Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đất vàng nhường du lịch, nông dân Phú Quốc lo trắng tay

Từng là nông dân sản xuất giỏi trên chính mảnh đất mình khai phá, không ít cư dân ở "đảo ngọc" sắp phải rời khỏi nhà, để nhường vị trí đẹp ven biển cho nhà đầu tư làm du lịch.

Chuyện "mất đất" của những nông dân một nắng hai sương, từ đất liền ra Phú Quốc (Kiên Giang) để giữ biển, giữ rừng đang nóng lên ở Bãi Dài của xã Gành Dầu. Đây là một trong những bãi biển đẹp ở Phú Quốc, được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái và trong tương lai sẽ có casino.

1
Anh Bé trên bãi biển cạnh nhà: "Nếu được làm giấy tờ đầy đủ, khu đất của tôi trị giá trên 70 tỷ đồng", anh Bé nói.

Vợ chồng anh Lê Văn Bé (Chính Suối) từ xã Nam Thái của huyện Hòn Đất ra Bãi Dài ở từ năm 1995. Lúc đó, anh Bé với nhiều cư dân đất liền ra đảo, được chính quyền xem như những người xung phong giữ đất, giữ rừng, giữ biển Tây Nam của tổ quốc.  

"Lúc mới ra đây, Gành Dầu hoang vắng dữ lắm, muốn tới chợ huyện không phải dễ vì chưa có lộ xe. Vợ chồng tôi khai phá đất, trồng rau xanh gánh ra chợ 'chồm hổm' gần nhà để bán. 20 năm qua tôi làm việc không ngơi nghỉ để có được vườn dừa, trại nuôi chó, nuôi heo…", anh Bé kể.

Với mảnh đất rộng 1,4 ha giáp với biển và rừng, mỗi tháng vợ chồng anh Bé có thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ việc bán nông sản và vật nuôi. Nhiều năm liền, nông dân 42 tuổi này được Hội Nông dân huyện Phú Quốc tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi, với mô hình kinh tế tổng hợp.

"Tôi làm ra bao nhiêu thì dồn hết cho việc đầu tư vào cái mới, chưa hưởng thụ được gì trong 20 năm ở Phú Quốc. Cuối năm 2013, vợ chồng tôi như 'chết đứng' khi nhận được thông báo của huyện, về việc yêu cầu nhận tiền bồi thường trên 597 triệu đồng để nhường đất cho nhà đầu tư làm du lịch, xây biệt thự", anh Bé nói.

Theo nông dân này, giá đất Bãi Dài theo thị trường hiện khoảng 50 tỷ đồng/ha. Với diện tích đất mà vợ chồng anh đang sở hữu, nếu đã được cấp sổ đỏ thì trên 70 tỷ đồng.

"Đất của tôi đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền địa phương không làm để đảm bảo quyền lợi cho công dân. Nay vướng vô quy hoạch thì Nhà nước bồi thường giá quá rẻ. Với số tiền bồi thường gần 600 triệu này, tôi không đủ mua một nền nhà để ở. Trong khi đó, nhà đầu tư xây biệt thự ở Bãi Dài bán vài chục tỷ đồng 1 căn", nông dân này chia sẻ.

2
Ông Hoàng cho biết, gần 15 năm sống ở Bãi Dài, nay ông bị buộc phải nhường đất cho du lịch mà không được bồi thường. Ảnh: Việt Tường.

Gia đình anh Ngô Hiền Lương (37 tuổi, ngụ ấp Gành Dầu) sở hữu gần 1,3 ha đất trồng hoa màu, tràm và cây ăn trái. Trong lần đối thoại với lãnh đạo chính quyền sở tại gần đây, lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc động viên gia đình anh Lương nhận tiền bồi thường đất nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái.

"Chủ tịch huyện kêu qua Trung tâm phát triển quỹ đất để nhận tiền rồi muốn khiếu nại gì thì làm sau. Theo thông báo trước đây, gia đình tôi nhận trên 500 triệu đồng, nghe nói đã điều chỉnh lên 1,3 tỷ đồng, nhưng cán bộ huyện chỉ nói miệng, chưa đưa giấy tờ chính thức. Cầm tiền đền bù chắc mua được nền nhà rồi không biết làm gì sinh sống", anh Lương bức xúc.

Đại gia Phú Quốc bán đất, chuộc con 'cầm mạng' ở casino

Bán hết đất của cha mẹ khiến đấng sinh thành phải "ở đậu" trong nhà của chính mình. Chưa dừng lại, Tình còn ôm tiền bán hải sản sang Campuchia đánh bạc rồi cầm mạng 350 triệu đồng.

"Bi đát" nhất ở Bãi Dài là gia đình ông Mai Văn Hoàng (ngụ ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm). Nông dân 48 tuổi này quê huyện Gò Quao, ra Phú Quốc lập nghiệp trên 20 năm. Năm 2002, ông Hoàng từ Bãi Thơm qua Bãi Dài mua đất của người dân khai phá từ năm 1996.

Những năm bám biển, bám rừng để mưu sinh, ông Hoàng được công nhận là nông dân sản xuất giỏi và có cơ sở chế biến, mua bán cá cơm, được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận. Hai năm qua, vợ chồng ông mất ăn, mất ngủ, khi đất của gia đình nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái.

"Có khi cả tháng tôi không ngủ được đêm nào. Vợ chồng tôi hụt hẫng tột độ vì nhà chức trách cho rằng, đất của gia đình thuộc dạng đất rừng đặc dụng bao chiếm, nên không bồi thường đồng nào. Hôm rồi, đại diện nhà đầu tư đến gặp tôi, nói cho 200 triệu để di dời nhà nhưng tôi không đồng ý và đã làm đơn khiếu nại", ông Hoàng vừa nói, vừa khóc.

Theo hơn 60 hộ dân ở Bãi Dài, những gia đình có đất vướng quy hoạch từng ở tại đây hàng chục năm. Họ là những người tiên phong đi giữ đảo, sau đó Vườn Quốc gia Phú Quốc mới thành lập, nên nhà chức trách không thể nói dân bao chiếm đất rừng.

3
Bãi Dài, một trong 10 bãi biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: Việt Tường.

"Trước đây tụi tôi được khuyến khích ra khai phá đất để giữ đảo. Vườn Quốc gia Phú Quốc thành lập năm 2001, tức là sau khi chúng tôi ở rất lâu, thì không thể nói dân bao chiếm đất rừng. Tôi đồng ý nhường đất cho dự án, nhưng bồi thường sao cho thỏa đáng,  để dân đảm bảo đủ quyền lợi", anh Bé nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thành Tấn, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Quốc, cho biết, đơn khiếu nại của người dân đang được Thanh tra huyện Phú Quốc tập hợp, xem xét giải quyết từng trường hợp.

"Nhà đầu tư đến với Phú Quốc để giúp 'đảo ngọc' phát triển xứng tầm với thế giới là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, họ được giao đất để đầu tư những dự án hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng mà dân được bồi thường vài trăm triệu là khó chấp nhận được", ý kiến của nhiều người dân Bãi Dài.

Đại gia đất ở Phú Quốc sống tạm trong nhà của mình

Từng có nhiều mẫu đất ven biển Phú Quốc nhưng không ít cư dân ở "đảo ngọc" phải hết để trả nợ. Họ chưa biết cả gia đình sẽ bị chủ mới đuổi đi lúc nào.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm