Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đất hai giá’ là nguyên nhân gây khiếu kiện, kỷ luật cán bộ

“Đấu giá đất một giá, giao đất một giá khác, là nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại và cán bộ bị kỷ luật liên quan đất đai”, theo ông Võ Văn Thưởng.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII sáng 22/7, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khái quát nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có điểm mới của Nghị quyết 18 về chính sách đất đai mà nếu thực hiện tốt, ông Thưởng cho rằng sẽ tạo chuyển biến tích cực.

Với việc bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, theo Thường trực Ban Bí thư, sẽ khắc phục được tình trạng “đất hai giá” thời gian qua.

Nói rõ hơn, ông Thưởng phân tích khi làm nghĩa vụ với Nhà nước thì người dân muốn giá đất rẻ để nộp tiền thuế ít. Nhưng khi đền bù thu hồi đất lại muốn có giá trị cao để được hưởng lợi. Vì thế dẫn đến tình trạng đấu giá đất một giá, giao đất lại một giá khác.

“Đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại, cán bộ bị kỷ luật liên quan đến đất đai”, theo nhận định của ông Thưởng.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh đó, ông nhắc tới quy định phải lo tái định cư xong mới thu hồi đất. Dù cho biết trong quá trình thảo luận ở Trung ương, nhiều ý kiến nhìn nhận cách làm này sẽ gây chậm trễ, ông Thưởng nhấn mạnh “coi trọng cuộc sống của người dân phải thực hiện tái định cư trước”. Lý do từ thực tế, ông cho biết nhiều dự án kéo dài hàng chục năm nhưng không lo tái định cư cho người dân.

Vấn đề Nhà nước đảm bảo nguồn lực quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và các phân khu, lĩnh vực, các ngành có sử dụng đất cũng là nội dung được Thường trực Ban Bí thư nhắc tới.

Khi thảo luận, ông Thưởng cho biết nhiều người góp ý Nhà nước chỉ cần đảm bảo nguồn lực để quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất. Nhưng nếu vậy thì rất ít doanh nghiệp tài trợ, trong khi phía doanh nghiệp lại hào hứng với các quy hoạch phân khu sử dụng đất.

“Nếu mời doanh nghiệp tài trợ các phân khu, lĩnh vực sử dụng đất chắc chắn sẽ tạo ra sự tiếp cận đất đai không công bằng. Khi doanh nghiệp tài trợ phân khu sử dụng đất, trung tâm thương mại, công viên, cây xanh hay công trình công cộng sẽ ít đi”, ông Thưởng phân tích.

Ông Thưởng cũng nêu một điểm mới khác của Nghị quyết 18 là tiếp tục thực hiện cơ chế thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân với doanh nghiệp để xây dựng khu đô thị và nhà ở thương mại.

Nghị quyết trước đây chưa tường minh dẫn tới thẩm quyền của cơ quan thu hồi đất rất lớn, thường gây khiếu nại, khiếu kiện. Nhưng với cơ chế được cụ thể hóa tại nghị quyết lần này, Thường trực Ban Bí thư tin tưởng sẽ tạo chuyển biến, giảm khiếu kiện của người dân về đất đai và từ đó, giảm tình trạng cán bộ bị xử lý liên quan đến đất đai.

Thủ tướng: ‘Đánh thuế cao với người nhiều nhà đất là điểm mới đột phá’

Thu thuế cao với người sử dụng nhiều đất, người đầu cơ, người bỏ hoang hóa và cần chế tài, quy định liên quan kinh tế để mọi người có trách nhiệm hơn.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm