Tôi vừa trở về sau chuyến đi thứ mười đến Triều Tiên. Dù quốc gia này vẫn đóng cửa với hầu như cả thế giới, trong chuyến đi này chúng tôi được tiếp cận với đời sống của những người dân thường ở một độ gần chưa từng có xưa nay.
Những người đàn ông và phụ nữ này được chúng tôi lựa chọn, dù người hướng dẫn từ chính quyền thường phải mất không ít công sức thuyết phục họ mở lòng với một hãng tin của Mỹ.
Phóng viên Will Ripley. Ảnh: CNN. |
Chúng tôi hỏi quan điểm của họ đối với việc Triều Tiên bị cô lập và những gánh nặng kinh tế của nước này cũng như thái độ của họ về tổng thống mới của nước Mỹ, ông Donald Trump.
Và dù họ thường phát biểu tương tự nhau, chúng tôi dần mở ra cánh cửa bước vào đời sống thực của họ.
Ở các quốc gia khác, điều này chẳng đáng kể, nhưng tại Triều Tiên, đây lại là điều hiếm có. Chưa bao giờ chúng tôi có phạm vi hoạt động rộng rãi dường này khi thực hiện phóng sự tại Triều Tiên, một trong những quốc gia bí ẩn nhất trên thế giới.
Những lần đầu tiên
Chuyến đi vừa qua chứa đầy những cột mốc. CNN tường thuật live (trực tiếp) trên Facebook lần đầu tiên từ chính những con phố của Bình Nhưỡng. Chương trình kéo dài 20 phút.
Lần đầu tiên tôi có thể trả lời trực tiếp những thắc mắc của khán giả ngay khi đang đứng tại quốc gia này. Chúng tôi được phép quay nhiều địa điểm với máy quay thực tế ảo, bao gồm quảng trường Kim Nhật Thành, các tiểu cảnh trang trí hoa Kimjongilia (loài hoa đặt theo tên cố lãnh đạo Kim Jong Il - PV), một trường cấp 2 cho trẻ mồ côi và một bệnh viện mắt mới mở.
Những đoạn quay thực tế ảo này sẽ được công bố vào thời gian tới và khán giả của CNN sẽ được trải nghiệm đời sống tại đây.
Một góc thủ đô Bình Nhưỡng, tòa nhà hình kim tự tháp cao nhất là khách sạn 105 tầng Ryugyong xây từ năm 1987 nhưng vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: CNN. |
Tôi cũng được quyền tùy ý đăng những bức ảnh và video này lên các phương tiện truyền thông như Instagram, Twitter và Facebook. Điều này thật sự lạ thường - theo chuẩn của Triều Tiên.
Có lẽ cuộc phỏng vấn có tính khai sáng nhất của chuyến đi này là buổi trò chuyện giữa tôi và nhà kinh tế học Triều Tiên, giáo sư Ri Gi Song.
Ông Ri cho biết những nghề yêu cầu thể lực trả lương cao gấp đôi so với các nghề "bàn giấy", dù ông không thể tiết lộ mức lương thực tế. Không ai ở đây kiếm được nhiều tiền theo tiêu chuẩn phương Tây, vì GDP bình quân đầu người của nước này chỉ nhỉnh hơn 1.000 USD. Triều Tiên nằm trong danh sách những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Hàng hiệu tại Bình Nhưỡng
Chúng tôi trải nghiệm một cảm giác siêu thực khi ghé qua một trung tâm thương mại bán quần áo và phụ kiện từ các thương hiệu cao cấp như Hermes, Versace, Gucci... Chúng tôi đến một quán cà-phê có món mocha giá 8 USD.
Nằm phía trên một trung tâm thương mại nhiều tầng khác bán thiết bị gia dụng và điện tử cao cấp là một khu ăn uống bán đủ mọi thứ từ các món Triều Tiên (rất phổ biến với dân địa phương) cho tới hamburger và khoai tây chiên kiểu Tây (không được ưa thích chút nào).
Tôi ngạc nhiên khi thấy hàng trăm người với thức ăn chất thành đống trên đĩa của họ, chứ không phải là hình ảnh một Triều Tiên “nghèo đói” đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người qua những phóng sự về nạn đói mới chỉ hai năm trước.
Các quân nhân lái xe Mercedes-Benz trên đường phố Bình Nhưỡng. Ảnh: CNN. |
Dĩ nhiên, đời sống ở Bình Nhưỡng không thể đại diện cho các khu vực còn lại ở Triều Tiên. Thủ đô rõ ràng là bộ mặt quốc gia và sử dụng tài nguyên nhiều nhất.
Trường cho trẻ mồ côi
Cũng như các chuyến đi khác, chúng tôi vẫn được sắp xếp để tham gia “những buổi tham quan” do nhà nước tổ chức.
Chúng tôi không yêu cầu đến những nơi này, tuy vậy, chúng tôi buộc phải thêm chúng vào lịch trình công tác. Trong một chuyến đi, chúng tôi đến thăm một trường cấp 2 mới toanh dành cho trẻ mồ côi tại Bình Nhưỡng. Cha mẹ của nhiều học sinh qua đời khi làm việc tại mỏ than, nhà máy và các doanh nghiệp nhà nước khác.
Ngồi xem khoảng 70 học sinh biểu diễn âm nhạc, lòng tôi chợt trào dâng nỗi buồn khi nghĩ đến việc chúng đã mất đi cha mẹ. Một số trẻ còn nhút nhát và im lặng nhưng vài đứa khác lại cười toe và có vẻ thực sự tò mò về những người ngoại quốc viếng thăm trường. Học sinh bắt buộc phải học tiếng Anh và một số em đã mạnh dạn nói vài từ.
Các học sinh tham gia một lớp học cưỡi ngựa. Ảnh: CNN. |
Rõ ràng là điều kiện sinh hoạt của những học sinh này tốt hơn nhiều so với hầu hết người dân Triều Tiên. Lãnh đạo tối cao Kim Jong Un được cho là đã đích thân thiết kế và kiểm định ngôi trường, nơi có một hồ bơi, phòng máy tính và máy phát điện riêng để đảm bảo nguồn điện và lò sưởi được duy trì liên tục.
Chúng tôi nghe kể rằng ông Kim ra lệnh cung cấp nhiều thức ăn và các vật dụng khác cho hơn 500 học sinh và tất cả đều xem ông Kim là cha mình. Chúng được nuôi dạy để trở thành những người trung thành với nhà nước. Những kỹ năng bọn trẻ đang học như lái xe, máy tính và nấu ăn sẽ trở thành công việc giúp chúng mưu sinh sau này.
Triều Tiên là câu chuyện thách thức nhất mà tôi từng viết trong 17 năm làm nghề báo. Ở quốc gia này, chẳng có gì là đơn giản, dễ dàng và thẳng thắn. Bạn phải luôn hoài nghi về những điều bạn thấy và trải nghiệm.
Không Internet, không điện thoại quốc tế
Tôi đến Triều Tiên 2 ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới.
Chúng tôi ở tại Yanggakdo, khách sạn nằm trên một cù lao giữa Bình Nhưỡng. Khi chúng tôi làm thủ tục nhận phòng, những hình ảnh của buổi phóng tên lửa được chiếu trên đài truyền hình quốc gia.
Vụ thử nghiệm này, một trong hàng chục vụ mà Triều Tiên đã thực hiện trong 3 năm qua, lên trang đầu các báo quốc tế chủ yếu vì đây là lần phóng tên lửa đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống tại Mỹ.
Thế giới biết đến vụ phóng tên lửa này chỉ sau vài giờ. Song người dân Triều Tiên chẳng hề hay biết về việc này cho đến khi thông báo chính thức được phát trên các kênh truyền thông nhà nước vào hôm sau.
Hình ảnh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành tại nông trại Jang Chon, cách trung tâm Bình Nhưỡng khoảng 30 phút lái xe. Ảnh: CNN. |
Thực hiện phóng sự tại Triều Tiên
Các quan chức chính phủ luôn đi cùng chúng tôi.
Họ không thích bị gọi là người giám sát và thường cư xử như thể họ là hướng dẫn viên du lịch, dù cuối cùng họ sẽ chịu trách nhiệm về những gì chúng tôi đưa vào phóng sự và cách chúng tôi hành xử tại nước này.
Họ không xem trước các video hay bản thảo, nhưng họ luôn đi cùng khi chúng tôi quay và chúng tôi phải qua nhiều bước để được phép quay tại các địa điểm chúng tôi ghé thăm.
Chúng tôi dành ra khoảng thời gian đáng kể tại khu vực nhộn nhịp nhất của Bình Nhưỡng nơi trước đây luôn cấm quay phim. Chúng tôi có thể chọn bất kỳ người nào để phỏng vấn.
- Will Ripley -
Phóng viên thường trú của CNN tại Tokyo, Nhật Bản