Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đào tạo nhân lực phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của nhà xuất bản

Trước yêu cầu chuyển đổi số, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đang xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực hiện có để đáp ứng nhiệm vụ.

Để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam dành nhiều quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đạo tạo nguồn nhân lực. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam - có bài chia sẻ về vấn đề này.


Chúng ta đều biết, chuyển đổi số là nhu cầu cấp bách trong xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Đến năm 2025, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Định hướng giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17/4/2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về phê duyệt “chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã chỉ đạo kế hoạch chuyển đổi số trong các cấp Hội Phụ nữ, từ trung ương đến địa phương với yêu cầu cụ thể: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ số để từng bước đem lại hiệu quả mọi hoạt động quản lý, điều hành, ra quyết định trong hệ thống Hội; nắm bắt tình hình, vận động, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ; cung cấp thông tin, kiến thức, hỗ trợ hội viên, phụ nữ; giám sát, phản biện xã hội và hợp tác giữa các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân; yêu cầu nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, Chính phủ số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho cán bộ Hội các cấp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam được Đảng giao phó.

Đặc biệt, với khối các đơn vị truyền thông của Hội như Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, lãnh đạo Trung ương Hội đặc biệt quan tâm chỉ đạo chuyển đổi số đối với các đơn vị này nhằm đáp ứng công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ trong giai đoạn cách mạng 4.0, đảm bảo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đáp ứng tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mang tính đặc thù của ngành Xuất bản.

Đối với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, nhận thấy việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức là nhu cầu cấp thiết của các cấp Hội Phụ nữ trong việc tự học tập, nâng cao trình độ cho phụ nữ, trẻ em và gia đình, đặc biệt là việc phổ biến tri thức thông qua nền tảng Trung tâm Tri thức số, ngày 19/08/2021 Đoàn Chủ tịch đã ban hành Quyết định số: 6230- QĐ/ĐCT ngày 19/08/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Trung tâm Tri thức số và Giáo dục giới dành cho Phụ nữ, Gia đình và trẻ em (Gọi tắt là Trung tâm Tri thức số/Trung tâm Ebook), giao Nhà xuất bản là chủ đầu tư.

Hiện nay Dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 35 tỷ 300 triệu đồng. Đây là Đề án thuộc Kế hoạch trung hạn 2021-2025 của Hội. Hiện nay Dự án đã xong giai đoạn thẩm định Dự án CNTT, đang tiếp tục triển khai các bước đấu thầu và thi công. Dự kiến năm 2025 Dự án sẽ hoàn thành.

Để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của Nhà xuất bản, Ban Giám đốc Nhà xuất bản đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đạo tạo nguồn nhân lực hiện có để có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, cụ thể là nhiệm vụ vận hành Trung tâm Tri thức số của Nhà xuất bản, đồng thời tiến tới chuyển đổi số toàn Nhà xuất bản, tích hợp với các hoạt động chuyển đổi số của cơ quan chủ quản là Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các cấp Hội Phụ nữ, cùng với đó là thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Xuất bản.

Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam

Chuyển đổi số của Nhà xuất bản triển khai trên hai phương diện: 1- đầu tư về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trang thiết bị công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm phục vụ cho xuất bản trực tuyến; 2- đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số toàn Nhà xuất bản nói chung và vận hành Trung tâm Tri thức số (Trung tâm ebook) của Nhà xuất bản.

Về xuất bản truyền thống và xuất bản trực tuyến

Hiện nay Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chủ yếu đang hoạt động theo cách thức của các nhà xuất bản truyền thống: chủ yếu xuất bản sách giấy (chưa xuất bản sách điện tử); quảng bá sách và phát hành chủ yếu trên các kên truyền thống; có phối hợp với các trang thương mại điện tử và các đại lý, các công tác viên trên các kênh mạng xã hội. Đầu tư về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trang thiết bị CNTT và phần mềm còn thiếu và yếu.

Do đó, kết quả hoạt động dù đã rất cố gắng nhưng kết quả chưa thực sự đột phá. Nhà xuất bản đang xây dựng Trung tâm Tri thức số (Trung tâm ebook) để chuyển đổi sang mô hình xuất bản trực tuyến) với kỳ vọng kết quả hoạt động sẽ có nhiều bước tiến mới.

Dự án Trung tâm Tri thức số/Trung tâm Ebook sẽ giúp NXB đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT nhằm phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội được giao. Trên cơ sở hệ thống hạ tầng CNTT đã có hiện nay của NXB Phụ nữ Việt Nam, dự án tập trung vào hệ thống mạng truyền thông liên thông - thống nhất nhằm tăng khả năng kết nối giữa NXB Phụ nữ Việt Nam với các đối tác, đặc biệt là với bạn đọc trong và ngoài nước nhằm phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của Hội LHPN Việt Nam đối với các cấp Hội, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội văn minh.

Thực trạng nguồn nhân lực

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 nhân sự. Khoảng trên 70% có trình độ đại học, trên đại học, cao đẳng,… Khoảng gần 30% là công nhân Nhà in có trình độ trung cấp hoặc các bậc thợ tay nghề từ 1/7 đến 6/7. Nhà xuất bản xác định, việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ chia ra các khu vực và theo các giai đoạn khác nhau, phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà xuất bản.

Trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), Nhà xuất bản tập trung đào tạo để chuyển đổi số cho nguồn nhân lực thuộc khu vục đầu vào và đầu ra, chủ yếu gồm các phòng, bộ phận: Ban Giám đốc, các trưởng/phó phòng (cán bộ chủ chốt), phòng biên tập, phòng sản xuất, phòng phát hành/maketing, bộ phận truyền thông, đối ngoại. Đây là các phòng/bộ phận sẽ đi đầu trong chuyển đổi số của Nhà xuất bản.

Đặc điểm nguồn nhân lực nêu trên: cán bộ hầu hết tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học, trong quá trình làm việc, yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc tương đối cao. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, cụ thể là xuất bản trực tuyến, yêu cầu đối với biên tập viên và các kỹ thuật viên là phải chủ động sử dụng được các phần mềm xuất bản/kinh doanh trực tuyến. Vì vậy, đây là nhóm cần ưu tiên đào tạo sớm để hiểu và sử dụng thành thạo các công cụ chuyển đổi số.

Trong giai đoạn 2 (2025 - 2030): Nhà xuất bản sẽ chuyển đổi số toàn Nhà xuất bản. Các phòng, bộ phận còn lại đều được đào tạo và bố trí trang thiết bị phù hợp để phục vụ chuyển đổi số toàn Nhà xuất bản có tính liên thông giữa các đơn vị và các vị trí địa lý mang tính vùng, miền (Phòng kế toán- tài vụ, hành chính- tổ chức, in ấn; các vị trí: trụ sở chính tại Hà Nội, Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Nhà in tại Gia Lâm, v.v)

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của NXB Phụ nữ Việt Nam

1. Nâng cao nhận thức của người đứng đầu, của tập thể Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt về vai trò của chuyển đổi số và sự bắt buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Nhà xuất bản thông qua việc đầu tư cho xuất bản trực tuyến, nòng cốt là Dự án Trung tâm Tri thức số/Trung tâm ebook (Thực hiện trong suốt quá trình triển khai Dự án, 2021-2025 và quá trình chỉ đạo hoạt động của NXB).

Trung tâm Tri thức số/Trung tâm ebook về bản chất là một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung được số hóa nhằm cung cấp tri thức đến các đối tượng bạn đọc khác nhau thông qua việc tận dụng các tiến bộ khoa học của cách mạng công nghệ 4.0 trong đó xuất bản điện tử (còn gọi là xuất bản trực tuyến) là nội dung chính của dự án.

Việc đầu tư cho Dự án xuất phát từ nhu cầu khách quan và nhu cầu nội tại của TW Hội LHPN nói chung và của NXB nói riêng. Sự phát triển của CNTT, thương mại điện tử và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mang lại phụ nữ nói chung nhiều thuận lợi trong học tập, nâng cao tri thức và trong phát triển kinh tế… Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất bản, lợi ích từ thương mại điện tử rất lớn, cho phép mở rộng phạm vi giao dịch toàn cầu, xoá bỏ trung gian trong quá trình phân phối hàng hoá, tiết kiệm thời gian, chi phí.., do vậy hầu hết các NXB trong và ngoài nước đều cần phải tận dụng cơ hội này.

Các thiết bị đọc sách điện tử (eReader) đang phát triển hết sức nhanh chóng, ngoài các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng, các thiết bị đầu cuối khác như smartphone, máy tính bảng, PC, laptop cũng ngày càng chú trọng đến việc phát triển các ứng dụng đọc sách điện tử, điều này mang lại rất nhiều lợi thế cho người đọc và các NXB và các cấp Hội LHPN Việt Nam trong việc dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức vô tận từ sách.

Quan sát trên thế giới hiện nay, xuất bản trực tuyến đang trở thành xu thế bắt buộc. Trên thế giới hiện nay sách điện tử đang phát triển nhanh chóng. Xu thế sách điện tử thay thế sách in cũng đang hình thành, hầu hết các NXB lớn trên thế giới đều phát hành sách dưới dạng điện tử và truyền thống. Sự phát triển của sách điện tử đã làm thị trường của sách in bị thu hẹp rất nhiều.

Thực tế tại Việt Nam chỉ có một số ít NXB xây dựng được hệ thống xuất bản trực tuyến do vậy thị trường này là một tiềm năng to lớn đối với các NXB nói chung và NXB Phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Về nhu cầu nội tại của NXB Phụ nữ Việt Nam: Việc số hóa và phân phối các sản phẩm đến bạn đọc dưới dạng số hóa là một nhu cầu cấp bách của NXB Phụ nữ vì nó đem lại rất nhiều lợi ích như: Tiết kiệm chi phí so với xuất bản truyền thống (in trên giấy) vì xuất bản trực tuyến không có chi phí phân phối, vận chuyển, không có chi phí lưu kho bãi, in ấn... (thông thường chi phí in ấn chiếm 1/3 tổng giá thành một xuất bản phẩm); do đó khi xuất bản trực tuyến thì chi phí đối với một sản phẩm sẽ giảm đi đáng kể; Phạm vi phổ biến tác phẩm rộng hơn: Khi tác phẩm được phổ biến trên mạng Internet, số lượng độc giả sẽ là không có giới hạn vì thông qua nhiều hình thức liên kết chia sẻ kiến thức như website, blog, mạng xã hội, email,….nó được kết nối với toàn cầu.

Ngoài việc các tài liệu văn bản được số hóa, các xuất bản phẩm điện tử có thể gắn thêm âm thanh (audio), hoặc đoạn video minh họa sinh động; hoặc những xuất bản phẩm điện tử cao cấp hơn được sản xuất theo hình thức đa phương tiện sẽ càng hấp dẫn người đọc hơn nữa thời gian đáp ứng nhanh vì không mất thời gian để in ấn cũng như phân phối; Marketing thuận tiện và thanh toán nhanh hơn: Marketing trên mạng đối với xuất bản trực tuyến rất thuận tiện và chi phí tiếp thị cũng như phân phối cũng không lớn hơn so với xuất bản truyền thống; Không có hàng tồn: Lợi thế của việc xuất bản trực tuyến là không có hàng tồn kho do đó sẽ giúp giảm chi phí kho bãi, vận chuyển, từ đó có điều kiện đầu tư thêm cho công tác tổ chức chức bản thảo, một hoạt động rất quan trọng của công tác xuất bản.

2. Tập trung nguồn lực, đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị máy móc và phần mềm thông qua việc triển khai Đề án Trung tâm Tri thức số/Trung tâm ebook, với ngân sách đầu tư khoảng 2/3 dành cho trang thiết bị và 1/3 dành cho phần mềm, trang bị đẩy đủ công cụ lao động mới nhất, tốt nhất, giúp người lao động tăng năng suất và chất lượng công việc, từ đó nâng cao kết quả hoạt động của Nhà xuất bản, đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của kinh tế xuất bản trong thời kỳ cách mạng 4.0.

3. Từng bước đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm chủ hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác sản xuất và phát hành sách điện tử (Thực hiện chủ yếu trong năm 2024- 2025), bao gồm: Phần mềm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Content protection hoặc DRM); Phần mềm hỗ trợ người đọc có thể đọc trên các thiết bị điện tử khác nhau; Phần mềm thiết kế sách điện tử với định dạng phù hợp với các thiết bị đọc sách điện tử phổ biến hiện nay; Phần mềm thương mại điện tử phát hành sách truyền thống; Hệ sinh thái phát hành sách điện tử; Số hóa dữ liệu đã có của NXB bao gồm các tác phẩm đã xuất bản theo phương pháp truyền thống (in) để lưu trữ và chuyển sang xuất bản các tác phẩm này theo hình thức xuất bản điện tử.

4. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiểu đúng về kinh tế số, hoà nhập cuộc sống trong môi trường số, đặc biệt coi trọng đào tạo kỹ năng số để chuyển đổi phương thức hoạt động của ngành Xuất bản theo hướng hiện đại hoá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động nhưng đồng thời vẫn đảm bảo hài hoà các giá trị truyền thống và hiện đại của ngành Xuất bản; hài hoà đời sống vật chất - tinh thần của người lao động.

5. Coi trọng công tác nêu gương của cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trong việc chủ động học tập nâng cao trình độ về chuyển đổi số thông qua các lớp bồi dưỡng do NXB tổ chức hoặc do các tổ chức có chức năng đào tạo chuyên sâu hướng dẫn, tập huấn. (Chẳng hạn, lớp học gần đây nhất là tìm hiểu về mạng xã hội Tiktok, Ban Giám đốc và Cán bộ chủ chốt tham gia đầy đủ cùng các cán bộ chuyên môn của các phòng/bộ phận, thực hành và ứng dụng kết quả học được trên chính các trang cá nhân của cán bộ).

Kết luận

Việc chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn cách mạng 4.0 hiện nay. Nhà xuất bản đã nghiêm túc triển khai Dự án Trung tâm Tri thức số/Trung tâm Ebook gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn, đồng thời luôn xác định tâm thế cho cán bộ để cán bộ coi trọng việc tự học tập nâng cao trình độ, đồng thời luôn tạo điều kiện để cán bộ được theo học các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu chuyển đổi số của Nhà xuất bản nói riêng và ngành Xuất bản nói chung.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam rất mong nhận được các chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và hy vọng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng xuất bản phẩm và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt là các thủ tục cấp phép xuất bản điện tử, hỗ trợ chuyên gia tư vấn về công nghệ thông tin trong quá trình triển khai Dự án Trung tâm Tri thức số/Trung tâm Ebook hoàn thành đúng kế hoạch trung hạn (2021 - 2025).

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bài liên quan

Người Việt Nam đang đọc nhiều hơn

Người Việt Nam đang đọc nhiều hơn

Độc giả đang có nhiều cách đọc hơn, kể cả cách đọc là không đọc nhờ hỏi trợ lý ảo. Điều đó đòi hỏi ngành Xuất bản phải tìm đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp.

Khúc Thị Hoa Phượng

Bạn có thể quan tâm