Xe tăng và tiếng súng vang trên đường phố Thủ đô Ankara đánh dấu lần thứ 5 quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào thể chế chính trị đất nước. Cuộc đảo chính thất bại, chính phủ dân cử vẫn nắm quyền điều hành đất nước.
Tuy nhiên, cuộc đảo chính làm dấy lên câu hỏi lớn về sự ổn định của chính quyền Tổng thống Erdogan. Theo giới chuyên gia phương Tây, chính ông Erdogan phải chịu trách nhiệm đối với tình hình hỗn loạn hiện nay.
Nắm quyền nhờ thời thế
Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan lên nắm quyền vào ngày 3/11/2002 khi giành được 34% số phiếu. Nhưng không hẳn cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đảng phái mang truyền thống Hồi giáo của ông Erdogan. Điều họ muốn nhìn thấy là sự thay đổi của đất nước.
Trước cuộc bầu cử năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ chìm trong hàng loạt vụ tham nhũng, khủng hoảng ngân hàng và sự suy giảm tỷ giá đồng lira so với đồng đô la Mỹ. Theo Foreign Policy, đảng AKP "gặp may" sau cuộc đảo chính của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 1980.
Sau khi lật đổ chính phủ, quân đội đã áp đặt một Hiến pháp mới nhằm ổn định tình hình chính trị đầy biến động. Bản Hiến pháp năm 1982 do quân đội áp đặt quy định các đảng chính trị cần phải có ít nhất 10% số phiếu bầu của người dân để có thể bước vào Quốc hội, nhằm ngăn chặn tình trạng bè phái.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định dành cho đảng AKP cơ hội do họ đã quá chán nản với bất ổn.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2002, đảng AKP đã giành được đa số phiếu trong Quốc hội. Điều đầu tiên mà đảng này thực hiện là thay đổi luật pháp để dọn đường cho ông Erdogan lên nắm quyền điều hành đất nước trong cương vị thủ tướng.
Tổng thống Tayyip Erdogan được cho là nhà lãnh đạo "độc tài và hiếu chiến". Ảnh: ABC News |
Những thành tựu
Trong những năm đầu điều hành, ông Erdogan đã có những chính sách hợp lý để ổn định tiền tệ, thu hẹp tỷ giá đồng lira so với đô la Mỹ. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải là triệu phú để có thể mua một lon Coca. Chính quyền Erdogan tập trung phát triển kinh tế, khuyến khích và mở rộng đầu tư cả trong khu vực nhà nước và tư nhân.
Đảng AKP và đồng minh bơm tiền vào các thành phố như Konya và Kayseri. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ giàu lên mà nhiều bộ phận người dân vốn bị bỏ mặc từ lâu đã lần đầu tiên cảm thấy được tôn trọng.
Ông Erdogan cũng đạt một số thành tựu trong quá trình điều hành đất nước: kinh tế phát triển, tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ người dân tăng lên khiến dân số ở tuổi lao động trở nên dồi dào.
Đây thực sự là một cú chuyển ngoạn mục của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, ngang với sự tăng trưởng thần kỳ của “những con hổ” Đông Á vào những thập kỷ cuối của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhiều xu hướng đáng lo ngại ẩn sau thành tựu kinh tế ấn tượng.
Theo các nhà phân tích tài chính, tỷ lệ nợ công theo GPD của Thổ Nhĩ Kỳ ở mức tương đối thấp, khoảng 33%, con số khiến cho Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Mỹ phải ngưỡng mộ. Nhưng nợ tư nhân tăng vọt.
Đa số người vay tiền ở Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy họ không đủ khả năng để trả lãi các khoản vay. Do đó, dù các số liệu thống kê chính thức rất khả quan, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải sống chật vật, lo âu về một tương lai u ám.
Hạn chế
Theo các chuyên gia phương Tây, sau khi tái đắc cử thủ tướng vào năm 2007, ông Erdogan tập trung vào chính sách trở thành “lá cờ đầu của Hồi giáo” trong khu vực và quay lưng lại với “chủ nghĩa thế tục” của Kemal Ataturk, người sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hơn 90 năm trước.
Thay vì giải quyết tình trạng tỷ lệ phụ nữ bị giết hại tăng vọt, ông Erdogan yêu cầu phụ nữ ở nhà và sinh nhiều con. Ông cấm cản việc nạo phá thai vì cho rằng đó là hành vi đi ngược ý thượng đế.
Cuộc biểu tình ở Công viên Gezi năm 2013 được xem là "hồi chuông báo động" đối với chính sách của ông Erdogan. Ảnh: Wikipedia |
Chính sách với người Kurd của ông Erdogan cũng vấp phải nhiều hoài nghi. Người Kurd từng hi vọng vào lời cam kết về việc giải quyết những bất công cho họ.
Tuy nhiên, việc “không giữ lời” của ông đã khiến cho những người Kurd bỏ phiếu ủng hộ Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP). Erdogan lập tức biến phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ thành vùng chiến tranh.
Vấn đề lớn nhất đối với ông Erdogan là chính sách đối ngoại của ông, kể cả sau khi trở thành tổng thống từ năm 2014. Erdogan từng cam kết “không gây hấn với các nước láng giềng” nhưng quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel và Nga lại xấu đi.
Vì sao đảo chính thất bại
Một số nhà phân tích nhận định rằng, những chính sách đối nội và đối ngoại chưa hợp lý của Erdogan khiến tình trạng chia rẽ, bè phái trong nội bộ đất nước ngày càng gia tăng. Cuộc đảo chính đêm 15/7 là điều mà giới phân tích có thể đoán trước.
Người dân trút giận lên phe đảo chính. Ảnh: Twitter/Int'l Spectator |
Tuy nhiên, cuộc binh biến chỉ kéo dài chưa đầy 24 giờ và kết thúc trong thất bại. Aykan Erdemir, cựu thành viên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và thuộc Quỹ Quốc phòng Dân chủ có trụ sở tại Washington, nói với Business Insider rằng, "Tôi dự đoán cuộc binh biến sẽ thất bại từ sớm, vì các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ cuộc đảo chính".
Nhà phân tích địa chính trị Ian Bremmer, chủ tịch tập đoàn Tư vấn rủi ro Chính trị Eurasia đồng tình với nhận định trên. "Các đảng phái chính trị (bao gồm phe đối lập) phản đối đảo chính. Phe đảo chính thiếu khả năng giữ bí mật kế hoạch và tập hợp đồng minh", ông Bremmer nói với Business Insider.
Ngoài ra, sự phân hóa trong nội bộ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại. Người dẫn đầu cuộc binh biến là một đại tá trẻ. Ông ta không nhận được sự ủng hộ của các tướng lĩnh cấp cao.
Tổ chức kém, thiếu ảnh hưởng sâu rộng đến phần lớn quân đội dẫn đến đấu đá nội bộ. Một số nguồn tin nói rằng, những người lính tham gia đảo chính là lính nghĩa vụ, họ không hề biết đã tham gia vào một cuộc binh biến.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần can thiệp vào chính trị, đã có 4 cuộc đảo chính kể từ năm 1960 đến trước ngày 15/7, nhưng cuộc binh biến lần này rất khác biệt.
Gonul Tol, giám đốc Viện Trung Đông về Thổ Nhĩ Kỳ, nói: "Trong quá khứ, quân đội thường đáp ứng lời kêu gọi của người dân và các tổ chức nhằm lật đổ một chính phủ không được lòng dân. Nhưng đó không phải là trường hợp của hôm nay. Đảng AKP và Erdogan có thể gây chia rẽ và xa lánh với một bộ phận quan trọng trong xã hội, nhưng họ vẫn có được sự ủng hộ của gần 50% dân số".
Cuộc binh biến thất bại, nhưng các nhà phân tích có cùng nhận định, đó là "hồi chuông cảnh báo" đối với chính quyền Erdogan. Sự ủng hộ đối với Erdogan vẫn còn đáng kể, nhưng ngày một "thu hẹp".