Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chạy đua đầu tư vào đất vàng bến Bạch Đằng ở Sài Gòn

Sau chủ trương xã hội hóa khai thác cảng Bạch Đằng của UBND TP HCM, nhiều đại gia địa ốc bắt đầu vào cuộc đua đổ vốn đầu tư khu đất vàng này.

Cuối tháng 5/2016, TP HCM kêu gọi đầu tư dự án quy hoạch khai thác phát triển Khu công viên cảng Bạch Đằng theo hình thức xã hội. Ngay sau động thái này, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát đề xuất xem xét việc giao cho tập đoàn này được nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp.

Tuy nhiên đến nay lại có thêm Công ty TNHH đầu tư A&B gửi văn bản xin tham gia đầu tư tại bến Bạch Đằng. Sự xuất hiện của đơn vị này đã khởi động cho cuộc đua đầu tư vào khu đất vàng này.

Gianh nhau dau tu vao ben Bach Dang, anh 1
Bến Bạch Đằng đang là khu đất vàng thu hút nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Thế Dương

Được biết, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan đang sở hữu hàng loạt đất vàng dọc tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ (các tòa nhà Times Square và Union Squera) và tứ giác Ngô Đức Kế. Vì vậy, việc mong muốn đầu tư vào bến Bạch Đằng như là để hoàn tất “bộ sưu tập đất vàng” ở vùng lõi trung tâm TP HCM.

Đây là đơn vị nhanh chân nhất trong việc đưa ra đề xuất cũng như bản báo cáo chi tiết để thực hiện.

Cụ thể, ngay sau khi TP HCM phát đi tín hiệu xã hội hóa đầu tư bến Bạch Đằng, Vạn Thịnh Phát đã lập tức đưa ra đề xuất và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu đất này với diện tích quy hoạch 17,08 ha, trong đó diện tích trên mặt đất chiếm 7,02 ha, diện tích mặt nước là 10,06 ha. Dự án bao gồm các chức năng như: công viên, trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm, hệ thống giao thông kết nối ngoại vi, bến tàu, bến du thuyền du lịch đường sông...

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Công ty TNHH Đầu tư A&B cũng chính thức lên tiếng về việc muốn tham gia đầu tư vào bến Bạch Đằng. Mới đây, đơn vị này gửi văn bản lên Bí thư Thành Ủy TP HCM Đinh La Thăng, đề nghị được tham gia đầu tư cải tạo Dự án Công viên Bạch Đằng.

Doanh nghiệp này phân trần, từ năm 2014 đã chủ động gửi văn bản lên UBND TP HCM xin được đầu tư cải tạo lại toàn bộ công viên, và đã đề xuất Tổng công ty Saigon Tourist (được thành phố giao chủ trương đầu tư Công viên Bạch Đằng) cùng tham gia (do Saigon Tourist là đối tác tham gia trong liên doanh xây dựng và đầu tư dự án tòa nhà A&B Tower).

Tuy nhiên, quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch đã gặp một số khó khăn, do điều chỉnh các hạng mục. Bản vẽ phải điều chỉnh nhiều lần, đến tháng 4/2015 thì  thực hiện xong việc bổ sung hồ sơ, và đang chờ Sở quy hoạch Kiến trúc TP HCM trình báo cáo UBND TP HCM phê duyệt.

Với việc A&B và Saigon Tourist đã bỏ ra công sức và chi phí tư vấn thiết kế, cũng như tâm huyết theo đuổi dự án từ đầu, nên công ty mong muốn được tiếp tục triển khai dự án này.

Theo Công ty A&B, hiện thành phố có chủ trương giao lại cho UBND quận 1 là đơn vị chủ trì quản lý Công viên cảng Bạch Đằng để kêu gọi đầu tư.

Nếu Vạn Thịnh Phát của đại gia Trương Mỹ Lan được biết đến là gia tộc giàu có ở Việt Nam thì ông Hà Văn An, chủ A&B Tower cũng là người có tài sản khổng lồ. Cả hai đại gia này đều khá kín tiếng nên những quyết định đầu tư luôn khiến nhiều người bất ngờ.

Ông Hà Văn An là cổ đông sáng lập A&B Corporation với 85% vốn góp. Mặc dù vốn điều lệ của A&B chỉ vẻn vẹn 25 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này luôn được xem là một đại gia bất động sản du lịch, chuyên đầu tư và quản lý kinh doanh các cao ốc văn phòng, khách sạn, resort 5 sao. Nổi bật là một số công trình như Tòa nhà A&B Tower (quận 1), Resort Anantara 5 sao Mũi Né, Resort 5 sao Móng Tay ở Phú Quốc, tổ hợp khách sạn A&B Saigon 36 tầng tại Nha Trang.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm