Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia đất ở Phú Quốc sống tạm trong nhà của mình

Từng có nhiều mẫu đất ven biển Phú Quốc nhưng không ít cư dân ở "đảo ngọc" phải hết để trả nợ. Họ chưa biết cả gia đình sẽ bị chủ mới đuổi đi lúc nào.

Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đang trở thành "đại công trường" của hàng loạt dự án phục vụ cho du lịch. 

Không ít ngư dân và nhà vườn từng sở hữu nhiều mẫu đất ở "đảo ngọc" đang tiếc nuối vì không còn tài sản hoặc buộc lòng phải bán nhà trả nợ sau nhiều năm nhập cư từ đất liền.

1
Ông Năm Bền cho biết, sau khi bán hết đất mà không đủ tiền trả nợ thì vợ cũng bỏ ông mà đi. Ảnh: Việt Tường.

Vào buổi chiều, tại xã Hàm Ninh, ông Nguyễn Văn Bền (Năm Bền, ngụ tổ 4, ấp Bãi Vòng) chỉ biết ngồi uống rượu một mình vì bị vợ bỏ. Đứa con gái 6 tuổi của hai người đã theo mẹ về đất liền ở thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) khiến người đàn ông nợ nần suy sụp tinh thần.

Từng có gần 3 ha đất nuôi tôm ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Năm 1990, ông Bền theo người họ hàng vượt biển qua Phú Quốc lập nghiệp. 

Tại đây, ông gặp được cô gái quê Hậu Giang ra đảo làm thuê. Hơn mười năm trước, họ cưới nhau khi ông Bền "khẩn hoang" được gần 1 ha đất cách bãi biển khoảng 500 m.

"Bảy năm trước, thấy đất bắt đầu sốt giá nên tôi bán 5.000 m2 được 350 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng tôi về Đầm Dơi mua thêm 2,5 ha đất để mở rộng diện tích nuôi tôm. Không ngờ chỉ vài năm nuôi tôm thua lỗ, tôi phải bán hết đất ở Cà Mau để trả nợ nhưng vẫn không đủ", ông Bền nói.

Trở ra Phú Quốc khi con gái được 5 tuổi, vợ chồng ông bị những người cho vay tiền ở đảo đòi nợ vì nhiều năm không trả lãi cầm cố 5.000 m2 đất còn lại ở Bãi Vòng. Nửa năm trước, người đàn ông 47 tuổi quyết định bán hết tài sản gồm nhà và đất, được gần 1,2 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ trả nợ.

"Người mua đất đến nhà trả tiền thì chủ nợ cũng đi theo để nhận 'sang tay'. Giờ đây tôi không còn tài sản nào bán nhưng còn nợ bạn bè hơn 100 triệu đồng. Sau khi bị vợ bỏ, tôi đi làm thợ hồ kiếm sống qua ngày và đang phải 'ở đậu' trong ngôi nhà do chính tay mình cất lên ngày nào", ông nói trong nước mắt.

1
Ông Ba An chỉ tay về mẫu đất rộng 1,7 ha, được ngư dân này bán cho người hàng xóm để lấy 5 chỉ vàng. Ảnh: Việt Tường.

Ngược hướng về thị trấn Dương Đông, phóng viên gặp ông Ba An gần đường xuống bến tàu cao tốc khi ngư dân 62 tuổi này vừa đi biển về. Ông cũng là người nhập cư, quê thị xã Hà Tiên, Kiên Giang.

Ông cho biết, hơn 30 năm trước, cha mẹ đưa cả gia đình sang Phú Quốc lập nghiệp, "khẩn hoang" được gần 2 ha đất ven biển xã Hàm Ninh. Sau khi đấng sinh thành qua đời, ông bán cho láng giềng Nguyễn Ngọc Thành 1,7 ha để lấy 5 chỉ vàng.

"Gần 15 năm trước, tôi bán đất lúc giá vàng khoảng 510.000 đồng/chỉ. Có được ít vốn, vợ chồng tôi mua ghe máy chạy ra gần Hòn Thơm để khai thác hải sản. 5 năm trước tôi quay lại Phú Quốc cất nhà ở tạm ven bìa rừng và bán nền nhà còn lại được 5 triệu đồng vì đất không có giấy tờ", ông An kể.

Những năm lặn biển ông An từng gặp nạn khi bơi xuống vùng nước quá sâu. Lúc trồi lên mặt biển, hai chân ông tê cứng. Dù cố gắng chữa trị nhưng giờ đây người đàn ông phải chịu cảnh "cà nhắc" một chân.

Mất sức lao động, hàng ngày ông An vác khoảng 20 kg ngư cụ xuống ghe nhỏ, chạy máy ra biển để thả lưới bắt được khoảng 7 kg ghẹ. Với giá bán 80.000 đồng/kg ghẹ, sau khi trừ tiền dầu khoảng 70.000 đồng, mỗi ngày người đàn ông này bỏ túi gần 500.000 đồng.

"Nhiều người thấy tôi trước đây có nhiều đất ven biển, giờ bán hết nên tưởng tôi là tỷ phú nhưng tôi chưa lần nào cầm trong tay quá 10 triệu. Nhà với đất đang ở hiện nay đã nằm trong quy hoạch làm sân golf. Nhà đầu tư vừa kiểm kê tài sản của tôi, thông báo sẽ bồi thường 60 triệu đồng nên không biết cả gia đình sẽ bị 'đuổi' ra khỏi nhà lúc nào", ông An chia sẻ.

3
"Nhiều người thấy tôi từng có nhiều đất và đã bán hết nên tưởng tôi là tỷ phú. Thật ra, từ nhỏ đến giờ tôi chưa lần nào cầm được trên 10 triệu đồng", ông An nói. Ảnh: Việt Tường.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thành Châu - Trưởng ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh cho biết, ở tổ 4 còn có ông Nguyễn Văn Mành từng sở hữu nhiều đất. Người đàn ông gần 70 tuổi này quê Cà Mau, sang Phú Quốc lập nghiệp 15 năm trước.

Khi Phú Quốc bắt đầu sốt giá đất, ông Mành bán một ít tài sản quay về đất liền nuôi tôm nhưng thua lỗ. Trở lại Phú Quốc hai năm trước, ông Mành bán phần đất còn lại để lấy tiền lên núi cất nhà.

Theo ông Châu, dù đã ra Phú Quốc lập nghiệp 15 năm nhưng ông chưa gặp ai bán đất vài chục tỷ đồng rồi tiêu xài hoang phí đến hết. 

"Những hộ nhiều đất nhưng bán lúc giá còn rẻ thì cầm trong tay cao nhất cũng khoảng 500 đến 600 triệu đồng. Có tiền, họ quay về đất liền làm ăn và thua lỗ thì lại ra đảo mưu sinh", ông Châu cho hay.

Những tỷ phú hết tiền ở Phú Quốc

Cơn sốt đất đai dai dẳng khiến nhiều gia đình nông dân trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bỗng chốc thành tỷ phú, nhưng cuộc sống giàu sang chỉ đến với họ thoáng qua như một giấc mơ.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm