Theo lệnh khám xét của FBI đối với khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump, cơ quan này tin rằng ông Trump có thể đã vi phạm Đạo luật Gián điệp, có hiệu lực từ năm 1917, cùng nhiều cáo buộc hình sự khác.
Tại tư dinh của ông Trump, thông tin từ FBI cho biết đã thu hồi 11 bộ tài liệu, gồm một tài liệu được phân loại tuyệt mật, nhạy cảm.
Đạo luật gián điệp là gì?
Đạo luật gián điệp cấm bất kỳ ai có thông tin liên quan đến quốc phòng sử dụng nó để "gây tổn hại đến Mỹ" hoặc "có lợi cho bất kỳ quốc gia khác". Theo đạo luật này, bất kỳ ai sở hữu hợp pháp thông tin quốc phòng, nhưng cung cấp hoặc cố gắng cung cấp cho những người chưa được phép, cũng bị coi là phạm pháp.
Những người bị kết án vi phạm Đạo luật Gián điệp có thể bị ngồi tù lên đến 10 năm.
Derek Bambauer, giáo sư luật tại Đại học Arizona, cho biết đạo luật này là một phần "cốt lõi" của luật an ninh quốc gia, cho phép chính phủ truy tố những người có thông tin nhạy cảm đe dọa đến an ninh quốc gia.
Cựu tổng thống Woodrow Wilson đã ký luật này vài tháng sau khi Mỹ tham gia Thế chiến I. Đạo luật được thông qua nhằm ngăn binh lính Mỹ hỗ trợ những nước là đối thủ của Mỹ.
Cựu Tổng thống Woodrow Wilson, người đã ký Đạo luật Gián điệp năm 1917. Ảnh: AP. |
Để lệnh khám xét của FBI được thông qua, cơ quan này phải đưa ra được "nguyên nhân có thể xảy ra" (probable cause) có thể cấu thành hành vi phạm tội, cũng như chứng minh bằng chứng đang ở một địa điểm cố định.
Thẩm phán liên bang đã ký xác nhận FBI trình đủ nguyên nhân có thể xảy ra trước khi khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Điểm tranh cãi
Giáo sư Bambauer nói điểm đáng chú ý khi viện dẫn luật trong trường hợp của ông Trump là liệu thông tin và tài liệu có được cho là "hoàn toàn không liên quan" đến các vi phạm hay không. Chỉ cần thông tin được xác định là nhạy cảm và đe dọa đến an ninh quốc gia thì có thể cấu thành tội danh.
Ông Trump và đội ngũ của mình đã tuyên bố rằng đã giải mật tài liệu khi ông còn giữ chức tổng thống, do đó không có vấn đề pháp lý nào.
Tuy nhiên, ông Bambauer nói cựu tổng thống có thể giải mật tài liệu trong lúc đương nhiệm, nhưng tình trạng phân loại của tài liệu không được đề cập trong luật.
Lý giải cho điều này, ông Bambauer nói rằng khái niệm về phân loại các tài liệu vẫn chưa xuất hiện vào năm 1917, giai đoạn luật này được thông qua. Việc thiết lập hệ thống phân cấp độ tài liệu chỉ bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Harry Truman vào năm 1951.
Do đó, việc điều tra các hành vi phạm tội dựa trên luật này sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng với quốc phòng, không phải việc tài liệu được phân loại như thế nào, theo Gerry Gleeson, cựu công tố viên bang Michigan.
Ông Gleeson đề cập đến hai thuật ngữ, theo đó "nguyên nhân có thể xảy ra" - cơ sở để có lệnh khám xét - có những tiêu chuẩn khác so với bằng chứng "vượt trên nghi ngờ hợp lý" (beyond a reasonable doubt). Đây là phân cấp bằng chứng cao nhất, đủ điều kiện để kết tội một người.
Ông nói các bồi thẩm đoàn thường ra cáo trạng với những người mà phía luật sư muốn truy tố, nhưng chính phủ cần xem xét nếu chứng minh được những trường hợp "vượt trên nghi ngờ hợp lý".
"Các công tố liên bang là những người nghiêm túc, và họ sẽ nghiêm túc điều tra trước khi quyết định truy tố bất kỳ ai, dù là chính trị gia hay một công dân bình thường", ông Gleeson nói.
Các điều khoản
Đạo luật Gián điệp có hơn 5 điều khoản, với mỗi điều khoản là những trường hợp khác nhau về khả năng cấu thành vi phạm.
Ông Bambauer cho biết "trạng thái tinh thần" là điều khoản phổ biến trong luật hình sự khi đánh giá ý định và nhận thức của nghi phạm. Ông nói rằng nhiều điều khoản trong Đạo luật Gián điệp tương tự nhau, nhưng khác biệt nằm ở định nghĩa về trạng thái tinh thần.
Tờ biên nhận các tài liệu FBI đã thu giữ trong vụ khám xét hôm 8/8, bao gồm nhiều tài liệu được phân loại tài liệu mật (Miscellaneous Confidential/Secret/Top Secret Documents). Ảnh: Reuters. |
Khoản 1 điều luật này chỉ ra một người phải có ý định hoặc lý do để tin rằng thông tin có thể bị sử dụng để gây hại cho nước Mỹ. Trong khi đó, phía bào chữa có thể lập luận rằng người bị cáo buộc vi phạm không hề biết những thông tin trên có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, Khoản 6 lại nói rằng một người đang sở hữu hợp pháp tài liệu có thể vi phạm pháp luật nếu những tài liệu này bị lấy đi do "sơ suất nghiêm trọng". Ông Bambauner nói khoản này có thể là cơ sở để lực lượng liên bang viện dẫn các cáo buộc.
Trong khi đó, ông Gleeson nói rằng đạo luật đã phân biệt giữa "thông tin" và "tài liệu", và tài liệu sẽ ít dựa vào ý định, hay trạng thái tinh thần hơn.
"Nó không cần phải là tài liệu tuyệt mật", ông Gleeson nói. "Nó chỉ cần là thông tin quốc phòng có thể gây hại cho Mỹ.
Ông cho biết một phần trong Khoản 4 luật này cũng nêu ra bất cứ ai "cố tình giữ lại" các tài liệu và từ chối cung cấp theo yêu cầu của quan chức Mỹ cũng có thể đối mặt với các cáo buộc.
Ông Gleeson nói khoản này có thể liên quan đến trường hợp của ông Trump, dựa trên các báo cáo rằng cựu tổng thống đã nhận trát hầu tòa liên quan đến các tài liệu an ninh quốc gia vài tháng trước khi FBI có lệnh khám xét.