Đạo diễn Lê Hoàng cùng Đức Thịnh, NSND Đào Bá Sơn, biên kịch Châu Thổ là các thành viên ban giám khảo của giải thưởng Ngôi sao xanh năm 2021. Chia sẻ trong buổi họp báo ngày 16/11, đạo diễn phim Gái nhảy nói về điện ảnh Việt và xu hướng làm phim trực tuyến.
Phim Việt thiếu bản sắc
Theo Lê Hoàng, một nền điện ảnh phát triển cần có sự đánh giá tự thân, bằng các giải thưởng uy tín, với các nhà lý luận, phê bình. Nếu không, nền điện ảnh đó chỉ có thể lấy những giá trị bên ngoài chứng tỏ mình mà thôi.
"Có thực tế đáng buồn, khán giả Việt biết rõ tên phim, diễn viên nào đoạt giải Oscar nhưng ít biết phim chiến thắng ở giải thưởng trong nước. Đây là lỗi của người làm phim không xây dựng được những tác phẩm đủ uy tín, gây ấn tượng mạnh. Điều quan trọng nữa, chúng ta thiếu việc đánh giá, bình luận phim", ông nói.
Ông dẫn chứng các nền điện ảnh lớn bao giờ cũng có nhà làm phim và nhà lý luận phê bình phim. "Đôi khi lý luận phê bình còn đi trước. Hầu hết phim Việt ra mắt chỉ để công chúng mua vé, quyết định. Báo chí cũng có nhìn nhận, đánh giá nhưng hệ thống lý luận phức tạp hơn nhiều. Để có giải Oscar uy tín lâu năm, Mỹ phải có Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh. Tại Việt Nam không có viện nào cả, nhà phê bình, lý luận rất ít ỏi", Lê Hoàng nói.
Ông cho rằng người viết phê bình phim ở Việt Nam hầu hết tự học và viết theo cảm xúc của bản thân. Hiện nay, Đại học Sân khấu và Điện ảnh có khoa Lý luận phê bình nhưng ít người học vì họ không tin tốt nghiệp xong có thể kiếm sống bằng nghề.
Lê Hoàng đánh giá lý luận, phê bình là lý thuyết, cơ sở, nền tảng để điện ảnh phát triển. Nếu thiếu điều đó, điện ảnh phát triển manh mún, xảy ra tình trạng chạy theo phòng vé hoặc những xu hướng nhất thời.
"Có lần, tôi đi nước ngoài, nhà làm phim ngoại quốc từng nói: không nhìn màn ảnh, chỉ nghe âm nhạc trong phim, họ phân biệt được ngay phim Trung Quốc, Ấn Độ... Nhưng họ không nhận biết được Việt Nam. Điều đó chứng tỏ phim Việt không có bản sắc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều đó nhưng một phần do nền lý luận không đủ vững chắc. Do đó, người làm phim không có cơ sở văn hóa cao và thống nhất, bài bản. Chúng ta bán vé được, có doanh thu nhưng nếu thiếu bản sắc thì điện ảnh không bao giờ phát triển", Lê Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Lê Hoàng cho rằng các giải thưởng lâu năm ở Việt Nam như Liên hoan phim Việt Nam hoặc Cánh diều đều chưa biết cách xây dựng thương hiệu.
Ông lý giải: "Cánh diều thay đổi tên nhiều lần. Liên hoan phim Việt Nam đổi tên giải thưởng, logo, mỗi năm tổ chức ở một địa phương. Nghe thì hay đó nhưng thực ra rất dở, không làm cho địa phương cũng như giải thưởng có dấu ấn. Ví dụ ở Pháp, LHP Cannes tổ chức hàng năm và nơi này trở thành thành phố của liên hoan phim. Tới Mỹ, ai cũng biết kinh đô điện ảnh Hollywood. Ở Việt Nam, tới đâu cũng là điện ảnh và cũng không phải điện ảnh. Sự thay đổi về tên, logo, địa phương tổ chức khiến sự nhận diện, biểu tượng điện ảnh không vững chắc trong khán giả".
"Điện ảnh bây giờ không đơn thuần là giải trí, đã trở thành nền công nghiệp. Bộ phim Trò chơi con mực của Hàn Quốc sản xuất đã đạt doanh thu lớn, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Rõ ràng xuất khẩu văn hóa là ngành mang lại doanh thu lớn cho nền kinh tế, cần được chú trọng phát triển", nam đạo diễn nói thêm.
Phim chiếu mạng thay đổi thị trường
Từ thành công của Trò chơi con mực, Lê Hoàng đánh giá phim công nghệ, phát trên các nền tảng trực tuyến đã phát triển vượt ra khỏi trí tưởng tượng của nhiều người. Theo ông, Netflix hay các nền tảng trực tuyến khác không còn là nơi làm phim hạng hai, dành cho người ở nhà nội trợ. Hiện tại, họ đã thuê diễn viên, đạo diễn nổi tiếng, đầu tư sản xuất với kinh phí khổng lồ và không chiếu rạp.
Nếu bỏ 15 USD mỗi tháng có thể xem hàng nghìn phim, vậy nhu cầu khán giả đến rạp sẽ giảm. Không những thế, thiết bị điện thoại có chế độ âm thanh, hình ảnh đẹp hỗ trợ cho việc xem phim trực tuyến. Vì vậy tương lai của rạp trước sự phát triển của các nền tảng trực tuyến đang là dấu hỏi lớn.
Lê Hoàng cho rằng sự phát triển công nghệ mang lại nhiều cơ hội cho nhà làm phim trẻ. Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại, có thể làm được một phim ngắn.
"Có nhiều thứ vớ vẩn, trẻ con, lăng nhăng, độc hại nhưng không thể phủ nhận những điểm tích cực của phim phát trên nền tảng công nghệ. Trước đây, muốn làm được một bộ phim và ra mắt được khó khăn vô cùng, đòi hỏi phải có tiền, phương tiện và được đồng ý cho chiếu. Phim công nghệ ra đời, kinh phí sản xuất thấp, thiết bị đơn giản, có thể tự đăng tải", đạo diễn nói.
Ông nói thêm: "Ngày xưa, tôi học 5 năm trong trường điện ảnh, chỉ làm được 3 phim khoảng 10 phút. Bây giờ, các em học một vài tuần có thể làm được phim rồi. Làm phim nhiều giúp tay nghề lên nhanh. Rõ ràng phim chiếu mạng, phim trên các nền tảng công nghệ là chân trời mới cho các bạn trẻ, là xu thế không cách gì ngăn cản được".
2022 có thể là năm đầu tiên không có phim Tết
Đại diện cụm rạp Galaxy cho biết họ vẫn đang đề xuất mở rạp phim tại TP.HCM và Hà Nội nhưng chưa nhận được phản hồi.
Ê-kíp Việt quay phim trong bối cảnh có thành viên mắc Covid-19
Trở lại làm việc, ê-kíp "Nghề siêu dễ" cho biết họ xác định sống chung với dịch. Vừa qua, hai thành viên trong đoàn dương tính với SARS-CoV-2.
Đoàn phim Việt gặp khó vì phải thay đổi diễn viên
Không chỉ thay đổi bối cảnh vì dịch, các đoàn phim truyền hình cho biết họ còn phải chịu cảnh thiếu nhân sự.