Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạo diễn Singapore đánh giá ‘Tấm Cám’ nhiều chi tiết tàn bạo, man rợ

Đạo diễn Chua Soo Pong cho biết vở kịch “Tấm Cám” sẽ không có bất cứ cảnh tàn bạo nào vì hướng đến khán giả thiếu nhi.

Sân khấu Lệ Ngọc vừa tổ chức khởi công vở kịch Tấm Cám, phóng tác từ truyện cổ tích cùng tên nổi tiếng của Việt Nam. Điểm đặc biệt, người dàn dựng lại là một đạo diễn đến từ Singapore - Chua Soo Pong.

Đạo diễn Chua Soo Pong cho biết ông rất vui khi được trở lại Việt Nam, càng vui hơn khi có cơ hội được dàn dựng một vở diễn từ cốt truyện kinh điển, được nhiều người yêu thích.

vo dien Tam Cam anh 1
Đạo diễn Chua Soo Pong cho biết vở kịch “Tấm Cám” sẽ không có bất cứ cảnh tàn bạo nào vì hướng đến khán giả thiếu nhi.

Vị đạo diễn Singapore khẳng định Tấm Cám là vở kịch hướng tới khán giả thiếu nhi. Tuy nhiên đừng nghĩ vở diễn dành cho thiếu nhi thì dễ, mà ngược lại, không hề đơn giản.

“Bởi đây là câu chuyện dí dỏm và hài hước, tuy nhiên cũng có những tình tiết không thật và làm thế nào để kể cho các em tin là thật. Và làm sao tạo được sự hài hước, nhưng thuyết phục được trẻ em tin tưởng. Đó là một thử thách”, ông nói.

Trước thắc mắc "Ông làm sao để hiểu kịch bản Việt, văn hóa Việt khi dàn dựng Tấm Cám?", vị đạo diễn cho hay để xây dựng vở diễn, ông đã phải thông qua phiên dịch để hiểu Tấm Cám.

“Ngoài ra tôi cũng tự nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị văn hoá Việt Nam và cũng cố gắng tạo sự khác biệt chứ không muốn rập khuôn theo các vở kịch đã làm trước đó”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - cố vấn nghệ thuật của vở diễn - khẳng định đây là một vở diễn bắt đầu cổ tích, nhưng kịch bản của vở diễn đã đi xa khỏi cốt lõi của bản gốc.

“Kịch bản mới đã được lược bỏ đoạn Tấm làm mắm Cám và gửi cho dì ghẻ ăn. Bởi đây là sự tàn bạo, man rợ không còn phù hợp với thời đại bây giờ. Hơn nữa, vở diễn lại hướng tới là trẻ em nên không thể để nguyên theo bản gốc”, tiến sĩ nói.

vo dien Tam Cam anh 2
Tấm Cám là truyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam.

Đạo diễn Chua Soo Pong cho hay ông đồng ý với nhà văn Nguyễn Hiếu khi thay đổi kịch bản so với bản gốc của Tấm Cám.

"Bởi chúng ta đang hướng tới những điều thiện, không thể đưa nguyên những hành vi quá tàn bạo lên sân khấu, nhất là đối tượng khán giả mà chúng ta đang hướng tới là trẻ em. Nên nhớ rằng chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, khác xa với thế kỷ 15-16", ông bày tỏ.

“Câu chuyện chắc chắn sẽ có những thay đổi cho phù hợp với khán giả hôm nay. Hơn nữa khi làm đạo diễn, không phải cứ làm theo bản gốc, mà mỗi đạo diễn sẽ có cách nhìn, dàn dựng khác nhau. Vì vậy câu chuyện mà tôi muốn đưa lên trên sân khấu cho các em sẽ là câu chuyện có cái kết nhân văn. Đây là mục đích của tôi cũng như của toàn bộ ê-kíp”, đạo diễn người Singapore nhấn mạnh.

Vở diễn cũng sẽ không có nhân vật Bụt. Giải thích về điều này, nhà văn Nguyễn Hiếu - tác giả kịch bản phóng tác cho biết vở diễn sẽ thay bằng nhân vật mẹ của Tấm.

"Trong kịch bản này tôi không muốn chọn ông Bụt mà tôi lấy vai trò mẹ của Tấm làm ông Bụt. Bởi người mẹ sẽ luôn là người xuất hiện trong mọi lúc, mọi nơi khi người con cần đến mẹ. Tình yêu thương của người mẹ như một phép thần, tạo cho con tất cả những điều kỳ diệu trên trái đất này", nhà văn nói.

Thị Nở - Chí Phèo 2019 và nét mới lạ ở mối tình ánh trăng, bụi chuối

“Chí Phèo - Thị Nở” qua bàn tay dàn dựng của “quái kiệt” Lê Hùng vẫn là câu chuyện tình yêu của hai số phận cùng cực xã hội nhưng được thổi vào những nét trẻ trung, hóm hỉnh.




Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm