Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đất vàng Hà Nội: Nhà máy nhường chỗ chung cư ở nội đô

Có khu đất vàng theo quy hoạch để xây trường học, nhưng trên thực tế đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành các tòa chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê…

Hàng loạt khu đất vàng Hà Nội sau khi thực hiện chủ trương di dời nhà máy ra khỏi nội đô đã nhanh chóng bị các đại gia bất động sản thâu tóm xây trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, chung cư cao cấp trong khi, không ít điểm theo quy hoạch ban đầu, đất được dùng để xây trường học.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy bánh kẹo Tràng An

dat vang o thu do anh 1
Khu đất để xây dựng dự án chung cư cao cấp rộng 2,6 ha trước đây là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An. 

Đầu năm 2015, thị trường bất động sản đón nhận thông tin thêm 1 dự án chung cư cao cấp gia nhập thị trường. Dự án có vị trí nằm trên đường Phùng Chí Kiên, cách đường Hoàng Quốc Việt khoảng 100m.

Đây là khu vực có dân trí cao, cơ sở hạ tầng, tiện ích đầy đủ, đặc biệt là nút giao thông Bưởi –Hoàng Quốc Việt đang được mở rộng theo quy hoạch, kết nối ra sân bay Nội Bài và khu trung tâm tiện lợi.

Khu đất để xây dựng dự án rộng 2,6 ha trước đây là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An.

GP Invest đã hợp tác với chủ đất di chuyển nhà máy bánh kẹo Tràng An tới cơ sở sản xuất mới tại huyện Quốc Oai, để chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nhà máy sang Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng.

Trong tổng số 2,6ha, GP Invest dành 3.000m2 để xây dựng một trường học còn lại khoảng 2,3 ha là đất phát triển dự án gồm 3 tòa nhà cao tầng, trong đó có 2 tòa chung cư cao cấp cao 28 tầng và 23 tầng với tổng số khoảng 800 căn hộ cao cấp. Ngoài ra dự án còn được bố trí một tòa tổ hợp thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê 14 tầng.

Công trình khởi công vào tháng 1/2015 và dự kiến hoàn thành bàn giao nhà vào quý 1/2017.

Âm thầm thâu tóm đất Nhà máy Bia Rượu Hà Nội

dat vang o thu do anh 2
Rộ tin đồn Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã thâu tóm khu đất vàng ở 94 Lò Đúc trước đây là Công ty rượu Hà Nội. Ảnh: Halico.com 

Từ nhiều năm qua, theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, một phần khu đất tại Nhà máy rượu Hà Nội (94 Lò Đúc) được sử dụng để xây dựng trường học.

Lô đất tại Nhà máy Rượu Hà Nội có tổng diện tích là 7.657 m2, bao gồm hai khu đất riêng biệt nằm cạnh nhau từng được thành phố tính dùng để “đền bù” cho chủ đầu tư dự án khách sạn SAS trong công viên Thống Nhất, sau khi dự án này bị huỷ bỏ.

Tuy nhiên, khi đó doanh nghiệp này cho rằng, diện tích khu đất này nhỏ hơn khu đất cũ tại 295 Lê Duẩn (10.133 m2), nên sau đó các bên liên quan đã thống nhất dời dự án này lên khu Mễ Trì, thuộc huyện Từ Liêm.

Với chủ trương xây trường học, mặt bằng sạch đã được chuẩn bị từ vài năm nay, nhưng khu đất này vẫn chỉ là những bãi um tùm cây cối được quây tôn kín mít khiến dư luận nghi ngờ có doanh nghiệp nào đó đang có ý định “thôn tính” khu vực “đất vàng” này.

Năm 2013, tại Văn bản số 69 gửi UBND Thành phố, chủ đầu tư dự án này đề nghị Thành phố hoàn trả lại phần tiền đền bù, hỗ trợ di chuyển, giải phóng mặt bằng tương ứng với phần diện tích đất xây dựng trường học trước khi thực hiện thu hồi đất, giao đất cho quận Hai Bà Trưng.

Chủ đầu tư cũng đề nghị Thành phố trả lại phần tiền cho công tác chuẩn bị đầu tư như khảo sát, đo đạc, quy hoạch tổng mặt bằng… Ngoài ra, chủ đầu tư còn đề nghị hoán đổi vị trí 2 ô đất xây trường học và xây khách sạn.

Không lâu sau đó, rộ tin đồn tập đoàn Tân Hoàng Minh đã sở hữu dự án tại nhà máy rượu Hà Nội (cũ), phố Lò Đúc, rộng đến 26.700m2, bổ sung vào danh mục loạt dự án đất vàng nội đô của công ty này.

Hiện thông tin về thương vụ này vẫn là ẩn số, nhưng có một điều chắc chắn sẽ không có trường học nào được xây dựng trên khu đất vàng trên như quy hoạch ban đầu của thành phố nữa.

Cùng chung số phận, khu đất Nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại số 67 phố Ngô Thì Nhậm cũng từng được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng với một ô đất 4.000 m2 để đầu tư xây dựng trường tiểu học Ngô Thì Nhậm. Ngoài ra, phần đất thu hồi sẽ được dùng để dùng làm công trình sân vườn trường mẫu giáo Chim Non và đường Thi Sách kéo dài.

Trên thực tế, nơi đây trở thành Trung tâm thương mại và Văn phòng giao dịch với diện tích mặt sàn lên tới 8.629,0 m2. Hiện chưa có nhiều thông tin về dự án này cũng như chủ sở hữu của nó, nhưng rõ ràng hiện tại đã khác xa với quy hoạch ban đầu của Hà Nội.

Bơm tiền mua đất nhà máy Dệt Minh Khai

dat vang o thu do anh 3
Đến năm 2018, khu đất trước đây là Nhà máy Dệt Minh Khai sẽ trở thành cụm nhà ở hỗn hợp chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê. Ảnh: HBI 

Kinh doanh nhiều năm thua lỗ, nợ tiền thuê đất hàng chục tỷ đồng, Nhà máy Dệt Minh Khai được định giá vào khoảng 59 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2013). Tuy nhiên, 1,6 triệu cổ phần của Dệt Minh Khai được đấu giá vào 23/1/2015 với mức giá cao ngất lên tới 72.000 đồng/cp - cao gấp gần 7 lần so với giá khởi điểm.

Nhìn vào hoạt động kinh doanh của Dệt Minh Khai thì không có gì nổi bật để các nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn và chấp nhận mua cổ phần với mức giá cao như vậy.

Tuy nhiên, Dệt Minh Khai lại đang quản lý và sử dụng một quỹ đất khá lớn khoảng 3,8ha (đất nhà máy Dệt Minh Khai) tại vị trí được xem là “đất vàng” Thủ đô tại số 423 đường Minh Khai quận Hai Bà Trưng, HN.

Năm 2010, trên thị trường địa ốc cũng đã rộ lên thông tin Vinaconex liên doanh với Dệt Minh Khai triển khai đầu tư xây dựng 5 toà nhà chung cư và 2 toà văn phòng cho thuê với chiều cao 17 đến 23 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 133.145m2 (không bao gồm tầng hầm, tầng kỹ thuật). Tổng mức đầu tư dự kiến 1.774 tỷ đồng.

Nhưng một năm trở lại đây, Công ty cổ phần HBI - công ty con của đơn vị phát triển dự án MIK đã bất ngờ bơm tổng số vốn hơn 1700 tỷ đồng liên doanh với Dệt Minh Khai để triển khai đầu tư xây dựng cụm nhà ở hỗn hợp chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê ở đây, quy mô bao gồm 4 tòa tháp cao 28 tầng và 3 tầng hầm.

Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào quý 4/2018.

Cận cảnh những khu đất vàng nhiều truân chuyên ở Sài Gòn

Được mệnh danh là đất vàng, nhưng nhiều khu đất ở trung tâm TP HCM lại gặp lắm truân chuyên. Thay vì hình thành các dự án như kế hoạch, nhiều nơi được trưng dụng làm bãi gửi xe.




Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm