Tại hội thảo Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018 tổ chức sáng nay (5/1), TS. Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng nền kinh tế hiện tại đang có dấu hiệu gần giống giai đoạn bong bóng, khủng hoảng năm 2007-2008.
Các dấu hiệu ông Thiên chỉ ra là tình hình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao kỷ lục; thị trường chứng khoán đang nóng; bất động sản vẫn rất sôi động và cũng là kênh đầu tư hấp dẫn.
Chuyên gia này cho rằng cần phòng ngừa nguy cơ bong bóng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nền kinh tế vẫn có những yếu tố kiềm chế được bong bóng và khủng hoảng.
“Đầu tư công của chúng ta không dữ dội như trước, lạm phát kiềm chế tốt hơn. Ngoài ra, bộ máy quản lý Nhà nước đã được điều chỉnh nhiều hơn”, ông Thiên nói.
Ông Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hiếu Công. |
Liên quan đến việc đầu tư công “không dữ dội hơn trước”, ông Thiên cho rằng kinh tế tư nhân năm qua đã những bước tiến lớn. Vốn đầu tư tư nhân đã từng bước thay được cho vốn đầu tư công giải ngân chậm, tạo động lực phát triển.
“Khu vực kinh tế tư nhân dần khẳng định được mình, năm qua thể hiện ở vốn tư nhân cả nước ngoài và trong nước thay được giải ngân chậm vốn đầu tư công. Các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Hà Nội đã phát triển nhờ phần động lực rất lớn của khu vực kinh tư nhân”, ông nói.
Tăng trường năm 2017 đạt 6,81% là kết quả được các chuyên gia khẳng định đáng ghi nhận, nhưng cần quan tâm đến chất lượng. Đó là của những con số, của sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế và động thái tăng tưởng mới. Ngoài ra còn có chất lượng xuất khẩu, khi xem xét gắn với chuỗi giá trị, cơ cấu nguồn lao động.
Sự sôi động và hấp dẫn của kênh đầu tư bất động sản khiến chuyên gia lo ngại quay lại thời kỳ bong bóng 2007-2008. Ảnh: Lê Quân. |
Nói về động lực phát triển cho năm 2018, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cho rằng việc cần thiết của năm này là phải tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2017, với trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện 3 đột phá.
Thứ nhất là đột phá về cơ sở hạ tầng, ông Đông cho rằng cần tạo cơ chế thu hút nguồn lực.
“Nhà nước cũng đã nhận diện không nhất thiết phải làm tất cả. Các dự án lớn, quy mô lớn đã tin tưởng cho tư nhân làm. Không thể tiếp tục chuyện xây dựng một nhà máy điện chỉ vài điều khoản đàm phán đi đàm phán lại mà mất tới 5 năm. Ở nước ngoài, họ xây sân bay rất lớn cũng chỉ mất 2 năm”, ông Đông nói.
Thứ 2 là đột phá trong việc thay đổi chính sách. Cần đi sâu vào thực thi và tăng cường đột phá về nguồn nhân lực.
Cuối cùng, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp sẽ giúp đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, giảm thiểu được các lực cản vô hình của quá trình cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa DNNN sẽ có nhiều vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển.
Ông Thiên lại nhấn mạnh đến các thay đổi về thể chế trong năm 2017. Trong đó, Luật đặc khu đã được trình Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua vào tháng 5 tới sẽ có tác động mở cửa và đột phá cho Việt Nam mạnh nhất ở hiện tại.
Ngoài ra, việc thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM, xử lý nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), xóa “sở hữu chéo” trong kinh doanh ngân hàng… cũng sẽ là động lực tốt cho tăng trưởng 2018.