Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạo diễn Việt Linh: Ma lực của hình, ma lực của chữ

Tuyển tập "Giấy không gói được than cháy dở" của đạo diễn Việt Linh nói về những bộ phim xuất sắc, các đạo diễn bậc thầy, và cho thấy cả trái tim giàu rung cảm của chị.

Kể từ sau bộ phim Mê Thảo - Thời vang bóng (2002), Việt Linh không đạo diễn thêm một tác phẩm điện ảnh nào nữa. Cơn bạo bệnh sau bộ phim đó khiến chị nhận ra mình đã không còn đủ sức với những bộ phim, những cuộc hành xác trên trường quay mà ngay cả những gã đàn ông khỏe mạnh đôi khi còn không chịu nổi.

Nhưng Việt Linh chưa bao giờ rời bỏ điện ảnh, cái thế giời kỳ ảo mà chị đắm chìm trong đó từ những năm tuổi thơ theo cha lên chiến khu và được chứng kiến ông cùng bạn bè nghệ sĩ, trong đó có “chú Tư hiệp sĩ” (cách mà chị gọi yêu cố đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), thực hiện những bộ phim ngay cả khi máy bay trực thăng Mỹ bay ràn rạt trên đầu.

15 năm qua, sau khi gượng dậy từ bạo bệnh, Việt Linh lại tiếp tục lao vào cơn mê đắm của chị. Chia đôi thời gian nửa Paris, nửa Sài Gòn, chị đi về với mỗi lần là một dự án nào đó cho điện ảnh, cho nghệ thuật.

Tuyen tap Giay khong goi duoc than chay do anh 1
Cuốn Giấy không gói được than cháy dở của đạo diễn Việt Linh. 

Tủ sách điện ảnh là dự án “đáng giá” nhất của chị, với hơn 15 đầu sách quan trọng thực hiện trong suốt 5 năm, không chỉ cung cấp những kim chỉ nam, cảm hứng cho giới chuyên môn, giới làm phim; mà còn là những giá trị thưởng thức cho độc giả say mê điện ảnh.

Năng lực đặc biệt về chữ

Không đủ sức khỏe để làm phim, chị làm sân khấu thể nghiệm, dù biết trần ai; chị mở rạp chiếu phim nghệ thuật, để giới thiệu những “thiên đường điện ảnh”.

Không làm được phim, chị làm “doctor script”, chỉnh sửa kịch bản, viết kịch bản phim cho nhiều đạo diễn trẻ và thậm chí gần đây còn trở thành “bà bầu” sản xuất cho những bộ phim có hơi hướng độc lập, kinh phí thấp của những đạo diễn mới vào nghề.

Cái niềm say đắm vì hình, vì chữ ấy còn được thể hiện sâu đậm trong những bài viết về điện ảnh, về những bộ phim xuất sắc, những đạo diễn tinh hoa từ quốc tế đến trong nước cho độc giả Việt Nam.

Ngoài điện ảnh - tức là hình, tôi nghĩ Việt Linh còn có một “năng lực đặc biệt” về chữ, qua những bài viết khúc chiết, bố cục chặt chẽ, cách dùng từ tinh tế và thông minh để làm bật lên những cảm xúc, suy tư và cả tự vấn của chị khi thưởng thức một bộ phim hay, một đạo diễn giỏi.

Tập sách tuyển chọn Giấy không gói được than cháy dở là một tuyển tập như vậy. Dù đã đọc qua nhiều bài viết bình luận các bộ phim của chị trong những tập sách trước của Việt Linh, tôi vẫn đầy hào hứng khi bước vào thế giới phim ảnh qua từng con chữ của chị.

Tuyển tập này tập hợp từ những bài viết từ năm 1988 đến gần đây nhất là năm 2016, và đều có dấu mốc thời gian dưới mỗi bài viết. Nhưng Việt Linh không sắp xếp theo trật tự thời gian, mà chị sắp xếp theo... trật tự chữ cái từ nhan đề của các bài viết.

Tuyen tap Giay khong goi duoc than chay do anh 2
Chung cư, một trong những tác phẩm điện ảnh nổi bật của Việt Linh. 

Đó dường như là một sự sắp xếp tinh ý khác của chị, bởi đọc những bài viết từ năm 1988 đến những bài viết mới đây, khoảng thời gian cách biệt gần 30 năm, ta vẫn thấy được một tinh thần xuyên suốt và lấp lánh bởi ma lực của chữ và hình.

Việt Linh dành nhiều bài viết để bình luận về các bộ phim xuất sắc, về những đạo diễn bậc thầy. Nhưng đôi lúc chị cũng có những bài viết tản mạn duyên dáng, tất nhiên chúng đều không đi xa quỹ đạo điện ảnh mà chị xây dựng từ đầu.

Những lý do dễ thương

Ví dụ như trong bài Bóng tối quyến rũ, chị nói về niềm đam mê điện ảnh của nước Pháp, đất nước sản sinh ra nghệ thuật thứ 7. Thông tin theo kiểu “khảo sát” trên tờ Télérama cho biết mỗi năm trung bình 195 triệu lượt người Pháp sẵn sàng xếp hàng để xem phim.

Trên tạp chí này, khán giả điện ảnh đưa ra những lý do đến rạp xem phim mà chị bình luận là “đôi khi có vẻ rất vô lý” nhưng “dễ thương vô cùng”. Như một học sinh lớp 6 nói lý do em đến rạp bởi nơi đó “không có... cha mẹ”, một cặp vợ chồng đi xem phim tất cả các chiều thứ 7 trong tuần: “Vì những chiều này chúng tôi không có... con cái”.

Một học sinh 17 tuổi trả lời rằng: “Vì chỉ có cái này mới buộc tôi tập trung được”. Và một cặp vợ chồng 60 tuổi, công chức về hưu thì chọn rạp chiếu phim bởi vì: “Để được ra đường và ăn mặc đẹp”. Đúng là những lý do vừa ngộ nghĩnh vừa dễ thương, để minh chứng cho cái “Bóng tối quyến rũ” của rạp chiếu phim mà nhiều người đắm chìm vào đó, trong đó có Việt Linh.

Từ những “Bóng tối quyến rũ” trong các rạp chiếu phim của nước Pháp, chị khám phá ra những vẻ đẹp của điện ảnh thế giới để giới thiệu đến độc giả Việt Nam từ những năm 90, thời mà điện ảnh trong nước đang thoái trào và những bộ phim hay của thế giới chiếu ở rạp quá hiếm hoi.

Tuyen tap Giay khong goi duoc than chay do anh 3
Poster phim Giấy không gói được lửa Việt Linh lấy làm tựa tuyển tập sách. 

Việt Linh là người giới thiệu sớm nhất những đạo diễn và những bộ phim đặc sắc của điện ảnh Iran cho độc giả trong nước. Trong bài viết Khi ta có đề tài nhỏ, chị nói về nền điện ảnh nhỏ bé, chịu nhiều kiểm duyệt hà khắc mà vẫn sáng tạo được những bộ phim khiến điện ảnh phương Tây phải nể phục.

Chị viết: “Giới bình luận và người xem vẫn còn nhắc đến Cận cảnh (Close-up), Người hành khách (Le passager) như những tuyệt phẩm đặc thù của nền điện ảnh Iran. Abbas Kiarostami - vừa được xếp vào danh sách những tên tuổi lớn của nền điện ảnh quốc tế cận đại - cũng đã bắt đầu sự nghiệp từ những đề tài rất nhỏ”.

“Ông cho rằng những nhà điện ảnh Iran thật ra chỉ tiếp nối truyền thống sáng tác của tổ tiên Iran, nơi thơ ca, hội họa, văn học thường được bắt đầu từ những điều rất nhỏ”, Việt Linh cho biết.  

Còn nói về những hà khắc của kiểm duyệt trong nền điện ảnh Iran, chị dẫn ra đạo diễn Jafar Panahi, một đạo diễn bị chính quyền bỏ tù vì những bộ phim của ông và vẫn tiếp tục làm phim từ trong tù, thậm chí đoạt giải thưởng Gấu vàng tại LHP Berlin gần đây với bộ phim Taxi (2015).

Giới thiệu Jafar Panahi cách thời điểm đó đúng... 20 năm khi ông đoạt giải Caméra d’Or dành cho phim đầu tay Quả bóng trắng (Le ballon blanc) tại Liên hoan phim Cannes 95, Việt Linh dẫn lại câu nói có tính “tiên báo” của ông: “Bản thân sự cấm kỵ không phải là điều xấu, nhưng nó được làm ra để kích thích sự phá rào - thuộc tính vô thức của con người”.

Giới thiệu các đạo diễn xuất sắc

Không chỉ những bài viết về điện ảnh Iran với sự so sánh, đối chiếu, tự vấn cho nền điện ảnh Việt Nam vì có nhiều nét tương đồng, Việt Linh còn giới thiệu nhiều đạo diễn xuất chúng khác của thế giới như Krzysztof Kieslowski (Ba Lan), Takeshi Kitano (Nhật Bản), Pedro Almodovar (Tây Ban Nha), Nanni Morretti (Ý), Nuri Bilge Ceylan (Thổ Nhĩ Kỳ), Andrei Zviaguintsev (Nga)...

Chị đồng thời nói về những đạo diễn trong nước, từ những bậc thầy qua hồi ức của chị như Hồng Sến, Khương Mễ đến những đạo diễn trẻ, đặc biệt là phụ nữ với các bộ phim tài liệu về thân phận con người Việt Nam hiện đại như Nguyễn Thị Thắm với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng hay Đoàn Hồng Lê với Đất đai thuộc về ai...

Viết về Kieslowski, đạo diễn Ba Lan xuất chúng với bộ 3 phim 3 màu: Xanh, Trắng, Đỏ, Việt Linh dẫn dụ bằng những câu so sánh ví von và giàu liên tưởng như thế này: “Kieslowski được biết đến như một đạo diễn mẫn cảm, đột phá không khoan nhượng vào những vấn đề xã hội của Ba Lan đầu thập kỷ 80, với hàng loạt phim làm rung động khán giả và rúng động giới cầm quyền”.

“Ngay từ những phim truyện đầu tay, người ta đã nhận ra một Kieslowski, vẫn phong cách sắc sảo nhưng bay bổng hơn, như nét khắc trên đá thành nét bút trên nền lụa”.

Tuyen tap Giay khong goi duoc than chay do anh 4
Gánh xiếc rong cũng là một trong những tác phẩm nổi bật của Việt Linh.

Hay, một câu khác như gói gọn sự nghiệp của người đạo diễn tài hoa vắn số nhưng di sản của ông để lại trường tồn trong thế giới điện ảnh: “Khắc họa hiện thực bằng cái nhìn siêu thực có ma lực thị giác, có thể nói là sở trường xuyên suốt của Kieslowski. Không vô cớ khi có người ví von điện ảnh của Kieslowski là lưỡi dao lam, trong đó đời sống được cắt ra từng lớp mỏng để nhìn ngắm, phân giải”.

Nói về cái ác, cái bạo lực trong điện ảnh, Việt Linh giới thiệu đạo diễn Nhật Bản Takeshi Kitano với câu nói của ông: “Phim của tôi thường chất chứa bạo lực, nhưng là thứ bạo lực để người xem đau đớn, ghê tởm và xa lánh”.

Và Việt Linh chốt lại bằng câu của chị: “Hình như ông có lý: đàng sau những cơn sợ trực giác trên màn ảnh, phim Kitano bao giờ cũng gián tiếp khơi dậy những giá trị tinh thần bị phá vỡ.”

Giàu cảm xúc và lấp lánh

Một trong những bài viết giàu cảm xúc và chữ nghĩa lấp lánh khác là bài bình luận bộ phim tài liệu Giấy không gói được than cháy dở của đạo diễn Pháp gốc Campuchia Rithy Panh - và cũng được Việt Linh mượn để làm nhan đề cho cả tập sách.

Câu nói giàu hình ảnh được đạo diễn Rithy Panh lấy làm nhan đề của bộ phim và Việt Linh mượn làm nhan đề của tập sách, vốn là của... một cô gái điếm - những nhân vật chính trong bộ phim này.

Từ góc nhìn của một khán giả, chị viết: “Người xem sẽ ngạc nhiên khi thấy các cô gái - chắc chắn học vấn không cao - đã sử dụng rất nhiều thành ngữ hay ho, chí lý. Ví dụ: ‘Đưa máu cho cọp’ để diễn tả bị đánh đập, ‘Gà không bao giờ nằm dưới trứng’ để giải thích sự hiếp đáp đương nhiên của chủ. Và ‘Giấy không gói được than cháy dở’ để nói lên số phận tan nát không thể nào cứu vãn”.

Tuyen tap Giay khong goi duoc than chay do anh 5
Việt Linh, Đặng Nhật Minh và Trương Nghệ Mưu tại LHP Moscow năm 1995. Ảnh: NVCC.

Chị chốt lại bài bình luận về bộ phim của đồng nghiệp bằng câu nói của ông: “Tôi không muốn bình luận, giải thích. Hãy để khán giả tin vào những gì họ nghe thấy”. Và một lần nữa, bằng đôi mắt soi chiếu và trái tim giàu cảm xúc của chị: “Nhường lời tuyệt đối cho nhân vật, Rithy Panh đã ký thác sức rung cảm cho hình ảnh.”

Còn rất nhiều bài viết khác trong tập sách này mà tôi tin đạo diễn Việt Linh - với con mắt mổ xẻ nhà nghề của một người từng đứng sau ống kính máy quay, monitor và trái tim giàu rung cảm của một người viết - là một nhà văn luôn bị ám ảnh bởi “ma lực của chữ” để truyền đến độc giả.

Tôi tin đó là một món quà quý mà chị chắt chiu trong suốt 30 năm trời để dành tặng độc giả và khán giả của mình. 









Nhan cach 'oc muon hon

Nhân cách 'ốc mượn hồn" là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Lê Hồng Lâm

Bạn có thể quan tâm