàn, yêu cầu mọi thứ đều phải hoàn hảo. Khi ban hành luật đặc khu, không thể yêu cầu mọi thứ đều phải hoàn thiện. Tuy nhiên, những vấn đề có thể dự báo trước thì ta cần phải đặt ra bàn thảo, chỉ ra hướng xử lý và đưa vào trong luật để lường trước và ngăn chặn những hậu quả không mong muốn, những qui định chi tiết trong quá trình thực hiện có thể tiếp tục chỉnh theo hướng chi tiết thêm.
Đầu tư hạ tầng tốt, đồng bộ là khâu ưu tiên số một và phải đi trước những lĩnh vực dịch vụ khác có thể thu hút sau này, nếu chúng ta có một thể chế thuận lợi thông thoáng cùng với một hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ thì dù không cần ưu đãi lắm, người kinh doanh dịch vụ vẫn vào.
Ngược lại, nếu không có hạ tầng thì có ưu đãi bao nhiêu đi nữa người ta cũng không thể, không dám vào. Vậy nên, theo tôi mấu chốt chúng ta phải tính đến đâu là những lĩnh vực cần ưu tiên vượt trội, cần mở đường cho việc thu hút các hoạt động đầu tư khác.