Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghĩa trang chó xoáy ở Phú Quốc

Ở trung tâm bảo tồn loài động vật quý tại "đảo ngọc", ngoài trường đua địa hình và các khu chức năng, ông Tuấn dành riêng 1.000 m2 đất làm "nghĩa trang" để chôn cất chó.

Lớn lên từ quê lúa xã Vân Khánh của huyện An Minh (Kiên Giang), gần 20 năm trước ông Lê Quốc Tuấn (51 tuổi) làm nhân viên văn phòng ở Rạch Giá. Cuối tuần rảnh rỗi, người đàn ông mê nuôi chó đã xuống tàu cao tốc ra đảo Phú Quốc tìm cơ hội mới.

1
Chó xoáy Phú Quốc là loài rất tinh khôn. Ảnh: Việt Tường.

Năm 1999, đất ở "đảo ngọc" chưa sốt giá, ông Tuấn mua hơn 1 ha nằm xa lộ xe ở ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương - cách trung tâm thị trấn Dương Đông của huyện Phú Quốc khoảng 4 km. Vét hết vốn liếng từ quê nhà, ông Tuấn bắt đầu con đường bảo tồn loài chó được cho là quý hiếm và tinh khôn nhất thế giới.

"Hồi còn làm nông ở đất liền, tôi yêu quý những con chó trung thành với chủ. Năm 2000, tôi mở trang trại chó xoáy tại Phú Quốc với quy mô 100 con. Nuôi và tự nhân giống loài chó quý với cả niềm đam mê, nhưng đến năm 2014, cả đàn hàng trăm con chết gần hết, tôi phải làm lại từ đầu", ông Tuấn kể.

Đầu năm 2005, ông Tuấn nuôi lại 30 con và tìm cách khắc phục các loại bệnh liên quan đến đường ruột và nóng sốt cho chó. Cuối năm đó, trại chó của ông Tuấn tăng đàn lên 100 con.

Hai năm trước, ông Tuấn mở trường đua chó tại trung tâm bảo tồn động vật có xoáy trên lưng. Ngoài 250 con chó giống phục vụ cho lai tạo và sinh sản, ông Tuấn thuê 4 người huấn luyện 51 con chó trở thành "vận động viên" phục vụ cho khách du lịch có nhu cầu xem đua chó.

"Nghe bạn bè kể, chó Phú Quốc khôn và giỏi lắm nhưng tận mắt chứng kiến mới tin đó là sự thật. Đến với khu bảo tồn chó xoáy, tôi thấy loài động vật này biết leo rào, nhảy cao, bơi lội giỏi và nhặt rác giúp chủ", chị Thanh Nga ở tỉnh Yên Bái cho biết.

Là người yêu quý chó, ông Tuấn dành riêng 1.000 m2 đất ở cuối trang trại để làm "nghĩa trang chó". Tại đây, chủ trang trại làm chuồng dành riêng cho chó "quản trang" nhưng gần đây, con vật này bị bệnh vì già yếu, mắt mờ, răng rụng sau 14 năm gắn bó với chủ.

Trong "nghĩa trang chó", ông Tuấn phân ra nhiều khu vực khác nhau để chôn con vật chết vì bệnh, mất mạng vì cắn nhau, già yếu hoặc nguyên nhân khác. Tại đây, việc vệ sinh được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo cho môi trường, tránh lây nhiễm bệnh cho đàn chó mạnh khỏe và ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh.

"Khi nuôi chó, con vật gắn bó, gần gũi và phục vụ cho mình. Đến lúc nó chết, người chủ phải dành khoảng đất nhỏ cho nó 'yên nghỉ' chứ đâu được vứt xác lung tung. Việc làm này thể hiện sự nhân văn trong cách đối xử với vật nuôi trong nhà, vừa để anh em thấy mà nâng cao trách nhiệm chăm sóc đàn chó cho thật tốt", ông Tuấn chia sẻ.

3
Nơi "yên nghỉ" của hàng trăm con chó Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.

Trước nhu cầu phát triển của loài chó quý nhằm phục vụ cho ngành du lịch ở "biển đảo" và bảo tồn chó xoáy, ông Tuấn đang xây thêm trang trại rộng 8 ha cũng ở xã Cửa Dương. Theo chủ nhân, trang trại này chuẩn bị đưa vào hoạt động, quy mô nuôi ban đầu là 500 con, sau đó phát triển lên 1.500 vào giai đoạn 2.

"Tôi đang nhờ các công ty chuyên về tư vấn để thiết kế nghĩa trang chó rộng 3.000 m2 tại trang trại mới. Việc làm này sao cho không phản cảm, đảm bảo vệ sinh môi trường và thể hiện sự nhân văn. Nghĩa trang chó trong tương lai sẽ được quy hoạch giống như một công viên cây xanh", ông Tuấn nói.

Chó H'Mong, Phú Quốc thi tài ở Hà Nội

Những chú chó đến từ vùng núi phía Bắc và cực Nam tổ quốc thi tài và đọ dáng tại cuộc thi chó bản địa lần thứ 3 được tổ chức ngày 30/3.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm