John Foot, ký giả người Anh được ghi nhận là người đầu tiên viết một cuốn sách về lịch sử bóng đá Italy (Calcio, xuất bản tháng 8/2007) kéo dài từ những năm đầu thế kỷ 20 tới trước World Cup 2006, thừa nhận người Italy có nhiều hiểu lầm về bóng đá Anh.
"Người Italy luôn tin thế hệ hooligan của Anh bị chính quyền tống hết vào tù. Họ luôn cho rằng Magaret Thatcher đứng sau chuyện này", Foot kể.
Italy vào chung kết Euro 2020 bằng lối đá tấn công chủ động lạ lẫm. Ảnh: Reuters. |
Muôn màu bóng đá Anh - Italy
Để nói về thế giới bóng đá của xứ sở mỳ ống, John Foot chọn từ tiêu biểu - dietrologia - tức âm mưu. "Sự thật luôn ẩn đi sau những lời nói dối", ký giả này nhận định.
Người Italy làm bóng đá như cách mafia thao túng thế giới chính trị. Những cuộc thương lượng diễn ra với súng ngắn dưới gầm bàn. Các CLB và ĐT Italy ra sân với chiến thuật ẩn náu sau những toan tính.
Nếu bóng đá Italy là dao găm, bóng đá Anh là pháo. Chưa cần xung trận, đội tuyển và các CLB Anh luôn biết cách tạo ra ồn ào.
Sự ra đời của Premier League thay đổi bộ mặt của bóng đá Anh vốn bị coi thiếu kỹ chiến thuật. Cỗ máy in tiền Premier League làm đảo lộn cuộc chơi bóng đá tại châu Âu.
Sau gần 30 năm, Premier League chiếm thế độc tôn về thương mại và danh tiếng trên toàn thế giới. Tuyển Anh chịu ảnh hưởng bởi Premier League. Suốt một thời gian dài, "Tam sư" chịu cảnh có tiếng nhưng không có miếng.
Thế hệ vàng của đội tuyển này thua tan nát ở những giải đấu lớn. Họ ngờ nghệch ở những trận đánh lớn, như một hệ quả của việc chọn đánh bóng nhoáng giá trị về mặt hình ảnh.
Anh vào chung kết Euro 2020 bằng những chiến quả không tạo quá nhiều ấn tượng với khán giả trung lập. Ảnh: Reuters. |
Ở Euro 2020, nơi Anh và Italy gặp nhau ở trận chung kết. Hai nền bóng đá khác biệt hoàn toàn về mặt tư duy cũng như cách tiếp cận này đang có giải đấu kỳ lạ. Italy đang chơi thứ bóng đá đam mê và gợi mở, không giấu con dao găm nào sau ống tay áo.
Còn Anh chơi đầy toan tính, với mỗi trận đấu là cuộc vượt khó, bằng người hùng khác nhau. Chính Anh lúc này lại đang cho thấy hình ảnh của Italy trong quá khứ: Chẳng thiếu những giây phút gây tranh cãi trên đường vào chung kết.
Chúng ta coi sự hoán đổi này là hệ quả của toàn cầu hóa bóng đá thì cũng không sai. Người Anh sau nhiều năm ngờ nghệch, giờ hiểu họ cần vứt bỏ thứ bóng đá hiệp sĩ vô nghĩa để thực sự chiến đấu, toan tính và giành chiến thắng, bất kể cách thức.
Anh chưa từng thay cặp Kalvin Phillips-Declan Rice khỏi đội hình xuất phát dù chỉ một lần tại Euro 2020. Hai ngôi sao không biết định nghĩa xuất sắc ở điểm nào ngoài chuyền về và tranh chấp này có thể xem là hình ảnh biểu tượng của "Tam sư" thời đại mới: Nhạt nhẽo về danh tiếng, nhưng giàu tính chiến đấu và luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Người Italy sau quá nhiều năm toan tính mà bỏ lỡ đi những cơ hội vượt ngưỡng, đã tự nới lỏng những quy tắc ngầm. Azzurri giờ sẵn sàng đấu súng như phong cách cao bồi, mà hai lượt trận tứ kết và bán kết nảy lửa với Bỉ và Tây Ban Nha là những ví dụ rõ ràng.
Họ đôi công với Bỉ từ tiếng còi khai cuộc ở tứ kết và thắng cuộc. Khi bị Tây Ban Nha kiểm soát pressing tới mức không cho cầm bóng ở bán kết, Italy kiên nhẫn chống trả bằng cách đường lên bóng dài, trước khi tập kích đối thủ chỉ một pha chuyển trạng thái bắt nguồn từ thủ môn. Khi hòa đến cùng, Italy dùng bản lĩnh để thắng trên chấm luân lưu.
Federico Chiesa có thể xem là hình ảnh biểu tượng cho tuyển Italy tại Euro 2020: Đầy nhiệt huyết, đam mê, luôn lao lên và sẵn sàng tạo ra bất ngờ bằng những pha xử lý khó tin.
Yếu tố quyết định trận chung kết
Trước World Cup 2006, John Foot có nhận lời phỏng vấn của Soccerphile về cuốn sách Calcio. Cây bút này chia sẻ quan điểm về bóng đá Anh qua mẩu chuyện nhỏ: "Hôm nọ, tôi có tới sân xem Tottenham đá với Bolton. Một nửa trận đấu quả thực là rác rưởi. Bóng chỉ nhồi lên trời. Ở Italy, họ không bao giờ đá như vậy".
15 năm sau ngày đó, bóng đá Anh đã thay đổi. Lò đào tạo trẻ trứ danh St George's Park của quốc gia này đặt ra tiêu chuẩn cụ thể để đào tạo cho những cầu thủ nhí. Ở lứa tuổi từ 12-16, các cầu thủ nhí của Anh được khuyến khích "chơi bóng tự do" (play with freedom).
Raheem Sterling có phải con dao găm của Anh ở trận chung kết? Ảnh: Reuters. |
Nhóm cầu thủ này cũng được rèn luyện phải chịu áp lực không được chuyền về khi triển khai bóng từ tuyến dưới, không sợ hãi khi dàn xếp tấn công và luôn sẵn sàng qua người để dẫn bóng đi lên. Định kiến cầu thủ trẻ tại Anh to con, yếu kỹ thuật, chỉ biết chạy và sút đang bị xóa bỏ.
Declan Rice, Mason Mount, Jack Grealish là những ngôi sao lớn lên trong sự thay đổi về giáo dục đó của Anh ở cấp độ trẻ. Khi lên cấp độ đội tuyển, thứ người Anh sử dụng để tiến tới chung kết là chút DNA của người Italy, những bậc thầy về chiêu trò trong thực chiến.
Người Italy chuyển hướng học hỏi sang Tây Ban Nha, bậc thầy về kiểm soát thế trận. Họ học và tin tưởng rằng mình hoàn toàn có thể chơi tấn công để chiến thắng. Và phòng ngự không bao giờ là con đường duy nhất để ngẩng đầu khi cuộc chiến kết thúc.
Daniele De Rossi, một trong số các thành viên BHL tuyển Italy tại Euro 2020, đã lĩnh hội tư tưởng bóng đá Tây Ban Nha của Luis Enrique khi còn là cầu thủ tại AS Roma vào năm 2012, và Italy lúc này là bản sao có thể chưa hoàn chỉnh, nhưng đang nỗ lực để mô phỏng lại thứ bóng đá ban bật lập trình hấp dẫn của "Cuồng phong đỏ". Phóng khoáng và phiêu lưu hơn đang là cách Italy chơi bóng.
Bằng những cách khác nhau, con dao găm khi bước vào cuộc chiến đang rời từ tay người Italy sang Anh. Và ở một trận chung kết tầm cỡ Euro, nơi bất kỳ kịch bản điên rồ nào cũng có thể diễn ra, sự đổi ngôi ấy hẳn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi.
Anh liệu sẽ tung ra con dao găm nào để đấu với Italy? Grealish, Foden hay một bất ngờ như Marcus Rashford? Còn Italy có phóng khoáng và phiêu lưu đến cùng, hay vào một thời điểm cụ thể, bậc thầy mưu mẹo của bóng đá thế giới sẽ lại rút một con dao găm được giấu kỹ kể từ đầu giải (Bernardeschi, Raspadori?) để "xử" đội chủ nhà.
Dù kịch bản nào diễn ra, đó cũng sẽ đáng để chờ đợi cho trận chung kết giữa hai nền bóng đá giàu truyền thống và đầy rẫy những vấn đề này.