Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị Nở - Chí Phèo 2019 và nét mới lạ ở mối tình ánh trăng, bụi chuối

“Chí Phèo - Thị Nở” qua bàn tay dàn dựng của “quái kiệt” Lê Hùng vẫn là câu chuyện tình yêu của hai số phận cùng cực xã hội nhưng được thổi vào những nét trẻ trung, hóm hỉnh.

Sân khấu Lệ Ngọc, sân khấu tư nhân hiếm hoi của làng kịch nghệ miền Bắc vừa công diễn vở kịch Thị Nở và Chí Phèo. Vở diễn do “quái kiệt” - NSND Lê Hùng dàn dựng, NSND Lệ Ngọc đóng Thị Nở và Tạ Tuấn Minh đóng Chí Phèo.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đóng vai trò cố vấn nghệ thuật. Sau đêm nhạc, nữ PGS nhận định “Chí Phèo và Thị Nở đã yêu theo cách của Lê Hùng, và rất Lê Hùng”. Đó là một trong những sự khác biệt đáng chú ý nhất.

NSND Lê Hùng cũng khẳng định ông không đi theo lối minh họa truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Do vậy, vở diễn vẫn giữ được tinh thần gốc nhưng cũng đầy tình tự mới mẻ, hấp dẫn. Có nước mắt, có cả  nụ cười.

Chi Pheo,  Thi No anh 1
Một cảnh trong vở kịch Thị Nở và Chí Phèo.

Chí Phèo, cậu bé bị bỏ rơi ở lò gạch, được truyền tay từ người này sang người khác, và cuối cùng trở thành nô bộc trong nhà Bá Kiến. Vì lọt vào mắt xanh bà Ba, Chí bị bà Ba lạm dụng.

Không còn là cảnh bóp chân như tưởng tượng của nhiều người. Trong kịch, bà Ba đuổi bắt Chí đầy táo bạo, ép Chí, quăng váy vào đầu Chí. Tất cả khiến ông Bá Kiến ghen đến điên loạn. Bá Kiến tống Chí vào tù.

Sau bảy năm ở tù, Chí Phèo trở về thành tên du côn, không nhà, không cửa, không mảnh đất cấm dùi. Chí trở thành kẻ đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ. Bá Kiến lợi dụng Chí để đòi nợ, hứa cho Chí cả trăm đồng, nhưng khi Chí đòi thì lại “quỵt”. Chí trở thành tay sai, chỉ biết nghe lời, biết uống rượu. Cuộc đời Chí tưởng như bế tắc.

Nhưng may thay, Chí gặp Thị Nở. Mối tình của Thị Nở và Chí Phèo là nét vẽ khác biệt hoàn toàn trong khung cảnh ngột ngạt, tù túng của làng quê.

Giữa bụi chuối, giữa ánh trăng, họ đến với nhau. Nở từng nhìn trăng hỏi xem bao giờ mình nên duyên. Ánh trăng chẳng trả lời được cho Nở, nhưng cuối cùng Chí lại là câu trả lời. Và ánh trăng vẫn là “nhân chứng”, chứng kiến chuyện tình của hai số phận cùng cực nhất xã hội.

Trong kịch có một cảnh, Chí và Nở cầm hai cái chum và đập vào nhau. Đấy là làm tình, theo kiểu kịch nghệ thuật của Lê Hùng. Cảnh làm tình vừa không thô vừa cuốn hút. Nếu không phải Lê Hùng, chắc chẳng mấy ai nghĩ được đến thế.

Ở phần cuối, kịch tưởng chừng có một cái kết mới khác với truyện ngắn, khi Chí Phèo và Thị Nở quyết tâm về chung một nhà. Tuy nhiên, nhân vật bà cô Thị Nở vẫn xuất hiện, ngăn cấm cháu gái đến với "thằng không lương thiện", khiến Chí đến nhà Bá Kiến đòi "làm người lương thiện".

Kết thúc của vở kịch do vậy không có nhiều mới mẻ. Tuy nhiên, cách dàn dựng rõ ràng chứng tỏ bàn tay lành nghề của Lê Hùng. Có những cốt truyện không thể thay đổi, do vậy tài năng của đạo diễn thể hiện ở những chi tiết khác biệt suốt vở kịch.

Diễn xuất của các diễn viên trong vở diễn gần như thuyết phục hoàn toàn với sự tham gia của cả diễn viên gạo cội lẫn diễn viên trẻ.

Đảm nhiệm 2 vai là vai Thị Nở và bà Ba, NSND Lệ Ngọc khiến nhiều người bất ngờ bởi lối diễn xuất linh hoạt. Cách hóa trang sân khấu khắc họa rõ nét một Thị Nở xấu "ma chê quỷ hờn" nhưng tốt bụng, ấm áp. Nhưng khi làm bà Ba thì cũng rất xinh đẹp, đong đưa.

Ngoài các nhân vật trung tâm như Thị Nở, Chí Phèo, vợ chồng Bá Kiến, tác phẩm khắc họa rõ nét hơn về tuyến nhân vật phụ gồm Binh Chức, vợ Binh Chức, Lý Cường. Vợ Binh Chức vốn xinh đẹp. Chồng đi lính, tiền gửi về bị quan lại trong làng cắt xén, chị phải bán thân nuôi miệng.

Trong khi đó, sau nhiều năm đi lính, Binh Chức trở về thân tàn ma dại. Không có tiền chữa bệnh, anh sớm qua đời. Nhân vật Năm Thọ cũng được nhắc đến qua lời Bá Kiến. Trước khi chết, giống Chí Phèo, anh cũng đến nhà ông ta "đòi làm người lương thiện". Lý Cường - giống như Bá Kiến, là kẻ phóng túng, dâm ô, tham lam.

Kịch có nhiều nhân vật mang màu sắc khác nhau. Bên cạnh nông dân cùng cực là những chân dung về tầng lớp quan lại phong kiến, đặc biệt trong phân cảnh ở nhà Bá Kiến - những kẻ vô công rồi nghề, chỉ biết ăn chơi trụy lạc, say sưa trong hơi thuốc phiện.

Điệu bộ, cử chỉ của Tiến Minh (vai Bá Kiến) toát lên sự hống hách, rởm đời, khiến người xem tức cười. Là tên cường hào ác bá khét tiếng nhưng Bá Kiến ra vẻ đạo mạo, thường xuyên nhắc đi nhắc lại câu: "Sống trên đời phải có tâm". Các câu thoại của hai nhân vật này hài hước, lố bịch, mang tiếng cười đả kích, châm biếm sâu sắc.

Kịch Thị Nở và Chí Phèo ghi điểm bởi diễn xuất sinh động, linh hoạt và các câu thoại sâu cay của dàn diễn viên. Đằng sau tiếng cười, tác phẩm gợi nỗi thống khổ, vất vả của những người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội cũ.

Trong bối cảnh sân khấu khó khăn, không có khán giả, Thị Nở và Chí Phèo là một vở diễn đáng thưởng thức, thể hiện tâm sức của giới nghệ sĩ. Tất nhiên, vở diễn vẫn có một số chi tiết đáng tiếc, không cần có. Ví dụ phần mở đầu hơi dài dòng với một đoàn tham quan du lịch của thời hiện tại. Đây là chi tiết thừa thãi, không cần thiết.



Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm