Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm gia nhập ASEAN

Nhiều nhà ngoại giao và giới chuyên gia khẳng định, các nước đánh giá cao những nỗ lực và vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam sau 20 năm gia nhập ASEAN.

Lãnh đạo các nước ASEAN dự hội nghị cấp cao lần 26 ở Malaysia vào tháng 4/2015. Ảnh: GMA
Lãnh đạo các nước ASEAN dự hội nghị cấp cao lần 26 ở Malaysia vào tháng 4/2015. Ảnh: GMA

Nhìn lại quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN, nhà nghiên cứu Sadhavi Chauhan, Quỹ Nghiên cứu Observer (Ấn Độ) nhắc lại việc Việt Nam thông qua nghị quyết với chủ trương "thêm bạn, bớt thù" vào năm 1988. "Do vậy, việc Việt Nam thể hiện sự quan tâm đối với việc gia nhập ASEAN vào năm 1992, rồi nước này thực sự trở thành thành viên của ASEAN vào năm 1995, không phải là điều ngạc nhiên", ông Chauhan nhận xét trong bài đăng trên East Asia Forum.

Ông nhấn mạnh các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh khu vực. Theo đó, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã ký kết Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân, đồng thời là một trong các nước sáng lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

"Tuy nhiên, những bước đi chủ động và tích cực nhất của Hà Nội là hướng về việc ổn định các căng thẳng trên Biển Đông. Việt Nam luôn cố gắng đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm bảo đảm các xung đột được giải quyết dựa trên tinh thần xây dựng", nhà nghiên cứu nhận định.

Vị chuyên gia Ấn Độ cũng nhắc lại vai trò của Việt Nam là cầu nối giữa ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), với vai trò là một trong những nước tiên phong thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). "Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với toàn cầu, do đó, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN sẽ luôn luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại". 

Tờ The Nation của Thái Lan dành những nhận xét tích cực về vai trò của Việt Nam khi "chứng tỏ vị thế và uy tín trong vai trò động lực thúc đẩy từ nhóm các thành viên mới".

"Việt Nam là thành viên ủng hộ mạnh mẽ nhất về nguyên tắc không can thiệp vấn đề nội bộ các nước của ASEAN. Cần nhớ rằng, khi Việt Nam lần đầu nhận chức chủ tịch vào năm 1998, Hà Nội đã thành công trong việc tăng cường đoàn kết và thống nhất trong ASEAN". 

Năm 2010, việc Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN cũng để lại những nhận xét tích cực đối với các nước khi đưa ra nhiều quyết sách lớn của ASEAN. Năm 2010 cũng là năm tạo tiền đề cho ASEAN thực sự đi vào lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.   

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN XVI và XVII tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Trong bài viết trên báo Thế giới và Việt Nam ngày 26/7, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN, khẳng định đại sứ các nước tại ASEAN đánh giá cao vai trò và vị trí của Việt Nam trong tổ chức này. 

"Điểm nổi bật là các nước cho rằng Việt Nam đang ngày càng phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm và rất tích cực trong tiến trình hội nhập cũng như xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các nước đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy đoàn kết ASEAN; trong tiến trình xây dựng quyết sách định hướng cho hoạt động của ASEAN hiện tại cũng như tương lai; trong việc thúc đẩy phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh ở khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông", ông Nguyễn Hoành Năm cho biết. 

Đầu năm 2015, ấn phẩm chào năm mới của báo New Europe đăng bài viết của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với tiêu đề ''Việt Nam 2015: Đối tác tích cực vì hòa bình, ổn định và xây dựng cộng đồng tại Đông Nam Á". 

Trong bài, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong quá trình phát triển chung của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế đa phương trong giải quyết xung đột mà cụ thể là vai trò trung tâm của ASEAN nhằm duy trì luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh ổn định vì mục tiêu phát triển. 

Liên quan đến giải quyết tranh chấp Biển Đông, Phó thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sớm hướng tới ký kết "Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC" trong khi các bên liên quan sẽ nỗ lực hết mình để đạt được các biện pháp giải quyết tranh chấp trên cơ sở các cơ chế hiện có, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cơ chế đa phương, bao gồm cả các cơ chế với trung tâm là ASEAN. 

Phó thủ tướng cũng lưu ý, Việt Nam là thành viên ASEAN đầu tiên và có lẽ là duy nhất đã ký kết FTA song phương hoặc đa phương với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới. 

Một bài viết đăng trên Vietnamnet vào tháng 2/2015 dẫn báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, Việt Nam là một trong những nước ASEAN có tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài cao nhất. GDP tăng 5,98% trong năm 2014 và lạm phát ổn định ở mức khoảng 3%, một sự tiến bộ vượt bậc so với mức lạm phát hơn 18% từng đe dọa triển vọng kinh tế Việt Nam vào năm 2011.

"Việt Nam đang nổi lên trở thành một trụ cột kinh tế và địa chiến lược của sự ổn định tại khu vực Đông Nam Á", bài viết nhận định.

Những khoảnh khắc lịch sử của Việt Nam tại ASEAN

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam và sự phát triển của khối.

Hành trình nửa thế kỷ phát triển và đổi mới của ASEAN

Sau 48 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lớn mạnh, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trên lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm