Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Grab sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam'

CEO Grab Việt Nam đánh giá ưu điểm của startup Việt là tinh thần nhiệt huyết, năng lực công nghệ và tư duy sáng tạo. Nếu DN tận dụng tốt cơ hội từ thị trường, thành công sẽ đến.

Grab,  startup anh 1

Sau khi 5 startup xuất sắc tại Grab Ventures Ignite (GVI) mùa 1 lộ diện, bà Nguyễn Thái Hải Vân - CEO Grab Việt Nam đã dành thời gian chia sẻ với Zing về những ấn tượng của bà với các startup Việt Nam và góc nhìn về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Hành trình 14 tuần trưởng thành của các startup tham gia GVI

- Bà đánh giá thế nào về chất lượng của các startup tham gia GVI mùa 1?

- Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Grab tổ chức GVI, và đây cũng là mùa đầu tiên của chương trình. Dù vậy, chúng tôi rất phấn khởi khi GVI đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong mùa 1, hơn 300 startup có đăng ký hoạt động tại Việt Nam đã nộp hồ sơ tham gia, đến từ 7 quốc gia trong khu vực với hơn 10 lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện tiềm năng và tinh thần khởi nghiệp của các startup tại Việt Nam.

Trong suốt thời gian thực hiện chương trình, chúng tôi ấn tượng với sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết của các startup. Điểm chung của tất cả startup tham gia chương trình và cũng là ưu điểm của startup Việt Nam là tinh thần nhiệt huyết. Bên cạnh đó, các startup còn chủ động tìm kiếm giải pháp để thích nghi với những thay đổi bất ngờ của thị trường.

Trong đó, điều khác biệt đầu tiên của các startup tham gia GVI là tinh thần khởi nghiệp. Điểm khác biệt thứ hai đến từ chuyên môn về kỹ thuật, một yếu tố rất quan trọng quyết định tiềm năng mở rộng quy mô của các startup trong tương lai. Tuy nhiên, để thực sự phát huy được lợi thế này, các startup cần được trang bị nền tảng kiến thức và chuyên môn vững chắc.

Grab,  startup anh 2

Bà Nguyễn Thái Hải Vân - CEO Grab Việt Nam chia sẻ với startup tham gia GVI mùa 1.

Bên cạnh đó, cá nhân tôi cũng đánh giá cao tinh thần “dám nghĩ dám làm” của các startup tham gia chương trình. Không phải ai cũng đủ can đảm để sẵn sàng cạnh tranh ý tưởng kinh doanh với những ông lớn công nghệ như Facebook, Google trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hay live streaming.

- Tham gia chương trình, các mô hình khởi nghiệp này đã thay đổi như thế nào?

- Có thể nhận thấy sau 14 tuần đào tạo và cố vấn chuyên nghiệp với các chuyên gia, giám đốc cấp cao của Grab và các đối tác của GVI, các startup đã có những thay đổi đáng kể.

Về ý tưởng, mô hình kinh doanh, các startup đã có nhận thức rõ ràng rằng công nghệ của họ giải quyết được những khó khăn, thách thức mà người dân đang phải đối mặt trong cuộc sống. Các bạn xác định được sự khác biệt của mình so với các giải pháp hiện tại.

Về kế hoạch phát triển bền vững, thông thường, những startup ở giai đoạn đầu thường ưu tiên các kế hoạch để mở rộng quy mô, tăng trưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, cả 5 startup thắng cuộc của chương trình đều có những kế hoạch dài hạn, tăng trưởng bền vững trong tương lai, thể hiện tư duy chiến lược trong kinh doanh.

Về năng lực chung, các startup đã có sự thay đổi rõ rệt về cách quản lý, thu hút nhân tài, gọi vốn, đánh giá thị trường và cả năng lực nhìn về tương lai 3-5 năm, điều mà không phải startup giai đoạn đầu nào cũng làm được.

Grab,  startup anh 3

Đại diện các startup tham gia GVI mùa 1.

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng lý tưởng

- Bà nhìn nhận thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam? Vai trò của những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp?

- Dù gặp nhiều thách thức từ dịch Covid-19, nhưng có thể khẳng định rằng Việt Nam đang là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển khá nhanh trên thế giới. Và trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể tiềm năng để trở thành “trung tâm khởi nghiệp” của khu vực Đông Nam Á.

Theo Báo cáo đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam (Vietnam Tech Investment) năm 2019, chỉ trong 2 năm trở lại đây, vị trí của Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ hệ sinh thái khu vực. Từ quốc gia đứng vị trí thứ 4, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt đã vươn lên vị trí số 3, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Với tất cả yếu tố trên, tôi tin rằng Việt Nam sẽ là một thị trường mở, đầy tiềm năng, sẵn sàng tiếp nhận các xu hướng mới, tạo ra môi trường lý tưởng cho các startup thực hiện các ý tưởng kinh doanh mới. Đây cũng chính là những lý do cộng hưởng để chúng tôi triển khai chương trình GVI đầu tiên tại Việt Nam.

Grab,  startup anh 4

5 startup thắng giải tại chương trình Grab Ventures Ignite mùa 1.

- Sau thành công từ GVI 2020, Grab Việt Nam có kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy cộng đồng startup Việt phát triển?

- GVI đã kết thúc, nhưng Grab sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng và phát huy tối đa thế mạnh công nghệ và các mối quan hệ hợp tác để góp phần phát triển cộng đồng khởi nghiệp, hướng đến thực hiện cam kết dài hạn “Grab Vì cộng đồng” tại Việt Nam, phù hợp với chiến lược tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 của Chính phủ.

Grab Việt Nam cũng đang trong quá trình thảo luận để đưa ra các cơ hội hợp tác với những startup xuất sắc mùa 1 của GVI, giúp họ có cơ hội tiếp cận, tận dụng thị trường, công nghệ và chuyên môn của Grab tại Việt Nam để phát triển sản phẩm và dịch vụ. Chúng tôi sẽ công bố chi tiết trong thời gian tới.

Văn Hưng - Giang Di Linh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm