Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặt kỳ vọng vào tác giả trẻ viết cho thiếu nhi

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thúy Loan - Trưởng Ban biên tập sách Văn học của NXB Kim Đồng, người đã có nhiều năm gắn bó với văn học thiếu nhi.

- Là một biên tập viên sách văn học dành cho thiếu nhi, đâu là những tiêu chí quan trọng để chị lựa chọn một bản thảo?

- Tiêu chí trước tiên để tôi lựa chọn một bản thảo cho thiếu nhi là văn phong và đề tài. Nói về văn phong, tác giả diễn đạt ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn xác, trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu sẽ phù hợp với bạn đọc trẻ em. Còn về đề tài thì nên gần gũi với cuộc sống của trẻ thơ như các câu chuyện sinh hoạt, truyện đồng thoại, cổ tích, thần tiên, kỳ ảo… gắn liền với thế giới tưởng tượng của các bạn nhỏ, nói chung là đa dạng, không quá gò bó.

Để phù hợp với tâm lý và suy tư của thiếu nhi, tác phẩm không nên mang nhiều yếu tố bi kịch hoặc luận đề xã hội nặng nề. Một tiêu chí nữa cũng được đánh giá cao đối với các sáng tác dành cho thiếu nhi đó là: tính mới lạ và sáng tạo của tác giả thể hiện trong tác phẩm. Tác giả có “bản sắc riêng”, chất giọng riêng cũng rất được quan tâm.Trên đây là những tiêu chí lựa chọn bản thảo của cá nhân tôi và có thể là của cả một số BTV đồng nghiệp khác nữa.

BTV Nguyen Thuy Loan anh 1
Sách thiếu nhi được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Ảnh: Mạnh Thắng

- Để thu hút được độc giả nhí, một tác phẩm văn học thiếu nhi cần đảm bảo những yếu tố nào?

- Trong tư duy của trẻ nhỏ luôn đầy ắp sự tưởng tượng và liên tưởng. Vì vậy, một tác phẩm văn học thiếu nhi để thu hút được các em theo tôi, phải lay động được cảm xúc, trái tim và khơi dậy được trí tưởng tượng, niềm ham thích tìm tòi, khám phá của trẻ nhỏ. Nếu có thêm ngôn ngữ diễn tả sinh động, chi tiết bất ngờ, lối kể chuyện hài hước, tạo lập một thế giới quan tươi sáng, tác phẩm sẽ có thêm khả năng chinh phục bạn đọc nhỏ tuổi. Riêng với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, nhi đồng những truyện có lời kể tạo nhịp điệu, có chất thơ ca thường hấp dẫn các em.

Ngoài ra, các tác phẩm dành cho thiếu nhi luôn có giá trị nhân văn, có tính giáo dục và thường kết thúc có hậu. Để thu hút các độc giả nhí, NXB Kim Đồng đã tích cực làm mới các tác phẩm thiếu nhi kinh điển như Dế Mèn phiêu lưu kí, Chuyện hoa chuyện quả, Lá cờ thêu sáu chữ vàng... bằng cách thể hiện dưới nhiều phiên bản minh họa khác nhau. Truyện kể kèm các bức tranh minh họa công phu, sống động sẽ thu hút được sự chú ý của trẻ nhỏ. Gần đây chúng tôi đã có thêm rất nhiều tác phẩm như thế như Cổ tích thế giới bằng thơ, Ngụ ngôn Ê-dốp, Chuyện đồng thoại Tô Hoài, Chú Đất Nung…

- Với vai trò BTV, chị đã trở thành “cầu nối” nhiều tác giả trẻ đương đại đã thành danh với các tác phẩm dành cho người lớn sáng tác cho thiếu nhi. Chị có thể chia sẻ thêm về những “cơ duyên” này không?

Với tôi, tìm kiếm, gặp gỡ và mời các nhà văn viết cho thiếu nhi vừa là nhiệm vụ, vừa là công việc và là mong ước nữa. Thực ra, là công việc thì cũng không có gì đáng nói cả. Nhưng, tôi cũng cảm nhận được “cơ duyên” . Tôi nghĩ thời thơ ấu của mỗi người đều luôn đầy ắp những câu chuyện thú vị với nhiều cung bậc, sắc thái tình cảm đa dạng, có vui, có buồn. Đặc biệt là tuổi thơ của các nhà văn chắc chắn có nhiều điều hay lắm nếu họ kể lại cho chúng ta.

Đối với các tác giả đã có tên tuổi với sáng tác dành cho người lớn, trong họ đã có sẵn tiềm năng sáng tạo, nền tảng ngôn ngữ và tư duy văn học vững vàng nên các nhà văn chỉ cần kể lại những kỉ niệm, những trải nghiệm tuổi thơ của mình thì có thể đã có ngay một tác phẩm chân thật và cảm xúc.

Có lẽ vì nghĩ vậy mà khi trao đổi với nhà văn đã thành danh trong sáng tác cho người lớn, tôi đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của các anh chị nhà văn và nhờ đó chúng tôi đã có may mắn được giới thiệu các tác phẩm như: Nhật ký Sẻ Đồng – Chào em bé (Phong Điệp), Em Béo và Hội Cầu Vồng (Đỗ Bích Thúy), Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (Nguyễn Xuân Thủy), Những ngôi sao trên bầu trời thành phố (Nguyễn Phan Quế Mai), Ba nàng lính ngự lâm (Nguyễn Đình Tú)… và tác phẩm của nhiều tác giả khác nữa.

Tôi muốn nói thêm đôi chút về nhà văn Nguyễn Đình Tú - một trường hợp hơi đặc biệt. Sau một loạt tiểu thuyết khá gai góc, tiểu thuyết hình sự như: Nháp, Phiên bản, Hồ sơ một tử tù, Hoang tâm… nhiều người nghĩ anh sẽ không viết được cho thiếu nhi và chính anh Tú cũng nghĩ thế. Tuy nhiên, sau nhiều lần “vận động”, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã đồng ý “thử sức” với văn học thiếu nhi và sau đó anh ra mắt Ba nàng lính ngự lâm năm 2014. Tiếp tục lời hứa của mình, Nguyễn Đình Tú đã viết một truyện dài, cảm động và nhân văn – Chú bé đeo ba lô màu đỏ mà sắp tới chúng tôi sẽ xuất bản. Hy vọng bạn đọc sẽ được thấy một Nguyễn Đình Tú rất khác khi viết cho thiếu nhi. Qua đây, tôi cũng rất mong mỏi các nhà văn, các tác giả dành thời gian viết cho thiếu nhi.

BTV Nguyen Thuy Loan anh 2
Ba nàng lính ngự lâm - tác phẩm thiếu nhi đầu tiên của Nguyễn Đình Tú.

- Là một người tiếp xúc nhiều với các tác phẩm của các tác giả trẻ, chị có cảm nhận gì về “đội ngũ kế cận này”?

- Tôi cảm thấy đội ngũ tác giả trẻ của văn học thiếu nhi rất đáng kỳ vọng. Một số tác giả tuổi đời còn rất trẻ chỉ mới như Đào Diệu Huyền, Ngô Gia Thiên An,Vũ Hương Nam, Đặng Chân Nhân… đã có những sáng tạo rất riêng. Tiếp theo đó là một đội ngũ những tác giả tài năng với những tác phẩm đặc sắc, đã được nhiều giải thưởng sáng tác và nhiều sách được xuất bản như Nguyên Hương, Nguyễn Thị Bích Nga, Phùng Thị Ngọc Linh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Võ Thu Hương… Đây là những tác giả có tác phẩm với phong cách sáng tác đa dạng và được các bạn nhỏ yêu mến.

Riêng Phan Hồn Nhiên là trường hợp đặc biệt. Trên hành trình sáng tác, chị đã “đột phá” để có nhiều tìm tòi mới lạ và độc đáo. Với dòng truyện giả tưởng kỳ ảo mà gần đây là bộ ba tác phẩm Máu hiếm, Luật chơi, Hiện thân; Phan Hồn Nhiên đã tạo được cho mình một lối đi riêng, một màu sắc riêng và đã đạt được những thành công nhất định trong sáng tác viết cho bạn đọc trẻ.


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm