Vừa qua, Bộ Y tế thông báo nhiều bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM tiếp nhận người bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B sau khi ăn pate Minh Chay. Đây là loại vi khuẩn có độc lực mạnh, gây nguy hiểm đối với sức khỏe.
Nữ bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: An Bình. |
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope (Mỹ), cho biết độc tố do Clostridium botulinum type B tiết ra là botulinum. Chúng tấn công các dây thần kinh của cơ thể, dẫn đến tê liệt cơ.
Các triệu chứng ban đầu ở người bệnh bao gồm mệt mỏi, suy nhược và chóng mặt. Sau đó, nạn nhân thường bị mờ mắt, khô miệng và khó nuốt, khó nói. Nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và sưng bụng cũng có thể xảy ra.
Theo TS Vũ, bệnh có thể tiến triển thành tê liệt ở cổ, cánh tay, ảnh hưởng các cơ thuộc hệ hô hấp và vùng hạ vị. Các triệu chứng thường xuất hiện trong 12-36 giờ sau khi ăn phải thực phẩm có chứa độc tố.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đây là chất độc gây chết người mạnh nhất. Vi khuẩn này có 7 chủng gây bệnh được ký hiệu từ A đến G. Trong đó, vi khuẩn type A, B thường gây bệnh ở người. Liều gây tử vong trung bình (LD50) của độc tố này ước tính 3.000 U đối với người lớn (khoảng 70 kg).
"Người bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum cần được điều trị càng sớm càng tốt bằng thuốc kháng độc tố (antitoxin). Khoảng 50 năm trước, cứ 100 người bị nhiễm loại độc tố này có 50 người tử vong. Do sự phát triển của y học, hiện nay, 100 bệnh nhân có khoảng 5 người tử vong", TS Vũ cho biết.
Một số bệnh nhân không thể qua khỏi vì nhiễm trùng hoặc gặp các vấn đề khác do bị liệt trong thời gian dài. Những trường hợp khỏi bệnh có thể bị mệt mỏi, khó thở trong nhiều năm và cần được điều trị lâu dài để hồi phục sức khỏe.
TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết hầu hết vi khuẩn có thể bị tiêu diệt bằng cách đun sôi thông thường. Với Clostridium botulinum, chúng ta cần xử lý thực phẩm ở 121 độ C để tiêu diệt bào tử.
Đặc biệt, độc tố tạo ra bởi loại vi khuẩn này khá nhạy cảm với nhiệt độ. Do vậy, người dân chỉ cần làm nóng thực phẩm đến 80 độ C trong 30 phút hoặc nhiệt độ sôi (100 độ C) trong 10 phút trước khi ăn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị ngộ độc.