Ngày 13/11, Sở GTVT TP.HCM có báo cáo gửi UBND TP về kết quả kiểm tra hiện trường sự cố rơi gối dầm metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Hai hôm trước, đơn vị này cùng Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Sở Xây dựng và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã kiểm tra hiện trường vụ việc. Đoàn kiểm tra ghi nhận tình trạng gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 bị rơi khỏi đá kê gối và chưa rõ nguyên nhân.
Theo đánh giá ban đầu, dầm chữ U gác lên trụ P14-10 (phía gối cầu) bị rơi lệch khoảng 8,5 cm. Các thanh ray (gác qua 2 dầm chữ U) bị bong bật khỏi bệ đỡ, xuất hiện vết nứt cục bộ tại một số vị trí của bê tông bệ đỡ đường ray. Nhà thầu đã lắp đặt gối tạm thay thế gối cao su bị rơi trong thời gian chờ xem xét.
Nhà thầu đã lắp gối tạm thay thế gối cao su bị rơi để giữ ổn định nhịp dầm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước yêu cầu MAUR kiểm tra tổng thể hiện trạng. Đơn vị phải đánh giá số liệu quan trắc kết cấu trụ P14-10 và các trụ lân cận.
Ngoài ra, chủ đầu tư cần đánh giá chính xác về mức an toàn chịu lực, tuổi thọ kết cấu công trình, sau đó rà soát lại toàn bộ gối cầu trên toàn tuyến và gửi báo cáo về Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước.
Ngoài lệch đầu dầm, các thanh ray (gác qua 2 dầm chữ U) bị bong bật khỏi bệ đỡ, xuất hiện vết nứt cục bộ tại một số vị trí của bê tông bệ đỡ đường ray. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cuối tháng 10, trong lần kiểm tra định kỳ, MAUR phát hiện phần gối cao su (gối trái theo hướng từ Bến Thành đi Suối Tiên) của dầm cầu cạn lắp đặt năm 2016 bị rơi ra ngoài. Việc này khiến đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, mất liên kết với hệ thống đỡ ở dưới, bê tông đệm đường ray cùng vị trí bị nứt vỡ.
MAUR lo ngại sự cố kéo theo hàng loạt nguy cơ khác như gây nứt vỡ cục bộ tại vị trí gối dầm, giảm khả năng chịu lực và ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình.
Metro số 1 dài 19,7 km, có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Đến tháng 11, công trình đạt hơn 78% tổng khối lượng. Thành phố đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác cuối năm 2021.