Theo các tài liệu lịch sử, Charles Darwin trên thực tế không chắc chắn về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất. Năm 1871, ông đưa ra giả thuyết rằng sự sống bắt nguồn từ "một cái hồ nước ấm áp có chứa đầy các loại muối ammonia và phosphat, ánh sáng, nhiệt độ... để các hợp chất protein có thể hình thành và trải qua những biến đổi phức tạp".
Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học College London (Anh) mới đây công bố giả thuyết hoàn toàn khác.
Theo nghiên cứu vừa được công bố hôm 4/11 trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature, các tác giả tạo ra tiền tế bào (protocell) ở môi trường kiềm gần giống nước biển, qua đó chứng minh rằng sự sống bắt nguồn từ những "miệng phun thủy nhiệt" nằm dưới đại dương.
Nguồn gốc của sự sống trên Trái đất không giống như lý giải của Darwin? Ảnh: Firstpost. |
Kết quả này bác bỏ giả thuyết của Darwin và các nhà khoa học quan niệm sự sống hình thành từ bọt biển.
Trên Science Daily, giáo sư Nick Lane - đồng tác giả của công trình nghiên cứu - cho biết: "Có nhiều giả thuyết về việc sự sống bắt đầu từ đâu và như thế nào. Miệng phun thủy nhiệt là một trong những vị trí hứa hẹn cho điều đó. Phát hiện của chúng tôi cũng cố thêm giả thuyết này với bằng chứng thực nghiệm vững chắc".
Đây không phải lần đầu tiên giả thuyết về nguồn gốc sự sống của Darwin bị thách thức. Một số nhà sinh vật từng đưa ra nhiều lí giải khác nhau, thậm chí nghe có vẻ kỳ lạ. Chẳng hạn như có người cho rằng sự sống trên Trái Đất bắt nguồn từ Hỏa tinh hay được một tiểu hành tinh đưa xuống Trái Đất.
Thậm chí giáo sư Nick Bostrom thuộc Đại học Oxfor đưa ra thuyết âm mưu rằng toàn bộ sự sống chỉ là dữ liệu giả lập bên trong máy tính khổng lồ, tương tự các chi tiết của phim viễn tưởng Ma trận.