Đặt tên đường người đầu tiên vẽ bản đồ Hoàng Sa
UBND TP.Đà Nẵng sẽ trình "Đề án đặt, đổi tên đường đợt 1 năm 2013" tại kỳ họp thứ 7 HĐND sắp tới, trong đó có tên người đầu tiên vẽ bản đồ về Hoàng Sa từ cách đây hơn 300 năm.
Người đầu tiên vẽ bản đồ về Hoàng Sa
Đó là ông Đỗ Bá (còn có tên gọi khác là Đỗ Bá Công hay Đỗ Bá Công Đạo) quê ở xã Bích Triều, huyện Thanh Mai (nay là xã Bích Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An), sống vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII.
TP Đà Nẵng đã đặt tên đường Hoàng Sa và nay tiếp tục đặt tên đường cho ông Đỗ Bá, người đầu tiên vẽ bản đồ về Hoàng Sa, khẳng định quần đảo này là của Việt Nam từ cách đây hơn 300 năm. |
Theo đề án đặt, đổi tên đường đợt 1 năm 2013 của UBND TP.Đà Nẵng, đầu năm 1672, niên hiệu Dương Đức đời vua Lê Gia Tông, ông Đỗ Bá thi đậu Giám sinh, sau được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan Triều Nam.
Làm quan được một thời gian, vào khoảng năm Chính Hoà (1680 - 1705), ông Đỗ Bá từ quan, giả dạng người buôn trên sông Lam, vượt vùng biển Thuận Quảng (nay là dải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên) qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp xem xét núi sông, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra Bắc hiến kế Nam chinh mở rộng biên cương.
Chúa Trịnh (Trịnh Cán) rất mừng, mang bản đồ cất đi. Sau đó lại trưng dụng ông Đỗ Bá soạn vẽ "Tứ chí lộ đồ" hay còn gọi là bộ sách "Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư". Trong sách này có ghi chép và vẽ bản đồ về Bãi Cát Vàng (tức đảo Hoàng Sa) và khẳng định đảo này thuộc về Đại Việt.
Đây cũng là sách ghi chép và bản đồ đầu tiên khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Trong đề án đặt, đổi tên đường đợt 1 năm 2013, UBND TP Đà Nẵng đề nghị đặt tên ông Đỗ Bá cho đoạn đường thuộc quận Ngũ Hành Sơn, có chiều dài 340m, rộng 10,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m, điểm đầu là đường Trường Sa và điểm cuối là đường Lê Quang Đạo.
Thầy giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong đề án này, UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị đặt tên đường cho người từng có học trò mà về sau nhiều người đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị, nhà yêu nước nổi tiếng như Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh), Giáo sư Lê Thước, Lê Đình Thám, Trần Đình Nam, Võ Liêm Sơn, Lê Đình Dương, Lê Văn Kỷ, Phạm Phú Tiết...
Đó là ông Lê Văn Miến (1874 - 1943, có sách chép tên ông là Lê Huy Miến), quê ở làng Ông La, xã Kim Khê (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ông là nhà giáo, hoạ sĩ vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam, là người nổi tiếng thông minh, ham học hỏi cái mới.
Năm 1988, ông sang Pháp học tại Trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Paris. Sau khi tốt nghiệp, ông vào học ở CĐ Mỹ thuật Paris. Tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1895, nhưng ông Lê Văn Miến không ra làm quan với triều đình Huế mà ra Hà Nội làm hoạ sĩ trình bày, minh hoạ cho nhà in Schneider của Pháp.
Năm 1899, trường Pháp - Việt được thành lập tại Vinh (Nghệ An) và ông Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Ba năm sau, nhà soạn tuồng Đào Tấn đương chức Tổng đốc An - Tĩnh được triều đình cử giữ chức Thượng thư Bộ Công đã đưa ông Lê Văn Miến vào làm việc tại Bộ do mình phụ trách. Tại đây, ông đã vẽ hai bức tranh sơn dầu nổi tiếng, tiêu biểu được coi như sự mở đường, mở một lối vẽ, một cách sử dụng chất liệu cho nền hội hoạ hiện đại của nước ta.
Đó là bức "Bình văn" (còn có tên "Buổi học chữ Nho xưa") và bức "Chân dung Cụ tú Mền" (hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Trong đó, bức tranh "Bình văn" được coi là kiệt tác đầu tiên của nền hội hoạ Việt Nam hiện đại, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được chọn làm trang bìa của cuốn sách "100 hoạ sĩ Việt Nam thế kỷ XX".
Ông Lê Văn Miến còn là người thành lập Hoan Châu học Hội năm 1905. Từ năm 1907 - 1914, ông được triệu về Huế và dạy tại các trường Quốc Học, trường Hậu bổ và Quốc Tử giám. Năm 1921, ông được cử giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) trường Quốc Từ giám và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu năm 1929.
Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước, ông Lê Văn Miến đã có nhiều học trò mà sau này nhiều người trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị, nhà yêu nước nổi tiếng như đã nêu trên. Bức hoành phi "Thế gian sư" (Thầy học của thiên hạ) trong nhà thờ họ Lê do các thế hệ học sinh kính tặng đã khẳng định tài năng, nhân cách và công lao của ông.
Nay tên của ông Lê Văn Miến được UBND TP Đà Nẵng đề nghị đặt cho đoạn đường trong khu dân cư Vạn Tường (quận Liên Chiểu), có chiều dài 850m, rộng 5,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m, có điểm đầu là đường Phan Văn Trường (đường dự kiến đặt tên đợt này) và điểm cuối là đường Trần Đình Tri.
Trong 131 tuyến đường được UBND TP Đà Nẵng đề nghị đặt, đổi tên trong đợt này còn có tên nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà văn hoá nổi tiếng như Phan Khôi (1887 - 1959, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam); Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam; Hoàng Châu Ký (1921 - 2008, quê ở Hội An, Quảng Nam); Tế Hanh (1921 - 2009, quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi); Thu Bồn (1935 - 2003, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam); Dương Bá Cung (1795 - 1868, quê ở Thường Tín, Hà Nội)...
Hải Châu
Theo Infonet