Cách đây khoảng 10 năm, khi có nhu cầu gọi xe, người dùng chỉ có thể gọi qua tổng đài hoặc bắt xe trực tiếp. Lúc ấy, khó ai hình dung được rằng một ngày, bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển ở mọi nơi, vào bất kỳ lúc nào, biết trước chi phí và thanh toán trực tiếp ngay trên điện thoại.
Thay đổi cách di chuyển của người Việt
Ngày nay, việc đặt xe công nghệ đã trở thành thói quen của nhiều người Việt. Các bác tài - những người trước đây chỉ biết đứng ở nơi đông người đợi khách, nay cũng chuyển sang dùng app, nhận cuốc, bật dẫn đường, chủ động thực hiện dịch vụ để tăng sinh kế.
“Grab" không chỉ là tên ứng dụng đặt xe mà trở thành động từ quen thuộc của nhiều người Việt Nam mỗi khi nói về nhu cầu di chuyển. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bài toán di chuyển của người Việt bắt đầu thay đổi khi những ứng dụng đặt xe đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014. Nhiều năm sau đó, thị trường từ lạ thành quen, chứng kiến thêm sự thay đổi ở phân khúc 4 bánh, rồi 2 bánh với ngày càng nhiều đơn vị gia nhập.
Bằng chứng là thị trường gọi xe Việt Nam duy trì mức tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2015-2019 đến 57% (cao nhất ở Đông Nam Á). Theo báo cáo khác của Google và Temasek năm 2020, quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam mảng di chuyển và giao nhận thức ăn tăng trưởng đến 50%, đạt giá trị khoảng 1,6 tỷ USD. Đến năm 2025, mảng kinh doanh này được dự báo có thể đạt giá trị 7 tỷ USD, tức tăng gấp hơn 4 lần.
Những chuyến xe Grab len lỏi vào từng con hẻm nhỏ, đồng hành cùng người dùng Việt trên mọi nẻo đường. |
Không dừng ở những con số trên báo cáo, tác động của các ứng dụng gọi xe cũng hiện rõ trên từng con phố, con hẻm khắp Việt Nam. Sự gia nhập và phát triển mạng lưới của các ứng dụng công nghệ đã góp phần giải quyết bài toán giao thông và di chuyển tại những đô thị lớn, góp phần mang lại thói quen di chuyển văn minh cho người dùng Việt.
Giờ đây, người dùng không cần mất thời gian đợi gọi xe, băn khoăn về những chuyến đi không rõ giá hay e ngại hành trình lòng vòng. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng gần như nắm mọi thông tin từ giá tiền, hành trình đến thông tin tài xế, phương thức thanh toán… Dù ở cung đường trung tâm TP.HCM hay con ngõ ẩn mình tại thủ đô Hà Nội, những cuốc xe công nghệ với đủ màu áo vẫn miệt mài đưa đón khách.
Grab chính thức mở rộng dịch vụ GrabCar ra Gia Lai, Phú Quốc (Kiên Giang), Nghệ An trong tháng 12 vừa qua. |
Không chỉ tập trung phát triển tại các trung tâm kinh tế lớn, mô hình gọi xe công nghệ còn được mở rộng đến nhiều địa phương. Việc này giúp định hình thói quen di chuyển, mang đến trải nghiệm liền mạch cho người dùng, giúp họ dễ dàng sử dụng dịch vụ dù ở bất kỳ đâu.
Mới đây, Grab đã triển khai dịch vụ GrabCar tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), đánh dấu sự có mặt của siêu ứng dụng này tại thành phố biển đầu tiên của Việt Nam. Sự hiện diện của GrabCar tại Phú Quốc không chỉ tạo cột mốc quan trọng cho Grab khi lần đầu tiên hoạt động ngoài đất liền, mà được dự đoán đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế địa phương, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng cao của người dân và hàng triệu du khách đến đảo ngọc.
Ngoài ra, việc mở rộng dịch vụ của Grab nói chung và GrabCar nói riêng hứa hẹn tạo ra cơ hội việc làm, tăng cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế địa phương, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội tại Phú Quốc.
“Sau gần 7 năm hoạt động, một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hỗ trợ tất cả địa phương, dù ở đất liền hay biển đảo, vùng sâu, vùng xa đều có thể tiếp cận công nghệ và trở thành một thành tố trong nền kinh tế số”, bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam từng chia sẻ.
Định hình lộ trình chuyển đổi số
Việc "gọi xe" hay cách các “siêu ứng dụng” như Grab mở rộng đến nhiều nơi trên đất nước được dự đoán là những nét vẽ đầu tiên trong bức tranh về một xã hội Việt Nam từng bước vào quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, các nhu cầu, hoạt động sống của người dân sẽ được giải quyết triệt để bằng công nghệ, từ vấn đề di chuyển, ăn uống, đến nhu cầu mua sắm, y tế, giáo dục…
Với lợi thế từ mạng lưới tài xế đông đảo, Grab dần mở rộng ra các lĩnh vực như giao nhận thức ăn, thanh toán điện tử (thông qua hợp tác với Moca), giới thiệu các dịch vụ mới. Trong tháng 3/2020, Grab ra mắt GrabMart và GrabAssistant để giúp người dân “đi chợ" trong thời gian dịch bệnh. Cùng thời gian đó, Grab ghi nhận số lượng người dùng lần đầu thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng tăng 22,5% so với tháng trước đó. Tính tổng thể hệ sinh thái Grab, hiện tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt được thực hiện qua Moca chiếm 43%.
Gần đây nhất, Grab cũng chính thức triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online của GrabMart. Trước đó, từ tháng 9/2020, Grab tiến hành thử nghiệm dịch vụ đi chợ hộ này tại Đà Nẵng và Hà Nội với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày vào tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó.
Theo giới phân tích, chuyển đổi số ở Việt Nam mới dừng ở bước khởi đầu, còn nhiều gian nan và thách thức về tầm nhìn, lộ trình, cách tận dụng những nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp và cả quyết tâm của các địa phương.
Bình luận