Một ngày nọ, khi đang lướt mạng xã hội, đập vào mắt Shikha Neupane - cây bút nổi tiếng của Nepal Press - là hình ảnh Hoa hậu Hoàn vũ Nepal 2020 Anshika Sharma diện trang phục giống dân leo núi.
Hoa hậu mặc áo phao trắng kết hợp quần cùng chất liệu, mang giày boots, đeo khẩu trang và găng tay màu xám trong vòng thi trang phục dân tộc ở Miss Universe. Hình ảnh này khác hoàn toàn những đại diện tiền nhiệm.
Nhà báo thấy có nhiều bình luận khen Anshika. Tuy nhiên, khi xem kỹ video, cô nhận ra Sharma tỏ ra gượng gạo, không thoải mái trong lúc di chuyển khỏi camera. "Điều này hơi lạ đối với hoa hậu - người vốn đại diện cho sự tự tin", Shikha phát biểu.
Hoa hậu Hoàn vũ Nepal Anshika Sharma trong vòng thi trang phục dân tộc ở Miss Universe 2021. Ảnh: Yahoo. |
Năm đó, người hâm mộ khen trang phục đặc biệt đã giúp Anshika tôn vinh những ngọn núi của Nepal và người Sherpa ở Nepal. Tuy nhiên, số khác chỉ trích cô xúc phạm nền văn hóa Sherpa khi cố gắng đại diện cho họ mà không hiểu gì về lịch sử.
Đây không phải lần đầu Shikha chứng kiến hoa hậu ở Nepal vấp tranh cãi lớn từ chính người dân nước mình. Theo dõi cuộc thi từ năm 2003, Shikha thưởng thức qua nhiều mùa hoa hậu, và không ngờ rằng khi lớn, cô đã trở thành người làm sáng tỏ cách ngành công nghiệp sắc đẹp đã hạ thấp sự tự tin và nhuệ khí của phụ nữ Nepal như thế nào.
Tranh cãi việc tổ chức thi hoa hậu
Theo thống kê, Nepal có không dưới 10 cuộc thi hoa hậu với những tiêu chí khác nhau. Họ có riêng cuộc thi cho người đồng tính và cả động vật. Nhìn chung, thị trường sắc đẹp trong nước khá sôi động.
Năm 1997, quốc gia Nam Á bắt đầu cử thí sinh tham gia 4 cuộc thi Miss Universe, Miss World, Miss International và Miss Earth. Nhưng vì không phải cái tên mạnh trong lĩnh vực sắc đẹp, việc các đại diện Nepal ra về tay trắng là dễ hiểu.
Tính đến nay, Manita Devkota là đại diện Nepal có thành tích tốt nhất Miss Universe (top 10 năm 2018). Ở Miss World, top 10 cũng là danh hiệu cao nhất. Danh sách top 8 Miss Earth từng gọi tên Nepal. Nhưng tại Miss International, may mắn vẫn chưa mỉm cười.
Nghiên cứu trên ResearchGate cho thấy nhiều người ủng hộ việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu tại Nepal vì họ tin tưởng phụ nữ sẽ được trao quyền. Cuộc thi sẽ càng có giá trị khi trao quyền cho những phụ nữ kêu gọi lợi ích cho vùng nông thôn nghèo, thúc đẩy xã hội phát triển.
Tuy nhiên, không ít ý kiến nhìn nhận việc này không nên vì góp phần quảng bá hình ảnh phụ nữ một cách phản cảm, khiến người khác hiểu sai mục đích và giá trị của phụ nữ Nepal.
Dikshya Risal, cô gái đăng quang Hoa hậu Thế giới Tuổi teen Nepal 2021. Ảnh: NL Today. |
Trong cuộc tranh luận này, Dikshya Risal - Hoa hậu Thế giới tuổi teen Nepal 2021 - đồng ý rằng thực tế một số cuộc thi sắc đẹp đã và đang được tổ chức vì mục đích thương mại, không mang lại lợi ích cho thí sinh.
"Đối với tôi, vẻ đẹp không nằm ở vẻ ngoài, mà đến từ những nghĩa cử cao đẹp từ bên trong. Tôi tin những gì bạn làm là đại diện cho trái tim và tâm hồn bạn. Tôi tin vẻ đẹp là tất cả về tình yêu, sự khiêm tốn, sự tôn trọng và nhân văn. Nhưng không phải cuộc thi nào cũng tôn vinh điều đó", Dikshya chia sẻ.
Năm 2019, làn sóng tẩy chay Hoa hậu Nepal nổ ra khi cuộc thi không tập trung vào vẻ đẹp chân thật của thí sinh. Ban giám khảo bị cho là soi xét ngoại hình quá mức, ngay cả khi thí sinh đeo kính cận (thay vì kính áp tròng) cũng phải nhận những góp ý thiếu tích cực.
Khán giả theo dõi cuộc thi chỉ trích ban tổ chức Hoa hậu Nepal quá lạm dụng những mánh lới quảng cáo tiếp thị và bỏ qua những giá trị thật của phụ nữ.
Hồi tháng 5, Online Khabar đăng bài viết chỉ trích quan điểm của nhiều người Nepal khi cho rằng ngoại hình nói lên giá trị của con người trong xã hội. Điều này vô hình trung khiến phụ nữ cảm thấy áp lực, từ đó tự đặt tiêu chuẩn vẻ đẹp mà họ phải phấn đấu.
Tờ báo cho rằng phụ nữ Nepal mãi chạy theo tiêu chuẩn nhan sắc mà bỏ bê việc yêu thương bản thân. Khi đăng quang, họ vẫn có khả năng bị body shaming nếu tăng hoặc giảm cân đáng kể so với thời điểm nhận vương miện.
Scandal rúng động giới hoa hậu Nepal
Năm 2014, ngành công nghiệp hoa hậu Nepal chấn động trước thông tin cô gái 16 tuổi tên Sushmita bị Manoj Pandey, trưởng ban tổ chức cuộc thi sắc đẹp, lạm dụng tình dục sau khi chiến thắng ngôi vị Á hậu 1.
Theo lời kể, kết thúc đêm chung kết, ban tổ chức mở tiệc liên hoan. Pandey đã đánh thuốc mê và giở trò cưỡng hiếp Sushmita trong phòng khách sạn. Sau đó, người này chụp lại ảnh, quay video nhạy cảm và đe dọa sẽ tung chúng ra nếu cô có động thái chống đối.
Global Voices cho biết Manoj Pandey đã liên tục tống tiền và cưỡng hiếp nạn nhân trong 6 tháng. Sau nhiều lần bị ép lên giường, Sushmita suy sụp tinh thần, sức khỏe thể chất cũng sa sút. Hết lần này đến lần khác, Á hậu cố tự tử và phải dùng thuốc an thần liên tục.
"Bạn bè của gã này cũng xâm phạm cơ thể Sushmita. Cô kể còn nhiều đồng nghiệp trong ngành đã nảy sinh ý định thú tính với cô", nguồn tin cho biết.
Bên cạnh đó, Sushmita cũng tiết lộ cách cựu Hoa hậu Nepal Malvika Subba - người tự xưng là nhà hoạt động nữ quyền tích cực - từ chối yêu cầu lắng nghe và liên lạc của nạn nhân quấy rối tình dục.
Các nhà lập pháp ở Nepal yêu cầu cấm tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Ảnh: Khabarhub. |
Vụ việc trên đã thúc đẩy làn sóng #MeToo phát triển mạnh mẽ và được các nhà lập pháp ở Nepal lập luận trong đơn yêu cầu chính phủ cấm tổ chức thi hoa hậu tại quốc gia này, ngày 23/5.
Phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Phụ nữ và Các vấn đề xã hội của Hạ viện, nhà lập pháp Amrita Thapa của trung tâm Maoist CPN, nói rằng nhà nước sẽ không mất gì ngay cả khi những sự kiện tương tự bị cấm.
"Trước đây, tôi đã nói rằng chúng ta nên suy nghĩ nghiêm túc về các cuộc thi vô giá trị như vậy. Nếu nó không có lợi cho nhà nước, chúng ta nên ngăn chặn chúng", bà phát biểu.