Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ với Zing về những khó khăn sau dịch và quan điểm về vấn đề bản quyền âm nhạc đang gây tranh cãi.
Hoạt động cầm chừng sau dịch
- Anh đánh giá bức tranh nhạc Việt trong một năm bùng phát dịch bệnh thế nào?
- Tất cả đang bão hòa và tôi không thấy tín hiệu khởi sắc. Theo dõi các tác phẩm ra mắt trong thời gian qua, tôi nghĩ đa số mang tính giải trí, hài hước, dừng lại ở mức nghe vui tai, ít giá trị nghệ thuật. Gần đây, tôi ấn tượng với ca khúc Nam quốc sơn hà do Erik và Phương Mỹ Chi thể hiện. Tác phẩm kết hợp yếu tố hiện tại và truyền thống, có phần lời do nhóm DTAP viết hấp dẫn. Mong rằng sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm thu hút.
- Anh bắt đầu trở lại với công việc sau 5 tháng giãn cách như thế nào?
- Sau thời gian nghỉ dịch tôi tiếp tục sản xuất và cho ra mắt những sản phẩm tiếp theo của Music Diary 4 - dự án đã phải tạm dừng do dịch khi chỉ mới phát hành được phân nửa số ca khúc.
Song song, tôi điều hành phòng trà hoạt động trở lại. Tuy nhiên mô hình phòng trà có sức chứa 100-200 khách vẫn đang chưa thể an toàn tuyệt đối ở thời điểm này. Nếu muốn hoạt động tiếp tục, tôi và các cộng sự phải chấp nhận chịu lỗ, giảm bớt ghế ngồi. Nhưng như thế doanh thu sẽ không đủ bù chi.
Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia chương trình The Cover Show, cùng 10 nhạc sĩ khác. Với tôi việc được nghe các thí sinh thể hiện tác phẩm của mình theo tinh thần mới rất thú vị.
Nam nhạc sĩ cho biết gặp khó khăn khi kinh doanh phòng trà. |
- Kinh doanh phòng trà trong thời gian dịch bệnh, anh đối diện với những khó khăn gì?
- Tôi đang cố gắng, gồng bằng sự kiên trì. Nửa năm qua, tôi mất khá nhiều tiền để duy trì mặt bằng. Thời gian đầu, nhân viên của tôi là 20 người, đến khi bùng dịch, phòng trà phải giảm 50% nhân sự. Bây giờ mở lại khó, lượng khán giả kỹ tính lại không dám bước chân đến phòng trà có quy mô hơn 100 khách.
Tôi đã từng đăng lên bài post phòng trà chính thức trở lại, lượng đặt bàn rất ít, chỉ đạt 20% số ghế. Số lượng này không đảm bảo để đủ mở phòng trà. Chỗ chúng tôi phải đảm bảo ít nhất 70-80% khán giả mới mở được.
- Cụ thể, anh đối diện với thua lỗ ra sao?
- Chúng tôi đã thuê hai căn kế bên và đập ra, xây thông. Số vốn đầu tiên chúng tôi đầu tư vài tỷ đồng. Đến đợt dịch, chúng tôi đầu tư sửa chữa khoảng 500-700 triệu đồng. Đầu tư lớn nhưng chúng tôi chưa thể thu hồi vốn. Toàn bộ nhân viên của tôi hiện nay đều đã nghỉ hết. Tôi và cộng sự phải tự sắp xếp, gồng gánh.
- Anh đã tính đến trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp trong vài tháng tới?
- Tôi cố gắng duy trì đến Tết. Nếu dịch không ổn, tôi sẽ làm cho nhỏ lại. Phòng trà là ước mơ bao năm, nếu bỏ thì tôi rất tiếc. Nhưng có thể tôi phải tìm một mặt bằng khác nhỏ hơn. Và như thế, tôi phải đi làm lại từ con số không.
Theo Nguyễn Minh Cường, nhạc sĩ nên tìm hiểu Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ tác phẩm của mình. |
Nhạc sĩ cần hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ
- Anh thường "đo ni đóng giày" sáng tác của mình cho các giọng ca nổi tiếng. Trong số các ca sĩ trẻ hiện nay, anh đánh giá ai có thể tiến xa?
- Tôi chưa phát hiện được giọng ca trẻ nào ấn tượng, có thể gây đột biến trong thời gian tới. Các ca sĩ trẻ tôi thích và có mối liên hệ đều đã mời hợp tác. Những người khác tôi chưa hợp tác vì không phù hợp với dòng nhạc của mình.
- Vừa qua, nhạc sĩ Giáng Son phản ứng khi quyền tác giả bị xâm phạm. Anh nhìn nhận gì về việc BH Media quét bản quyền với nhạc sĩ Giáng Son khi cô ấy đăng ca khúc "Giấc mơ trưa"?
- Bản ghi âm Giấc mơ trưa, BH đăng tải trên YouTube do Hồ Gươm Audio sản xuất và đơn vị này cũng ủy quyền cả việc truy quét bản quyền bản ghi ca khúc. Nhưng nếu bản ghi đó không có sự đồng ý của chị Giáng Son - tác giả bài hát thì sai phạm đầu tiên của Hồ Gươm Audio là cho phát hành, phân phối một sản phẩm mà không có quyền tác giả hoặc được sự đồng ý của tác giả.
Thứ hai, nếu Hồ Gươm Audio không có quyền tác giả hay được tác giả ủy quyền sẽ không được phân phối tác phẩm đến công chúng. Một bản ghi hình được đăng tải hợp pháp là phải được sự đồng ý của nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất. Đủ ba yếu tố đó mới có thể xác lập quyền sở hữu bản ghi âm ghi hình.
Với Tiến quân ca, bài hát được sử dụng rộng rãi, phổ biến vì gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân. Các cá nhân, tổ chức được phép hát và có thể thực hiện làm bản phối, ghi âm, hình nhưng không được nhận quyền sở hữu.
- Hiện tại, còn có vấn đề các công ty, hãng đĩa từng phát hành sản phẩm cho nghệ sĩ, họ tiếp tục đưa sản phẩm đó lên mạng kinh doanh. Anh thấy sao?
- Để biết được các hãng đĩa, đơn vị phát hành có vi phạm hay không cần phải xem lại thỏa thuận hợp đồng ban đầu giữa họ và nghệ sĩ, nhạc sĩ. Nếu trong hợp đồng, đơn vị phát hành chỉ có quyền phân phối, phát hành đĩa vật lý, họ sẽ không được quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng hay quyền kinh doanh bản ghi.
- Thực tế, cách anh làm việc với các đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình ra sao?
- Sau khi họ ngỏ lời mua tác quyền ca khúc, tôi sẽ làm việc cụ thể về mức giá, việc sử dụng tác phẩm của mình thế nào. Họ sẽ sản xuất sản phẩm, thu lợi nhuận từ việc kinh doanh các bản ghi âm, ghi hình đó. Bản ghi do đơn vị sản xuất sẽ thuộc quyền sở hữu của họ. Nhưng họ chỉ được phép truy quét bản quyền liên quan đến bản ghi đó mà thôi.
Tôi nghĩ nhạc sĩ khi làm việc với các đơn vị sản xuất cần phải tìm hiểu rõ ràng điều khoản trong hợp đồng rằng họ được những quyền gì, và tuyệt đối không chuyển nhượng quyền tác giả cho bất kỳ ai. Đa số các nhạc sĩ đều ít nắm về luật bản quyền nên khi ký hợp đồng thường bỏ qua những yếu tố quan trọng.
- Theo anh, các nhạc sĩ cần làm gì để bảo vệ quyền sở hữu tác phẩm của mình?
- Tôi nghĩ nhạc sĩ cần phải tìm hiểu và nắm rõ luật, song song đó có thể tìm đến những đơn vị uy tín như Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để giúp bảo vệ quyền lợi. Trung tâm hiện bổ sung nhiều kỹ thuật bảo vệ quyền tác phẩm. Nhạc sĩ nên ủy thác, ủy quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.
Mọi người cũng nên mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm phạm bản quyền. Bài hát là tài sản, mang giá trị lâu dài, có đời sống lên tới 50 năm.