Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai sở hữu nhiều đất vàng nhất Sài Gòn?

"Bộ sưu tập đất vàng" của mình được một số ít DN có tiềm lực tài chính thực hiện thông qua mua bán sáp nhập, cũng như tham gia chương trình đấu giá của TP HCM.

Đất vàng ở trung tâm TP HCM luôn là lực hấp dẫn cuốn các nhà đầu tư tìm cách sở hữu. Ảnh: Lê Quân

Năm 2016 được giới chuyên gia đánh giá tiếp tục là thời điểm thuận lợi cho ngành địa ốc. Theo thông tin từ Sở Tài Nguyên môi trường TP HCM, trong năm nay TP HCM sẽ tổ chức đấu giá 23 khu đất vàng. Như vậy trung bình mỗi tháng thành phố sẽ phải tổ chức 2 thương vụ đấu giá.

Tuy nhiên, hấp lực từ các khu đất vàng này khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể cưỡng lại. Thực tế trong những năm gần đây, không ít doanh nghiệp ra sức thu gom đất vàng để thực hiện dự án.

Những cái tên quen

Thông qua các động thái mua bán, chuyển nhượng trong những năm qua có thể thấy được "bộ sưu tập" đất vàng trung tâm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngoài Times Square, doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát hiện đang nắm trực tiếp hoặc gián tiếp nhiều cao ốc ở những vị trí đắc địa nhất của khu trung tâm thành phố dọc theo phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Thương vụ mua lại Vincom Center A với giá trị chuyển nhượng công bố gần 10.000 tỷ đồng, sau đó đổi tên thành Union Square cũng được cho ít nhiều có liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Dai gia so huu dat vang trung tam Sai Gon anh 1
Vạn Thịnh Phát đang sở hữu nhiều khu đất vàng dọc tuyến phố đi bộ. Ảnh: VOV

Mới đây, sau khi UBND TP HCM kêu gọi đầu tư vào khu đất của bến Bạch Đằng thì Vạn Thịnh Phát là đơn vị đầu tiên gửi văn bản xin tham gia cùng với đề án quy hoạch chi tiết. Trước đó, giữa năm 2015, tập đoàn này cũng có văn bản xin phép về chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Ngô Đức Kế - Nguyễn Huệ - Huỳnh Thúc Kháng – Hồ Tùng Mậu.

Nếu chủ trương được thông qua thì đây sẽ là một trung tâm thương mại có quy mô lớn. Nhưng những dự án trên chỉ là điểm lại những khu đất vàng trong lõi trung tâm, bên cạnh những khu đất có vị trí đắc địa ở các quận lân cận mà tập đoàn này đầu tư.

Tập đoàn Bitexco cũng là một trong những đơn vị phát triển dự án trên đất vàng nhiều nhất ở TP HCM.

Đến nay, ngoài tòa tháp mang tính biểu tượng Bitexco Financial, tập đoàn này đang được cấp phép đầu tư rất nhiều dự án đất vàng. Có thể kể đến dự án The One nằm đối diện chợ Bến Thành, dự án đầu tư khu đất bệnh viện Sài Gòn cũng ở vị trí lân cận Bến Thành cùng Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh rộng 600.000 m2.

Hầu hết các dự án này đều trúng thầu vào những năm 2007 – 2008, thời điểm đầu tiên TP HCM đưa ra chương trình đấu giá các khu đất vàng ở trung tâm.

 Nếu Bitexco là một thế lực của các đợt đấu giá đầu, thì Novaland là một đơn vị có được nhiều vị trí đầu tư đẹp thông quá mua bán sáp nhập gần đây. Đây là công ty liên tục thâu tóm các mảnh đất có vị trí tốt ở quận 4, cũng là đơn vị từng hợp tác đầu tư với Công ty Bia rượu Sài Gòn (Sabeco) để phát triển dự án phức hợp tại mảng đất vàng trên đường Hai Bà Trưng.

Với tiềm lực tài chính mạnh cộng kinh nghiệm, Novaland được cho là một trong những đơn vị có tiềm năng nhất tham gia các cuộc đấu giá cao cấp sắp tới. Động thái mới nhất khi công ty con của Novaland là Công ty CP Nova Bắc Nam 79, có văn bản xin đầu tư vào khu đất vàng 164 Đồng Khởi, sau khi các nhà đầu tư ngoại rút lui.

Dai gia so huu dat vang trung tam Sai Gon anh 2
Nhà đầu tư ngoại chọn các dự án đã hoàn thiện, đang sinh lợi tốt ở khu trung tâm bằng phương thức mua bán. Ảnh: CBRE

Một đại gia phía Bắc là tập đoàn BRG của “nữ tướng” Nguyễn Thị Nga, với những thương vụ thâu tóm ấn tượng trong năm qua, cũng được xem là đơn vị có bộ sưu tập đất vàng quy mô ở TP HCM.

Năm 2014, cổ đông chính của BRG là Công ty Bất động sản Phú Cường, đã thâu tóm thành công 38,69% cổ phần của Công ty In Trần Phú, một doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu hơn 19.200 m2 diện tích đất tại nhiều quận trung tâm của TP HCM.

Nhà đầu tư ngoại "ăn chắc" với dự án sinh lời

Tiềm lực tài chính lớn nên rất nhiều nhà đầu tư ngoại luôn có tên trong cuộc đua sở hữu đất vàng, trong đó, khá nhiều cái tên đáng chú ý đến từ Hàn Quốc.

Đơn cử như khu vực “tam giác vàng” Nguyễn Thái Học sau 3 lần đổi chủ, đến nay liên danh công ty xây dựng Jimiro (Hàn Quốc) được cấp phép đầu tư. Khu đất này là một trong những khu đất đẹp và có giá trị hàng đầu trong các khu đất vàng được công khai đấu giá với diện tích 13.110 m2.

Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng liên tục thâu tóm đất vàng khi đã thay thế người đồng hương Posco, để trở thành đối tác nước ngoài trong liên doanh sở hữu tòa nhà trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp Diamond Plaza, với tỉ lệ sở hữu 70%.

Trước đó tập đoàn này cũng thâu tóm thành công khách sạn Legend ở đường Tôn Đức Thắng.

Chưa thể liệt kê đầy đủ về những đơn vị được cấp phép đầu tư vào các khu đất vàng trung tâm TP HCM. Dù giá trị rất lớn nhưng việc sở hữu đất vàng luôn là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, để thỏa mãn những điều kiện tối ưu phát triển dự án không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, với các dự án đất vàng đã đấu giá thành công, nếu chủ đầu tư không chịu nhiều áp lực về vốn vay thì họ có thể kéo dài để chờ đợi một mức giá tốt nhất, nhất là khi dự án Metro Bến Thành- Suối Tiên chuẩn bị đi vào hoạt động.

 

Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm